Alexander de Rhodes, Yersin vào đề Văn trường Phổ thông Năng khiếu

Alexander de Rhodes, Yersin vào đề Văn trường Phổ thông Năng khiếu
Gần trưa 12/7, hơn 2.600 thí sinh đăng ký dự thi vào trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) kết thúc bài thi Văn, môn thi không chuyên cuối cùng của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2020.

Thí sinh rôm rả tranh luận câu một - đọc hiểu văn bản với trích đoạn trong tuỳ bút Sơn Đoòng của nhà giáo Chu Văn Sơn, nói về Howard Limbert, chuyên gia đến từ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh. Đây là người dành tình yêu lớn cho Sơn Đoòng.

Cũng trong tuỳ bút này, tác giả Chu Văn Sơn nhắc đến Alexandre de Rhodes, nhà truyền giáo Bồ Đào Nha có công hình thành chữ quốc ngữ; Victor Tardieu, họa sĩ Pháp đã sáng lập nên trường Mỹ thuật Đông Dương; Yersin, nhà y học, nhà thám hiểm gốc Thụy Sĩ - người đã tìm ra vaccine phòng dịch hạch, lập nên viện Pasteur Nha Trang.

Từ cảm hứng đó, câu 2 yêu cầu thí sinh viết bài bình luận về những nhà tri thức không biên giới, những người đem lại ánh sáng tri thức, giúp con người thoát khỏi tăm tối, ngu dốt và bệnh tật.

Alexander de Rhodes, Yersin vào đề Văn trường Phổ thông Năng khiếu ảnh 1

Thí sinh Dương Bá Khang đánh giá câu 2 hay, mang tính thời sự khi yêu cầu thí sinh liên hệ với bối cảnh Việt Nam hiện nay. Từ những nhân vật như Alexandre de Rhodes, Yersin, thí sinh liên hệ nhiều tri thức khai phá những "mảnh đất mới" ngày nay trong tất cả các lĩnh vực, mang đến những lợi ích to lớn cho cộng đồng. "Đây là đề Văn mới mẻ. Em nghĩ mình có thể đạt 7 điểm", Khang nói.

Quốc Khải (trường THCS Nguyễn Văn Tố) lại dành nhiều thời gian cắt nghĩa "nhà tri thức không biên giới" là gì, từ đó nói những suy nghĩ về phẩm chất của những nhà tri thức đó là khai sáng những điều mới mẻ, gạt bỏ những định kiến.

Theo Khải, đoạn văn được sử dụng cho câu đọc hiểu hay, nhưng khá khó với thí sinh. Khi trao đổi với các bạn cùng trường sau giờ thi, mỗi người ra một đáp án khác nhau. "Riêng câu nghị luận văn học trích đoạn trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa khá quen thuộc", Khải cho biết.

Với câu 3 nghị luận văn học, nhiều thí sinh khác cũng chọn đề một với tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa, thay vì chọn đề hai về nhận định thế nào là một tác phẩm hay. "Lặng lẽ Sa Pa là tác phẩm quen thuộc, lựa chọn đoạn văn này viết cảm nhận sẽ an toàn hơn là viết về một nhận định", một thí sinh cho biết.

Trường Phổ thông Năng khiếu tuyển 600 chỉ tiêu, gồm cả lớp chuyên và không chuyên. Cơ sở một (quận 5) có 245 chỉ tiêu ở 7 lớp chuyên Toán, Tin, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh và Văn. Mỗi lớp không quá 35 học sinh. Cơ sở này cũng có 145 chỉ tiêu không chuyên.

Tại cơ sở 2 (quận Thủ Đức), trường tuyển 210 học sinh cho 6 lớp chuyên: Toán, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh và Văn; mỗi lớp không quá 35 em.

Để xét tuyển vào lớp 10, thí sinh phải thi 4 môn, trong đó có 3 môn không chuyên (Toán, Ngữ văn và tiếng Anh) cùng một môn chuyên tương ứng với lớp chuyên đăng ký. Học sinh có thể đăng ký thi nhiều lớp chuyên, nếu trúng tuyển sẽ chọn một lớp theo nguyện vọng.

Chiều nay, hơn 1.300 thí sinh thi tiếng Anh chuyên. Đây là lớp chuyên có tỷ lệ chọi cao nhất trường Phổ thông Năng khiếu năm nay - 1 chọi 19.

Ngày Buổi Môn thi Thời gian làm bài Giờ phát đề Giờ bắt đầu làm bài
Chủ nhật 12/7 Chiều Tiếng Anh (chuyên) 120 phút 13h55 14h
Thứ hai 13/7 Sáng Toán (chuyên) 150 phút 7h25 7h30
Chiều Hoá học 120 phút 13h55 14
Thứ ba 14/7 Sáng Ngữ văn (chuyên) 150 phút 7h25 7h30
Chiều Vật lý 150 phút 13h55 14h
Thứ tư 15/7 Chiều Tin học 150 phút 13h55 14h
Chiều Sinh học 150 phút 13h55 14h

Theo vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ