Ấm lòng sĩ tử

GD&TĐ - Đưa - đón thí sinh, gọi điện cho người thân khi chưa thấy sĩ tử đến điểm thi, cõng thí sinh không may bị tai nạn hay những lời động viên, chai nước mát giữa trưa hè nóng bức… là tình cảm các tình nguyện viên dành cho thế hệ 2K4 trong buổi thi ngày 7/7. Lời nói chân thành, việc làm ý nghĩa không chỉ giúp các em vững tâm hoàn thành bài thi và tiếp tục nỗ lực cho buổi thi ngày 8/7 mà còn ăn sâu vào tâm trí về hành động đẹp mà toàn xã hội dành cho và hướng tới.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) trao đổi nội dung đề sau buổi thi đầu tiên.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) trao đổi nội dung đề sau buổi thi đầu tiên.

Màu áo xanh phủ khắp nẻo đường

Kỳ thi năm nay, học sinh Trường THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) dự thi tại điểm thi cách trường khoảng 20km. Tuyến đường đi lại đang trong giai đoạn nâng cấp, sửa chữa. Vì thế, các em gặp nhiều khó khăn và lúng túng vì môi trường mới, khoảng cách di chuyển xa.

Dự thi tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Điện Biên Phủ), em Nguyễn Thị Mai Hiếu chia sẻ: “Những việc làm của thầy cô, đội tình nguyện tuy đơn giản nhưng rất có ý nghĩa. Đây là kỳ thi đặc biệt quan trọng với chúng em. Nhưng có thể 1 buổi thi nào đó chúng em gặp vướng mắc, chưa kịp đến điểm thi thì đã có các anh chị và thầy cô tình nguyện viên hỗ trợ”.

Được sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, Đoàn trường đã tổ chức cho học sinh di chuyển theo nhóm để tiện hỗ trợ nhau khi gặp sự cố về phương tiện. Thầy Dư Thanh Hiếu, Bí thư Đoàn Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng: “Để việc di chuyển đến điểm thi theo nhóm hiệu quả, Đoàn trường đã tổ chức cho các em đăng ký nhóm, tuyến đường, số điện thoại liên lạc... và xây dựng lịch trình, khung thời gian cụ thể của các nhóm.

Đồng thời, trường cũng lập 3 chốt cơ động trên các tuyến đường di chuyển của học sinh, vận động học sinh khối 10 và 11 cùng tham gia đội hình tình nguyện để kịp thời hỗ trợ thí sinh trong quá trình di chuyển đến điểm thi”.

Em Nguyễn Thị Thu Vân, học sinh lớp 12A4, Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng cho biết: “Thầy cô đã tận tình trong việc hỗ trợ chúng em đi thi tốt nghiệp THPT. Điều này làm cho em cảm nhận được sự quan tâm như một gia đình và là nguồn sức mạnh to lớn để giúp em hoàn thành bài thi tốt nhất có thể”.

Nguyễn Ngọc Ân, học sinh lớp 12A3 cũng xúc động chia sẻ: “Em biết ơn thầy cô vì đã tận tình lo cho chúng em từ việc di chuyển, bữa cơm trưa và chỗ nghỉ ngơi. Thầy cô động viên chúng em về mọi mặt, dự trù các sự cố có thể xảy ra và hướng dẫn cách khắc phục để không ảnh hưởng đến giờ thi.

Em tự tin về hành trình đến điểm thi của mình vì kiến thức đã được thầy cô truyền đạt. Quãng đường dự thi cũng đã có thầy cô và bạn bè bên cạnh hỗ trợ”.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Trường THCS&THPT Trần Ngọc Hoằng thành lập các đoàn hỗ trợ học sinh đi thi. Tuy nhiên, lần này do một số thay đổi về hành trình, công tác chuẩn bị của nhà trường kỹ lưỡng và chu đáo hơn.

Đoàn Thanh niên huyện Tương Dương (Nghệ An) phát cơm trưa miễn phí cho các thí sinh.

Đoàn Thanh niên huyện Tương Dương (Nghệ An) phát cơm trưa miễn phí cho các thí sinh.

Không chỉ truyền kiến thức, lo phương tiện cho trò, thầy cô giáo ở Điện Biên còn giám sát, phối hợp với gia đình để nhắc thí sinh đến điểm thi đúng giờ.

“Alo, anh có phải phụ huynh của em Bùi Mạnh Cường không ạ? Em là tình nguyện viên tại điểm thi, gia đình cho hỏi vì sao giờ này cháu vẫn chưa đi thi ạ?...”. Trong buổi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, cô Nguyễn Thị Dương, Bí thư Đoàn Trường THPT TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã phải bấm máy cho 5 phụ huynh với nội dung tương tự.

Điểm thi Trường THPT TP Điện Biên Phủ có hơn 600 thí sinh dự thi, ngoài học sinh nhà trường, còn có trên 200 thí sinh tự do và học sinh Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) tham dự.

Để hỗ trợ tốt nhất cho các em, đội ngũ tình nguyện viên tham gia “Tiếp sức mùa thi” có mặt từ trước 6 giờ sáng. “Chúng tôi có 35 người, túc trực tại đây để hỗ trợ các em. Ngoài việc phát nước uống, đồ ăn sáng, động viên tinh thần, còn có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra, xác nhận và hỗ trợ các em đến điểm thi an toàn, đầy đủ”, cô Dương cho hay.

Theo cô Dương, nhà trường đã lập sẵn một danh sách thí sinh tham dự tại điểm thi. Trong đó ghi rõ địa chỉ, số điện thoại thí sinh, phụ huynh… “Từng phòng thi sẽ nắm bắt số lượng thí sinh. Những em vắng sẽ được Hội đồng thi thông báo, để chúng tôi ở vòng ngoài hỗ trợ ngay”, cô Dương nói.

Ngoài việc gọi điện cho thí sinh, phụ huynh để xác nhận, nhắc nhở và thúc giục, đối với trường hợp gặp vướng mắc (hỏng xe, tai nạn…) sẽ được đội ngũ tình nguyện viên tới hỗ trợ, giúp đỡ đưa đến điểm thi.

Tương tự, toàn bộ thí sinh dự thi tại Trường THPT Lương Thế Vinh (TP Điện Biên Phủ) cũng nhận được sự hỗ trợ đắc lực của đội ngũ tình nguyện viên. Một danh sách bao gồm đầy đủ thông tin liên lạc với thí sinh, phụ huynh được lập sẵn.

Mỗi thí sinh trước khi vào khu vực thi đều phải qua một khu vực để đọc tên, số báo danh để lực lượng tình nguyện viên xác nhận. Dựa trên cơ sở này, những trường hợp chưa kịp thời tới điểm thi đều được chủ động liên hệ, nắm bắt tình hình.

Phó Trưởng điểm thi hướng dẫn cán bộ sử dụng thiết bị ghi âm, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình thi.

Phó Trưởng điểm thi hướng dẫn cán bộ sử dụng thiết bị ghi âm, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình thi.

Đồng hành cùng thí sinh lúc khó khăn nhất

Trưa 7/7, tại điểm thi Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) sau khi các thí sinh hoàn thành môn thi Ngữ văn ra khỏi trường, nhiều người khá bất ngờ và xúc động động khi chứng kiến một nam sinh lớp 11 là tình nguyện viên tiếp sức mùa thi đã cõng một nữ thí sinh bị gãy chân bước ra từ sân trường.

Tình nguyện viên là nam sinh học lớp 11 Nguyễn Gia Bảo (Trường THPT Thanh Khê) đã cõng thí sinh bị gãy chân là Hà Thúy L. (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).

Trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2022, thí sinh Hà Thúy L. không may bị tai nạn khiến chân phải của em bị gãy phải bó bột. Khi tập trung tại điểm thi để học nội quy vào chiều 6/7, gia đình L. rất lo lắng vì theo quy định người nhà không được có mặt tại khu vực thi.

Tuy nhiên, khi người nhà đưa L. đến điểm thi thì các tình nguyện viên có mặt ở điểm thi Trường THPT Thái Phiên đã sẵn sàng hỗ trợ thí sinh. Việc làm của các tình nguyện viên tiếp sức mùa thi khiến nhiều người cảm động.

Em Nguyễn Gia Bảo (học lớp 11, Trường THPT Thanh Khê, tham gia nhóm tình nguyện tại Trường THPT Thái Phiên) cho biết: Được sự phân công của trưởng nhóm, em đã tiếp sức cho nữ thí sinh.

“Khi cõng thí sinh gãy chân, leo lên từng bậc cầu thang để đến phòng thi, mỗi bước chân là một bước đến gần hơn với sứ mệnh tình nguyện. Bản thân rất vui khi được cống hiến sức trẻ”, Bảo tâm sự.

Không chỉ cõng thí sinh L. vào phòng thi, Bảo còn tham gia phát nước miễn phí cho thí sinh và các phụ huynh đang đứng đợi con. “Là học sinh lớp 11, được Chi đoàn Trường THPT Thanh Khê lựa chọn tham gia hỗ trợ thí sinh, em rất vui và hạnh phúc. Đây là cơ hội để chúng em học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị tâm lý để năm sau bước vào cuộc thi quan trọng của đời học sinh. Hơn nữa, được mặc áo xanh đoàn viên làm điều có ích cho xã hội trong kỳ nghỉ hè là một kỷ niệm vô giá”, Gia Bảo bộc bạch.

Thí sinh bị gãy tay cùng giáo viên hỗ trợ tại phòng thi.

Thí sinh bị gãy tay cùng giáo viên hỗ trợ tại phòng thi.

Còn tại Cần Thơ, một học sinh bị gãy tay tưởng như không còn cơ hội hoàn thành kỳ thi quan trọng của cuộc đời nhưng các thầy cô đã cho em hy vọng.

Tại điểm thi Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thuỷ (TP Cần Thơ), thí sinh Tạ Quốc Hùng bị gãy tay nên không thể viết được. Em chỉ có thể tô đáp án khi làm bài thi trắc nghiệm, còn bài thi tự luận thì khó khăn. Vì thế, với bài thi Ngữ văn sáng nay, Điểm thi bố trí một phòng thi riêng cho thí sinh (phòng dự phòng).

Thầy Nguyễn Lê Tuấn, Trưởng điểm thi Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa cho biết: Phòng thi dự phòng được bố trí 2 cán bộ coi thi và 1 cán bộ giám sát. Ngoài ra, phòng thi được bố trí thêm 1 cán bộ coi thi làm nhiệm vụ hỗ trợ cho thí sinh viết bài. Cán bộ hỗ trợ thí sinh viết bài không có cùng chuyên môn đối với môn thi.

Phòng thi được trang bị 1 camera ghi lại toàn bộ hình ảnh của thí sinh và cán bộ hỗ trợ thí sinh, 1 máy ghi âm - thu lại toàn bộ giọng đọc của thí sinh. Camera và máy ghi âm đều được kiểm tra trước khi niêm phong (camera không có hình ảnh và máy ghi âm không có audio nào khác trước khi thí sinh làm bài).

Em Tạ Quốc Hùng, học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa cho hay: “Được thầy cô hỗ trợ viết bài, em rất vui. Em sẽ quyết tâm thi tốt kỳ thi này”.

Trước khi cho thí sinh vào phòng thi, Trưởng điểm thi và thư ký điểm thi cùng Công an giao camera và máy ghi âm cho cán bộ coi thi 1 tại phòng thi, hướng dẫn cán bộ coi thi 1 các thao tác mở máy và ghi âm, ghi hình, tắt máy khi hết giờ làm bài.

Khi hết giờ làm bài, Trưởng điểm thi, thư ký và Công an đến phòng thi để niêm phong toàn bộ camera và máy ghi âm, bảo đảm an ninh an toàn cho thiết bị, chuyển về Hội đồng chấm thi sau khi kết thúc kỳ thi.

Trong quá trình làm bài thi, khi thí sinh muốn bỏ nội dung nào thì cán bộ hỗ trợ dùng bút, thước kẻ gạch một đường ngang từng chữ/dòng/nội dung mà thí sinh muốn bỏ. Nếu thí sinh muốn xem lại nội dung một phần nào đó hoặc nội dung cả bài, cán bộ hỗ trợ cho thí sinh xem lại toàn bộ bài/phần bài đã được chép (khi còn thời gian làm bài). Đối với những câu/từ thí sinh phát âm nhỏ hoặc không rõ, cán bộ hỗ trợ hỏi lại cho chính xác trước khi chép cho thí sinh. Cán bộ hỗ trợ phải dừng viết ngay và không ghi chép gì thêm khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài.

Đội ngũ tình nguyện viên tại điểm thi Trường THPT TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) liên lạc với gia đình thí sinh đến muộn.

Đội ngũ tình nguyện viên tại điểm thi Trường THPT TP Điện Biên Phủ (Điện Biên) liên lạc với gia đình thí sinh đến muộn.

Suất cơm nghĩa tình

Để động viên, hỗ trợ các thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Huyện đoàn Tương Dương (Nghệ An) đã tổ chức nấu hàng trăm suất cơm miễn phí cho các em.

Sau khi môn thi Ngữ văn bắt đầu, các đoàn viên, thanh niên lại nhanh chóng vào bếp. Người nhặt rau, người nấu cơm… chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, gần 200 suất cơm trưa được nấu xong để phát cho các thí sinh.

Để thực hiện hoạt động này, Huyện đoàn Tương Dương đã liên kết với một nhà hàng trên địa bàn, nhờ địa điểm, vật dụng. Đặc biệt, còn nhờ nhà hàng hỗ trợ đi chợ và tham gia nấu để bảo đảm khẩu phần ăn và dinh dưỡng.

Chị Xeo Thị Phon – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đoàn Tương Dương cho hay: Địa phương là huyện miền núi có diện tích rộng nhất tỉnh Nghệ An. Do dân cư thưa thớt, nhiều thí sinh phải đi gần cả ngày trời mới đến điểm thi, đa phần các em đều phải ở trọ. Bên cạnh đó, hoàn cảnh gia đình nhiều em lại khó khăn. Do đó, cứ đến mỗi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Huyện đoàn Tương Dương lại tổ chức nhiều hoạt động để tiếp thêm động lực cho các sĩ tử. Trước mỗi kỳ thi, thanh niên tình nguyện đã kèm cặp, hỗ trợ các em có học lực yếu, trung bình ôn tập kiến thức. Bên cạnh đó, vận động chủ nhà trọ không thu tiền học sinh ở lại ôn và đi thi.

Theo chị Phon, chương trình phát cơm miễn phí triển khai từ năm 2019 đến nay. Toàn bộ kinh phí tổ chức hoạt động này đều được vận động từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.

Tại Cần Thơ, công tác xã hội hóa được các trường học và các địa phương quan tâm, hỗ trợ. Hàng nghìn suất ăn trưa miễn phí cùng chỗ nghỉ trưa cho cán bộ coi thi, thí sinh tham dự Kỳ thi THPT năm 2022 đã sẵn sàng.

Theo bà Nguyễn Kiều Phương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thi quận Bình Thuỷ, quận vận động xã hội hoá 530 suất ăn trưa cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn và thí sinh ở xa điểm thi nghỉ trưa tại 2 điểm thi trên địa bàn quận.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo thi quận còn phối hợp với các điểm thi và Quận đoàn hỗ trợ nước uống, khẩu trang và bố trí đội xe từ 10 - 20 chiếc tại các điểm thi để giải quyết hỗ trợ tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thi quận cũng chỉ đạo các phường phối hợp lực lượng công an tại địa phương hỗ trợ trật tự an ninh, giao thông thông suốt bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh từ nhà đến điểm thi.

Tại Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ), nhà trường xã hội hóa hơn 500 suất ăn trưa miễn phí và lo ăn nghỉ cho gần 100 cán bộ coi và thanh tra thi tại trường. Ngoài ra, nhà trường cũng phối hợp đoàn thể, Huyện đoàn và Công an huyện hỗ trợ nước, bút viết, dụng cụ học tập… và lực lượng hỗ trợ bên ngoài tiếp khi có tình huống xảy ra tại điểm thi.

Thương các học sinh vùng cao còn khó khăn, cô Nguyễn Thị Kim Hảo - giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đã chuẩn bị hơn 100 suất quà tặng cho các thí sinh của trường dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Mỗi gói quà gồm 1 bánh mì và 1 hộp sữa, đủ cho học sinh ăn sáng trước khi bước vào phòng thi tốt nghiệp THPT. Tiền mua hơn 100 gói quà được cô Kim Hảo trích từ tiền lương của mình. Vì phải làm nhiệm vụ coi thi ở điểm thi khác, nên món quà này sẽ được cô Hảo nhờ Đội tiếp sức mùa thi của Đoàn Trường THPT A Túc gửi đến tận tay các em thí sinh dự thi vào sáng 7/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ