Ám ảnh chuyện những đứa trẻ “học giỏi nhưng chưa chắc ngoan”

GD&TĐ - Có con học giỏi là niềm hãnh diện, tự hào rất lớn các bậc làm cha làm mẹ. Nhiều phụ huynh có xu hướng yên tâm khi con có thành tích học tập tốt và coi đó như một đảm bảo tiêu chuẩn của một đứa con ngoan. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp “Trẻ học giỏi, chưa chắc đã ngoan”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong bài viết dưới đây, TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ quan điểm, những câu chuyện thực tế, minh chứng về quan điểm sai lầm của phụ huynh khi mặc định "trẻ học giỏi chắc chắn sẽ ngoan".

Sự thật phía sau những đứa trẻ "siêu giỏi"

Câu chuyện 1: Một cô bé lớp 11 sau giờ học, đi chơi với người yêu đến 11h đêm tất cả các ngày trong tuần. Khi về toàn thân bầm tím. Cô bé học trong một ngôi trường chuyên nổi tiếng của Hà Nội. 

Người mẹ ngồi trước chuyên gia tư vấn khóc không ngừng: "Chị không thể bình tâm được khi nhìn thấy người nó bầm tím hết cả sau một ngày đi chơi đến hơn 11h đêm mới về. Hỏi nó, thì nó bảo bị ngã xe. Ngày nào nó cũng về rất muộn. Tan học là đi chơi luôn. Mới có 17 tuổi đã thế này, sau này sẽ ra sao?".

“Nó học rất giỏi từ lớp 1, là niềm sự kì vọng của các thầy cô giáo với hàng loạt giải thưởng cấp thành phố, quốc gia. Nó luôn là niềm tự hào của chị", người mẹ nói thêm: "Chị không tiếc nó cái gì đâu. Bất kể điều gì nó cần chị cũng đáp ứng. Thế nhưng, nó thông minh nên lý do nghĩ ra nhanh lắm. Chị mắng nó đi học về muộn là lập tức nó bảo tại thầy cô yêu cầu học đội tuyển, tại phải ở lại tập văn nghệ, tại các bạn bắt trực nhật lớp....

Đến khi chị cầm máy định gọi cho cô chủ nhiệm thì nó gào lên: Con yêu rồi đấy. Con đi chơi với bạn trai con đấy. Thì sao? Mẹ cũng đi chơi với bác N mãi còn gì? Mẹ hơn gì con?".

"Câu chuyện của chị khiến tôi câm lặng. Một người mẹ đơn thân có quyền đi tìm kiếm một tình yêu dù muộn màng. Tuy nhiên, việc mẹ đi chơi về quá muộn, bỏ con lại cho người giúp việc khi con còn nhỏ đã khiến đứa trẻ chẳng được sống trong bầu không khí gia đình đúng nghĩa.

Con cũng không học được nề nếp gia đình. Thấy con học giỏi, người mẹ chiều chuộng, cho con chẳng thiếu thứ gì cũng khiến cháu càng thêm coi thường mọi thứ" - TS. Vu Thu Hương bùi ngùi.

Câu chuyện 2: Một cặp vợ chồng đại gia bước vào phòng hẹn với chuyên gia giáo dục để chia sẻ về cậu con trai cả, niềm tự hào một thời của gia đình. Cậu bé học lớp 10.

"Thằng bé thông minh lắm. Học lớp nào, cháu đứng đầu lớp đó. Nó học trường chuyên suốt từ cấp 2 lên cấp 3, lớp nào cũng có giải thưởng. Nó không bao giờ chểnh mảng học hành, cháu luôn học tốt, nói năng lễ phép, dễ thương".

Sau một tràng về niềm tự hào của gia đình, giọng người cha chùng xuống: Vậy nhưng, chúng tôi mới phát hiện cháu nghiện cần sa cô ạ.

"Cháu nó còn nghiện game, biết uống bia rượu và cháu mới yêu một bạn lớp dưới. Sợ nhất là cháu nó có quan hệ sớm thì không khéo đi tù, chị ạ!" – Mẹ cậu bé lúc đó mới tiếp lời chồng.

Với một vẻ bề ngoài hoàn hảo, cậu bé ấy đã lấy được niềm tin của bố mẹ. Từ đó, mọi điều cậu muốn đều được đáp ứng. Mới lớp 10, cậu đã có xe máy đắt tiền để chạy. 16 tuổi, trong túi cậu đã luôn thường trực hàng triệu đồng.

Thấy con bắt đầu đi sớm về muộn, mùi bia, rượu nồng nặc, cha mẹ cậu bé mắng con. Để tránh bị đánh mắng, cậu bé nghĩ ra hàng trăm các lý do khác nhau thậm chí, cậu bịa ra cả chuyện mình đang thích 1 bạn trai trong lớp để kéo cha mẹ sang cảm xúc đau đớn, bất mãn khi thấy con mình có xu hướng tình dục khác người.

Đến lúc này, cha mẹ cậu mới tá hỏa và thuê thám tử điều tra. Kết quả là cậu bé hoàn toàn "chuẩn men", việc bịa đặt chuyện có xu hướng tình dục đặc biệt đó chỉ là cậu nghĩ ra để đe dọa bố mẹ, khiến bố mẹ bỏ qua những vấn đề mà cậu đang mắc phải.

Tiêu tiền như nước, nghiện cần sa, bia rượu, cậu bé này trở thành nỗi ám ảnh trong mắt cha mẹ. Tất cả dường như đều là những điều không thể có ở một học sinh nổi tiếng học giỏi tại 1 trường chuyên lớn.

Lời kết của chuyên gia

Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp mà TS. Vũ Thu Hương đã nhận tư vấn cho phụ huynh. Các em đều có học lực rất tốt, thông minh, khôn khéo đủ để "lách luật", lấy lòng bố mẹ.

Các cô bé, cậu bé này rất biết cách để vượt qua những trận giông bão của cha mẹ khi bị phát hiện phạm lỗi.

Các giải thưởng học hành cũng luôn là thứ "bình phong" được các bạn ấy đưa ra để gỡ gạc. Có lẽ, quan niệm “học giỏi là ngoan” của cha mẹ đã là một trong những nguyên nhân quan trọng đẩy con họ đến hiện trạng này.

Các cha mẹ nên nhớ, học giỏi và ngoan ngoãn là hai thuộc tính hoàn toàn khác biệt và không thể nhìn vào một tiêu chí để đánh giá tiêu chí còn lại.

"Tôi đồng ý với cha mẹ là trẻ không cần ngoan kiểu bảo sao nghe vậy mà rất cần có chính kiến. Tuy nhiên, một đứa trẻ trưởng thành, có kiến thức, kĩ năng và sống đạo đức là điều mà cha mẹ nào cũng mong muốn". - TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ