Tiết lộ gây chấn động chỉ đổi lấy sự thờ ơ của lãnh đạo
Tháng trước, thông qua một bài đăng trên Facebook, ông Abdelhafid Milat - điều phối viên quốc gia của Hội đồng Giáo viên Giáo dục Đại học Quốc gia (CNES), đã khẳng định rằng, một tổ chức tư nhân ở Algeria đang cung cấp dịch vụ viết luận văn cho SV nước này ở mọi cấp độ, bao gồm cả thạc sĩ và tiến sĩ. Theo tuyên bố từ ông Milat, việc mà các SV phải làm chỉ đơn giản là xác định đề tài và đặt cọc trước một khoản tiền nhất định (khoảng 1/2 tổng chi phí) để có được luận văn hoàn chỉnh.
Ngoài ra, vị điều phối viên này cũng tiết lộ, mức thù lao mà tổ chức này yêu cầu cho mỗi một luận văn sẽ dao động từ 50.000 DZD (420 USD) - 200.000 DZD (1.670 USD) tùy thuộc vào chất lượng bài viết, trình độ GD và thời gian thực hiện.
Lý giải về nguyên nhân phát hiện sự thật gây chấn động này, ông Milat cho biết, CNES đã cử một người đóng giả làm SV. Sau đó, người này đã gọi tới tổ chức cung cấp dịch vụ viết luận án và “đặt hàng” một bài luận ở cấp độ thạc sĩ chuyên ngành truyền thông. “Tổ chức tư nhân đã yêu cầu anh ta đến trụ sở và đặt cọc tiền; đồng thời cho biết, khách hàng chỉ cần cung cấp đề tài của luận án. Ngoài ra, tổ chức này cũng khẳng định, bài viết sẽ được hoàn thành trước thời hạn được yêu cầu”.
Tuy nhiên, trước tiết lộ này, Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu Khoa học Algeria không hề có động thái nào nhằm xác minh, làm rõ vụ việc. Trả lời những câu hỏi xung quanh vấn đề “nóng” đang thu hút sự quan tâm từ dư luận, đại diện bộ này khẳng định: “Chắc chắn không có tình trạng như vậy xảy ra ở một đất nước như Algeria”. Theo ông Charif Benboulaid từ Tổng thanh tra Sư phạm tại Bộ GD Đại học và Nghiên cứu Khoa học, vấn đề này đang bị truyền thông “thổi phồng quá mức vì mục đích gây chú ý”.
Phát biểu trước truyền thông, ông Benboulaid khẳng định, tổ chức được nói tới ở đây chỉ đơn thuần là một cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý văn bản và in ấn. “Với vốn hiểu biết của tôi, tôi cho rằng, tổ chức này đã có những dịch vụ nhằm hỗ trợ các SV cảm thấy khó khăn trong việc sử dụng máy tính và số hóa nghiên cứu bằng văn bản cho SV”, ông Benboulaid nói thêm.
Không có biện pháp răn đe
Về phía học giả tại các trường ở Algeria, nhiều người khẳng định vô cùng quan tâm tới vấn đề này; đồng thời nhận định, có vẻ như vụ việc không hề được giải quyết thỏa đáng.
Chia sẻ với truyền thông, Giáo sư Toán học Sadallah Boubaker-Khaled từ Trường ĐH Ecole Normale Superieure, cho biết tình trạng gian lận điểm số ở các trường ĐH tại Algeria đang xảy ra ngày càng nhiều “vì các nhà quản lý GD không có những biện pháp răn đe kịp thời”. “Chúng tôi chưa thấy bất cứ trường hợp nào như vậy bị kỷ luật, vì sau khi vấn đề bị các phương tiện truyền thông phanh phui, chỉ sau một thời gian ngắn, vụ việc nhanh chóng bị lãng quên hoặc tạm gác lại”, ông Boubaker-Khaled bức xúc nói.
Hana Saada, một SV đang theo học tiến sĩ tại Trường ĐH Benyoucef Benkhedda và là cựu nghiên cứu tại Viện dịch thuật Ả Rập, nhận định, tình trạng đặt hàng luận văn ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là sau khi phần mềm phát hiện đạo văn ra đời. “Những SV lười biếng sẽ không thể sao chép tác phẩm của người khác nữa. Vì vậy, giải pháp hoàn hảo là sử dụng phương thức bất hợp pháp này”, cô Saada nhấn mạnh.
Cũng theo nữ SV này, việc mua lại luận văn từ người khác là một hành động phi đạo đức: “Một khi tên của bạn được viết lên luận án, điều này chứng tỏ rằng, mọi nội dung trong tác phẩm đó phải là của bạn, cho dù bạn có trả tiền hay không. Vì thế tôi cho rằng, đây được coi là một sự gian lận trong học tập và là hành vi không có đạo đức”.
Hana Saada khẳng định, những nhà nghiên cứu làm việc trong tổ chức cung cấp dịch vụ viết luận văn hộ nên bị kỷ luật nghiêm khắc; đồng thời cho rằng, chính phủ nên thu hồi lại tất cả luận văn do những người này viết. “Về phía Bộ Giáo dục Đại học, các cơ sở GDĐH và học viện cần phải ban hành các quy tắc và đưa ra hình phạt nghiêm khắc, trong đó có cả việc hủy bỏ điểm số, nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm này từ trong trứng nước”, cô Saada nói thêm.
Bên cạnh đó, nữ SV này cũng cho rằng, sau khi luận án được nộp, các giảng viên nên đưa ra những câu hỏi vấn đáp dành cho SV và nếu nhận ra rằng, người học không quen thuộc với nội dung trong công trình của mình, SV đó nên bị kỷ luật.
Phát biểu trước truyền thông, chuyên gia GDĐH đến từ Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Cairo (Ai Cập), ông Magdi Tawfik Abdelhamid cho biết, vấn nạn đáng báo động này không phải chỉ có ở Algeria. Theo ông Abdelhamid, các nhà GD trên toàn thế giới cần thành lập một chiến dịch phản đối ngành dịch vụ viết hộ luận văn đang phát triển ngày một nhanh chóng. Ngoài ra, chuyên gia GDĐH này cũng cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề vẫn là ở nhận thức của mỗi cá nhân.
“HS, SV trên toàn thế giới nên được dạy về tính liêm chính học tập. Bên cạnh đó, các học giả cũng cần nâng cao nhận thức để có thể phát hiện đâu là luận văn được mua lại. Ngoài ra, một điều vô cùng quan trọng nữa là, nhà trường cần có những hành động kỷ luật nghiêm khắc đối với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tham gia vào hành động vô đạo đức khi mua/bán luận văn”, ông Abdelhamid nhấn mạnh.
Ngoài ra, Giáo sư Toán học Boubaker-Khaled cho biết: “Theo quan điểm của tôi, giải pháp cần được đưa ra ở đây là, các quốc gia cần bắt tay nhau hợp tác để có thể có những biện pháp ở phạm vi toàn cầu đối với bất cứ ai gian lận theo cách này”.