Ai là người phát minh aspirin?

GD&TĐ - Các loại thực vật chứa salicin có một lịch sử dài trong y học.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Aspirin ra mắt vào đầu thế kỷ 20 như một loại thuốc mang tính cách mạng, giúp giảm đau, hạ sốt, đánh dấu một thành tựu quan trọng trong lĩnh vực hóa học hiện đại. Tuy nhiên, câu hỏi về ai được ghi công cho phát minh này đã trở thành vấn đề chính trị, sau khi Đức Quốc xã nắm quyền, dẫn đến việc những đóng góp của một nhà hóa học người Do Thái bị xóa bỏ.

Khởi đầu từ thực vật

Đầu tiên, acetylsalicylic acid - hay còn gọi là aspirin được làm ra từ salicin, một hợp chất tự nhiên có trong các loại cây như liễu, hoa cỏ ngọt và cây myrtle. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19, các nhà khoa học đã bắt đầu sản xuất nó bằng cách chuyển đổi benzen thành phenol, và phenol thành salicylic acid.

Các loại thực vật chứa salicin có một lịch sử dài trong y học. Những bảng chữ hình nêm của người Sumer cách đây 4.000 năm đã liên kết cây liễu với việc giảm đau, cũng như được ghi nhận trong “Giấy cói Ebers” về kiến thức thảo dược của người Ai Cập khoảng năm 1500 trước Công nguyên.

Nhiều nguồn tài liệu cổ đại Trung Quốc và Hy Lạp cũng khuyến nghị các phương pháp điều trị bằng liễu cho một số tình trạng y tế nhất định, trong đó có tài liệu được cho là của Hippocrates, thầy thuốc Hy Lạp nổi tiếng thế kỷ V.

ai-la-nguoi-phat-minh-aspirin-1-2.jpg
Nhà khoa học Arthur Eichengrün được cho là đã phát minh aspirin.

Một số học giả hiện đại đã đặt câu hỏi về hiệu quả của những phương pháp điều trị cổ đại này, vì việc tiêu thụ đủ liễu để có liều lượng salicin hữu ích có thể gây đau dạ dày nghiêm trọng. Thực tế, khi một mục sư người Anh vào thế kỷ 18 bắt đầu thí nghiệm với liễu như một loại thuốc giảm đau, ông đã làm theo lý thuyết đã bị bác bỏ, gọi là “học thuyết chữ ký”.

Học thuyết này đề xuất, thiên nhiên chứa đựng những gợi ý về cách chữa trị các bệnh tật. Theo đó, phương pháp chữa trị một số bệnh có thể được tìm thấy ở cùng một địa điểm địa lý gây ra chúng. Mục sư Edward Stone cho rằng sốt đến từ các khu đầm lầy nên quyết định điều tra các nơi này để tìm một phương pháp chữa trị.

Ông đã nghiền nát vỏ cây liễu tìm thấy gần các khu đầm lầy thành bột và cho người bị sốt dùng. Năm 1763, ông trình bày một báo cáo lên Hội Hoàng gia ở Anh về nghiên cứu của mình và khẳng định bột này có tác dụng.

Cột mốc quan trọng tiếp theo trong lịch sử aspirin diễn ra vào năm 1853, khi nhà hóa học người Pháp, Charles Frédéric Gerhardt, lần đầu tiên sử dụng salicin từ vỏ cây liễu để sản xuất acetylsalicylic acid hay aspirin.

“Gerhardt là người đầu tiên thực sự sản xuất acetylsalicylic acid, nhưng quy trình của ông không tốt” - Joe Schwarcz, Giáo sư hóa học và Giám đốc Văn phòng Khoa học và Xã hội của Đại học McGill, Canada nói - “Do không thể tái sản xuất được, nên nó không phổ biến rộng rãi trên thị trường thuốc chữa bệnh”.

Nhà khoa học bị lãng quên

ai-la-nguoi-phat-minh-aspirin-1-1.jpg
Aspirin xưa và nay.

Phải đến thập niên 1890, các nhà khoa học tại Công ty Bayer ở Đức mới sản xuất được một dạng acetylsalicylic acid có thể bán ra thị trường. Bayer đã đăng ký bản quyền cho loại thuốc này dưới tên thương hiệu “Aspirin”. Câu hỏi về nhà hóa học nào của Bayer chịu trách nhiệm cho sự ra đời aspirin có liên quan một phần trong đường lối chống Do Thái của Đức Quốc xã.

Bản ghi chép đầu tiên về sự phát triển aspirin của Bayer là một chú thích trong cuốn sách lịch sử về kỹ thuật Hóa học năm 1934. Chú thích này ghi nhận nhà hóa học của Bayer, Felix Hoffmann đã phát triển aspirin và cho rằng ông bị ảnh hưởng bởi cuộc đấu tranh với cơn đau mạn tính của cha mình trong việc tạo ra một loại thuốc giảm đau nhẹ nhàng hơn cho dạ dày, so với các phương pháp hiện có.

Quá trình tổng hợp của Hoffmann dựa trên một quy trình mà nhà hóa học Đức, Hermann Kolbe đã phát triển để chuyển đổi benzen thành phenol, và phenol thành salicylic acid. Vào năm 1897, Hoffmann đã sử dụng salicylic acid này để tạo ra acetylsalicylic acid, hay aspirin. Tuy nhiên, theo Schwarcz đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

“Trên thực tế, chính Arthur Eichengrün - sếp của Hoffmann - là người đã bảo Hoffmann thử chuyển đổi salicylic acid thành một chất dễ chịu hơn về mặt tiêu hóa”, ông nói. Eichengrün là người Do Thái, và điều này có thể giải thích tại sao chú thích năm 1934, được xuất bản một năm sau khi Adolf Hitler và Đảng Quốc xã nắm quyền ở Đức, không có dòng nào đề cập đến nghiên cứu của ông.

Theo Schwarcz, Eichengrün sau đó đã viết một bức thư gửi Công ty Bayer từ một trại tập trung, mô tả chính xác diễn biến các sự kiện và cách ông đã bảo Hoffmann tổng hợp aspirin.

Năm 1949, Eichengrün đã xuất bản một bài báo lặp lại rằng, chính ông đã chỉ dẫn Hoffmann tổng hợp aspirin và Hoffmann đã không độc lập nghĩ ra ý tưởng này. Đáng tiếc là Hoffmann qua đời vào năm 1946 nên những tuyên bố này không được xác minh cụ thể.

Lời tường thuật của Eichengrün không được các sử gia và các nhà hóa học công nhận cho tới năm 1999, khi Walter Sneader của Phân ban Khoa học dược phẩm ở ĐH Strathclyde tại Glasgow xem xét lại trường hợp này và đi đến kết luận, quả thực tiết lộ của Eichengrün có sức thuyết phục và chính xác, Eichengrün đáng tin là người đã phát minh ra Aspirin.

Nhà khoa học bị lãng quên này qua đời tại Berlin vào ngày 23/12/1949, cùng tháng với bài tường thuật về việc phát hiện ra aspirin được công bố.

Aspirin là loại thuốc nằm trong nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Vào những năm 1950, bác sĩ Lawrence Craven ở Mỹ đã công bố các bài báo lập luận rằng, aspirin còn là một chất chống đông máu, có thể ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Năm 1982, nhà dược lý học người Anh, John R. Vane đã giành giải Nobel cho nghiên cứu của ông về cách aspirin hoạt động.

Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ