Âm hưởng cung đình xưa trong tranh Phan Cẩm Thượng

GD&TĐ - Những bức tranh lấy cảm hứng từ cung đình thế kỷ 17 thời Lê - Trịnh, đem đến cho người xem cảm nhận “rất xưa nhưng không cũ”.

“Nàng ấy 2021” - màu tự nhiên trên giấy dó, kích thước 60 x 120cm.
“Nàng ấy 2021” - màu tự nhiên trên giấy dó, kích thước 60 x 120cm.

Sau thời gian phục chế điêu khắc chùa Bút Tháp, họa sĩ – nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng bắt đầu vẽ tranh mang âm hưởng của phục trang và tập tục cung đình - thông qua hai bộ tượng chân dung các quý tộc Lê - Trịnh. Triển lãm diễn ra từ chiều tối 14/4, tại The Muse Artspace (47 Tràng Tiền - Hà Nội).

Từ nghiên cứu văn hoá cổ

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng đã theo đuổi việc khảo cứu mỹ thuật cổ suốt hơn 30 năm qua. Ông thích vẽ về di tích, di sản mỹ thuật nên phải lặn lội rong ruổi khắp mọi miền đất nước.

Từ những chuyến đi ấy, Phan Cẩm Thượng chụp rất nhiều ảnh, bản dập, xác định các tư liệu văn bia, thần phả, sắc phong cùng các hoạ tiết điêu khắc di tích. Có thể nói, ông là họa sĩ dày công nhất trong việc phân tích và hệ thống hóa tư liệu qua những câu chuyện đầy khúc chiết.

Qua việc nghiên cứu di tích, Phan Cẩm Thượng phát hiện nhiều bí mật về văn hóa Việt cổ. Như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) có những pho tượng chân dung sơn thếp rất độc đáo, mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc dân gian thế kỷ 17. Hay như ở chùa Dâu, ông cũng tìm thấy những bản khắc gỗ đề cập đến mối quan hệ xã hội, lễ nghĩa thời Lê sơ.

Giám tuyển Vân Vi nói rằng, nói về Phan Cẩm Thượng thật không dễ dàng, bởi ông như một đại thụ của nền mỹ thuật đương đại. Vì thế, phải tạm gác sang một bên vai trò nhà nghiên cứu văn hóa, hay phê bình nghệ thuật… để nghĩ về Phan Cẩm Thượng trong phạm vi họa sĩ của triển lãm.

Phan Cẩm Thượng sinh năm 1957, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1984. Trong dòng lịch sử hội họa, có thể xếp ông vào thế hệ các họa sĩ thời kỳ Đổi Mới. Phan Cẩm Thượng đã viết nghiên cứu nghệ thuật cho nhiều họa sĩ, nhưng ông lại không đặt mình vào dòng chảy hội họa Việt.

“Tranh của ông có tạo hình riêng biệt, không trùng với bất kỳ họa sĩ nào. Xem tranh ông vẽ tôi mới chứng nghiệm được rằng, tạo hình riêng theo từng nét bút hình thành một họa sĩ, chứ không chỉ học mà thành.

Vẽ là một kỹ năng có thể luyện, nhưng ở họa sĩ nó phải được luyện đến mức thành bản năng. Vẽ như hòa hợp với tâm hồn, với cảm xúc của mình. Trong từng nét bút, người khác có chép y hệt, nó cũng không phải là cái hồn ấy”, giám tuyển Vân Vi nhận định.

Những bức tranh trong triển lãm của Phan Cẩm Thượng mang cảm hứng từ những nhân vật thế kỷ thứ 17, cùng các tập tục trang phục và mật mã văn hóa ẩn chứa bên trong. Bố cục tranh hầu hết là vô hướng và ngẫu hứng. Đôi khi là những tà áo bay ngược xuôi, những chân tay mọc ra từ trong tà áo ở những chỗ bất thường, trông có vẻ lạ nhưng đều là những tính toán cân bằng thị giác.

Đến những bức tranh cung đình

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có trên 30 năm khảo cứu về văn hoá và di tích cổ.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng có trên 30 năm khảo cứu về văn hoá và di tích cổ.

“Mỗi một họa sĩ có một cội nguồn văn hóa để quyết định cách nhìn trong nghệ thuật của họ, như một phẩm chất tự nhiên. Với Phan Cẩm Thượng thì đó là văn hóa cổ. Tranh của ông đa số là khổ giấy dó 60 x 120cm đã để 20 năm, khiến những nét bút mềm và màu quyện vào giấy” - Giám tuyển Vân Vi.

Giám tuyển nghệ thuật Vân Vi nhận định, họa sĩ Phan Cẩm Thượng dùng hệ màu tự nhiên trên giấy dó. Các hòa sắc ưa thích là màu củ nâu, hồng gạch, vàng già, vàng nghệ, màu đen của mực tàu, đâu đó là xanh thái thanh lam, xanh ngọc phỉ thúy…

Trong một bản hòa sắc mang tính thẩm mỹ dân tộc, hiện lên trong mắt người xem điều gì đó thân quen nhưng lại đã từ lâu không thấy, nên có vẻ ấm áp và dịu dàng. Điểm cuối cùng không thể không đề cập, tuy là nội dung có tính chất văn hóa cổ, sử dụng hệ màu tự nhiên, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới chứ không hề cũ.

Trong tác phẩm “Nàng ấy (2021)”, họa sĩ Phan Cẩm Thượng chia sẻ rằng: “Ở Bút Tháp thường có những nhà sư trẻ tuổi tham gia phục dịch cho hoàng tộc Lê Trịnh khi tới chùa hành lễ. Họ cũng có khao khát dục vọng như người thường. Bức họa vẽ cô cung phi tự cởi bỏ xiêm y, xung quanh là những nhà sư”.

Cái khó trong việc vẽ giấy dó là sử dụng các khoảng trắng, trắng mà không trống. Tạo hình của Phan Cẩm Thượng cho phép người phụ nữ khỏa thân ở giữa bức tranh, đem lại cảm giác đầy đủ các khối trên da thịt - hoàn toàn bằng việc đi nét mà không cần nhấn đậm nhạt.

Cô gái có một dải lụa màu xanh trên ngực, là một tập tục buộc ngực của phụ nữ quyền quý thời xưa. Trên cơ thể cô mang những hình vẽ hoa văn trang trí rồng phượng. Đây là chi tiết hư cấu của họa sĩ, chứ không phải tục xăm mình như thường thấy.

Bức tranh “Con rồng (2021)” đem đến cho người xem thấy sự mơ mộng và ẩn giấu, cũng là một trong các đặc trưng của tranh Phan Cẩm Thượng. Những tà áo phượng bay lên che bớt một phần thân thể cô gái, khiến bức tranh có cảm giác như đang lơ lửng trong không trung, không hiện thực.

Bức tranh không xuất hiện hình ảnh ông vua, mà chỉ có tấm áo hoàng bào và cô cung nữ. Vua có nhiều cung nữ, cung phi nên không phải ai cũng may mắn được vua thị tẩm. Nỗi cô đơn, sự buồn bã nơi cung cấm và niềm khao khát thông thường của người phụ nữ hiện lên qua từng nét bút đầy tinh tế.

“Hòa sắc của bức tranh này cân bằng trong sự kết hợp giữa hai màu chính, là màu gạch và màu tím nhạt - một cách tự nhiên là bản phối của sự chân phương và sang trọng”, giám tuyển Vân Vi cho hay.

Tác phẩm “Quận chúa áo xanh (2021)” được lấy cảm hứng từ hai nhân vật: Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên và Trịnh Thị Ngọc Cơ thuộc hoàng tộc Lê - Trịnh được thờ tại chùa Bút Tháp. Bức họa vẽ về cảnh quận chúa Ngọc Cơ áo xanh thêu phượng, phía sau là quận chúa Ngọc Duyên đội mũ, thân trần. Bức tranh toát ra ý niệm thân phận của quý tộc thế kỷ 17 - gửi thân tâm vào cửa Phật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.