Ám ảnh chi tiết lá thư tuyệt mệnh ở các vụ tự vẫn

Vì nhiều lý do, không ít người khi tìm đến cái chết, họ viết thư tuyệt mệnh để đổ lỗi cho xã hội, cho hoàn cảnh, số phận... và nghĩ rằng chết là hết, là sự giải thoát cuối cùng.

Ám ảnh chi tiết lá thư tuyệt mệnh ở các vụ tự vẫn

Nhiều chuyên gia lo lắng cho rằng, hiện nay, ranh giới giữa sự sống và cái chết đang gần hơn bao giờ hết. Nhiều người dại dột tự tử vì không biết đối mặt với những khó khăn, áp lực như thế nào.

Cái chết không phải là lối thoát

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tự tử khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân khiến không ít người tìm đến cái chết đơn giản đến mức vô lý. Trước khi làm điều dại dột, họ để lại thư tuyệt mệnh đổ lỗi cho áp lực từ công việc, học hành hay đau đớn vì thất tình, gia đình quá nghèo khó... 

Tuy nhiên, những người này đâu biết rằng, đằng sau lá thư tuyệt mệnh là nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi đối với người ở lại.

Ám ảnh chi tiết lá thư tuyệt mệnh ở các vụ tự vẫn - Ảnh 1

Lá thư tuyệt mệnh hé lộ nguyên nhân của sự "ra đi".

Trường hợp nữ sinh N.T.A.T. (SN 2000, ngụ Đồng Nai) tự tử vào ngày 17/6/2015, để lại lời trăng trối cuối cùng cho ba mẹ khiến gia đình cũng như dư luận vẫn ám ảnh. Trong thư tuyệt mệnh, T. nói rằng: "Con xin lỗi ba mẹ. Vì Lộc mà con phải chết. Ba mẹ đừng buồn, đừng lo cho con. Con sẽ mãi ở bên gia đình. Khi con chết, con muốn được chôn ở sau nhà". Lộc chính là bạn trai của T. và cô gái này tự tử vì bị tung clip sex lên mạng.

Sau đó không lâu, nhiều người choáng váng trước cái chết của bốn cha con ông Nguyễn Hoài T. tại căn nhà thuê ở KP3, thị trấn Tân Biên (Tây Ninh) vào tối 13/9/2015. Người cha tự châm lửa đốt nhà để tự tử cùng ba con. Trước khi hành động, ông đã viết thư tuyệt mệnh gửi cho vợ: "Anh không nuôi nổi con nữa nên sẽ đưa chúng đến nơi tốt hơn. Em cứ đi tìm một cuộc sống sung sướng hơn...".

Ngày 8/11, vào khoảng 14h, nhiều người phát hiện một thanh niên cũng nhảy từ nhà D3 trường đại học Bách Khoa, Hà Nội xuống đất tử vong, để lại một thư tuyệt mệnh với nội dung: "Con xin lỗi bố mẹ, con phải đi...". Nam thanh niên này được xác định là Lê Thanh T. (sinh năm 1990, quê ở Hạ Long, Quảng Ninh). Theo lời kể của một người bạn, cách thời điểm tự tử vài ngày, T. từng xuất hiện với tâm trạng rất buồn bã, tay cầm cuốn sách vừa đi vừa “tính nhẩm” ở khu vực hành lang tầng 3 của giảng đường. Nhiều người bạn thân của T. còn cho biết, nam sinh nhảy lầu tự tử do mặc cảm mình chưa kiếm ra tiền để phụ giúp gia đình.

Nói chuyện với chúng tôi, V.A. (SN 1994, Phú Thọ), một cô gái cũng từng nghĩ đến chuyện tự tử ân hận kể lại: "Cách đây vài tháng, tôi bị vu oan lấy tiền của cha dượng. Khi lòng tự trọng bị tổn thương, không thể làm gì để chứng minh bản thân mình trong sạch, tôi đã nghĩ đến cái chết. 

Tôi đã để lại vài dòng nhắn nhủ với mẹ rằng: "Có những chuyện mẹ không hiểu được đâu. Tại sao mẹ không tin con". Viết thư xong, tôi bỏ nhà ra đi và trong đầu nghĩ rằng sẽ tìm đến cái chết để những người khác phải hối hận. Tuy nhiên, tôi bỗng nghĩ đến mẹ. Tôi biết rằng bà sẽ đau đớn, dằn vặt lắm. Thế là tôi không có can đảm để tìm đến cái chết. Tôi quay trở về thấy mẹ đang phải truyền nước, trên tay bà vẫn cầm chặt thư tuyệt mệnh mà tôi để lại. Tôi ôm mẹ và khóc, ân hận vì suy nghĩ nông cạn của mình”.

Suy nghĩ lệch lạc

Trước hiện tượng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tình trạng đáng báo động. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) cho rằng: "Hiện nay, có tình trạng khi người ta bị đẩy đến bước đường cùng, bế tắc về tâm lý đã tìm đến cái chết. Họ nghĩ rằng chết là hết, là giải thoát được tất cả, sẽ không phải chịu bất kỳ áp lực nào nữa. 

Đối với những người này, trước khi chết họ để lại thư tuyệt mệnh để giãi bày về tình cảnh của mình. Họ muốn mọi người xung quanh thấu hiểu được sự bế tắc mà mình đang phải gánh chịu".

Ám ảnh chi tiết lá thư tuyệt mệnh ở các vụ tự vẫn - Ảnh 2

Những lá thư tuyệt mệnh khiến nhiều người đau đớn (ảnh minh họa).

TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh cũng nhận định, những người tìm đến việc tự tử dường như đã bị mất kiểm soát về lý trí trong một thời gian khá dài. Họ cũng lên kế hoạch và đấu tranh tư tưởng khi nghĩ đến tự vẫn. Có lẽ lúc này, họ chuyển sang tình trạng mất lý trí, không thể kiểm soát được hành vi. 

Có thể một số người coi cái chết là dễ dàng, nhưng họ không biết được rằng, mình đã để lại sự đau đớn, day dứt cho người đang sống. Chúng ta có thể nhận thấy, hiện nay trong bất cứ việc gì, người ta cũng dễ dàng bắt chước nhau, kể cả hành động xấu. Khi thấy một người chết để lại thư tuyệt mệnh, những người khác cũng nghĩ rằng, mình nên làm như thế để gia đình hối hận hay hiểu được nỗi khổ của mình. Tôi khẳng định đây là một suy nghĩ lệch lạc”, chuyên gia Minh nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, bất cứ ai nghĩ đến chuyện tự tử để giải quyết bế tắc, áp lực... đều là những người dại dột. Bởi trong cuộc sống, không ai muốn chết, không ai muốn từ bỏ cuộc sống. Khi bế tắc, chúng ta hãy nghĩ tới việc đi theo một con đường khác, hoặc nghĩ đến gia đình, bởi một cánh cửa đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra.

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, một chuyên gia của tổng đài tư vấn tâm lý 19006674 cho biết chị cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi điện tâm sự, chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí, có người tâm sự rằng muốn tìm đến cái chết để giải thoát. 

"Những cuộc gọi như vậy luôn kéo dài hàng giờ. Họ khóc và nói không còn lối thoát. Có những trường hợp còn tâm sự rằng không muốn làm gánh nặng cho gia đình. Họ đã viết sẵn một lá thư mong gia đình, bạn bè tha lỗi. Nhận được những cuộc điện thoại như vậy, tôi thường để họ giãi bày rồi khuyên hãy bình tâm lại. 

Chúng tôi đưa ra những lý do mà họ phải sống và cố gắng vượt qua những chướng ngại vật trước mắt. Trước hết hãy vì bản thân mình, sau đó nghĩ cho người thân. Hiện nay, nhiều người đang phải chịu áp lực của môi trường chứa đựng nhiều rủi ro, chính vì thế, hãy tạo cho mình bản lĩnh vững vàng, dám đương đầu trước sóng gió, nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống”, chuyên gia này chia sẻ.

Báo động về lỗ hổng kỹ năng sống

Theo TS. Nguyễn Thị Minh, việc xuất hiện liên tiếp những lá thư tuyệt mệnh đã rung lên hồi chuông cảnh báo về lối sống, sự nghèo nàn kỹ năng xử lý tình huống của một bộ phận người dân hiện nay. Chính vì thế, mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức có thể vững vàng bước vào cuộc sống, biết vượt qua khi vấp ngã về tinh thần. Điều này sẽ giúp chúng ta không còn phải chứng kiến những trường hợp đau lòng nữa. Hãy lắng nghe, hiểu, đưa tay cho những người lầm lạc nắm và cùng họ vượt qua những khó khăn.

Theo doisongphapluat

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ