Dưới thời nhà Nguyễn, ấn chương có nhiều loại hình rất đa dạng, phong phú. Những ấn chương được nhà vua sử dụng thường làm bằng vàng, ngọc và được gọi chung là “Kim Ngọc bảo tỷ”.
Ngoài ra, đối với các bậc vương công tôn thất và quan lại triều đình cho chế tác con dấu bằng đồng hoặc bằng ngà.
Ấn triều Nguyễn
Trong sưu tập ấn chương của triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, có một chiếc ấn đồng lưu giữ câu chuyện bí ẩn của chủ nhân. Đó chính là chiếc ấn “Hoài Đức Quận Vương”.
Theo các chuyên gia bảo tàng, mỗi chiếc ấn có những giá trị mỹ thuật và lịch sử riêng biệt. Những chiếc ấn có giá trị rất lớn để cung cấp thêm nhiều thông tin quý báu về thể chế hành chính, quan lại của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam.
Ấn chương là kỷ vật thời cuộc của người xưa, mà khi nghiên cứu sẽ thấy từ uy quyền tuyệt đối của nhà vua, sự phân tầng quản lý đến phân tầng xã hội, hoạt động giao thương của người dân đều được biểu hiện sinh động trong từng loại ấn chương.
Ấn chương qua mỗi thời kỳ góp phần làm rõ hơn giai đoạn lịch sử nhất định của một quốc gia về phương diện quản lý hành chính, những thỏa thuận trong mua bán, văn hóa, phong cách kỹ thuật, mỹ thuật… Thậm chí là tâm tư tình cảm của người chế tác, sử dụng ấn.
Theo Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, chiếc ấn Hoài Đức Quận Vương được đúc bằng đồng, phần núm là hình ảnh con lân đang trong tư thế ngồi. Trên lưng ấn khắc chìm một hàng 5 chữ Hán: 重 叁 斤 五 両 (trọng tam cân ngũ lạng), tức trọng lượng của ấn là 3 cân 5 lạng (tương đương 2,004kg).
Mặt ấn hình vuông, đúc nổi 6 chữ Hán theo kiểu chữ triện trong khung viền thể hiện nội dung của ấn: 懷 徳 郡 王 之 印 (Hoài Đức Quận Vương chi ấn), tức ấn của Hoài Đức Quận Vương.
Ngoài ấn Hoài Đức Quận Vương, hiện nay một số bảo tàng ở nước ta đã sưu tầm được ấn của hoàng đế. Đặc biệt là chiếc ấn được xem là lớn và đẹp nhất triều Nguyễn, đúc bằng vàng ròng vào mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư (15/3/1823).
Ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước. Đỉnh đầu rồng khắc hình chữ vương, vây lưng và đuôi dựng đứng uốn cong về phía trước. Bốn chân rồng đúc rõ 5 móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc bốn chữ triện “Hoàng đế chi bảo”.
Mặt trên của ấn, phía hai bên quai khắc nổi hai dòng chữ: “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (đúc vào giờ tốt mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4).
Cũng giống như ấn Hoài Đức Quận Vương, chiếc ấn này đúc hàng chữ “Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (đúc bằng vàng, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân). Nếu tính 27 lạng tương đương 1kg thì chiếc ấn này nặng khoảng 10,7kg.
Hoài Đức Quận Vương là ai?
Từ những thông tin trên ấn, các nhà nghiên cứu tìm ra chủ nhân từng sở hữu chính là người trong dòng tộc nhà Nguyễn có tên Nguyễn Phúc Miên Lâm.
Theo ghi chép của “Nguyễn Phúc tộc thế phả” thì: Nguyễn Phúc Miên Lâm là con thứ 57 của vua Minh Mạng và bà Lệ tần Nguyễn Thị Điện. Ông sinh ngày 18 tháng 12 năm Tân Mão (1832). Năm 1846, ông được phong Hoài Đức Quận Công.
Theo quy định của triều Nguyễn khi đặt tên tước thì: Thân Vương sẽ lấy tên tỉnh; Quận Vương, Thân Công, Quốc Công, Quận Công thì lấy tên phủ; Huyện Công và Huyện Hầu thì lấy tên huyện; Hương Công cùng Hương Hầu và Đình Hầu thì lấy tên xã.
Như vậy, tên tước Hoài Đức của Quận Công Nguyễn Phúc Miên Lâm có nguồn gốc từ tên của một phủ. Trong các đơn vị hành chính vào thời Nguyễn thì phủ Hoài Đức xuất hiện vào năm 1805 khi vua Gia Long cho đổi tên phủ Phụng Thiên của Thăng Long xưa.
Về sau, khi vua Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội vào năm 1831 thì phủ Hoài Đức trở thành 1 trong 4 phủ của tỉnh này (Hoài Đức, Ứng Hòa, Thường Tín và Lý Nhân).
Năm Giáp Thân (1884), Hoài Đức Quận Công được sung làm Tôn Nhân Phủ Tả Tôn Nhân. Lúc vua Hàm Nghi lên ngôi, ông được đổi qua làm Tôn Nhân Phủ Hữu Tôn Chính sung Phụ Chính Đại thần. Ông tham dự triều chính gặp lúc vận nước khó khăn nhưng biết khiêm cung tự chế để vượt qua những trở ngại.
Năm Ất Dậu (1885), ông được phong là Lạc Quốc Công. Mùa thu năm đó được tấn phong là Hoài Đức Công sung chức Tôn Nhân Phủ Hữu Tôn Chính. Vào năm Thành Thái nguyên niên, Kỷ Sửu (1889), ông sung làm Phụ chính thân thần.
Khi nắm quyền hành ông hết sức công bình, siêng năng, tuân giữ phép nước. Mùa Thu năm Giáp Ngọ (1894) ông được tấn phong Hoài Đức Quận Vương. Từ căn cứ này, có thể xác định chiếc ấn “Hoài Đức Quận Vương” có thể được chế tác vào cùng thời điểm trên.
Hoài Đức Quận Vương Nguyễn Phúc Miên Lâm mất ngày 5 tháng 12 năm Đinh Dậu (1897) thọ 67 tuổi, được ban thụy là Đoan Cung.
Hiện nay, về thân thế sự nghiệp của ông chỉ còn được lưu giữ qua sử sách và một số hiện vật còn sót lại, trong đó có chiếc ấn đồng mà Bảo tàng Lịch sử TPHCM đang lưu giữ.
Đây là một hiện vật có giá trị, gắn với tiểu sử của một nhân vật lịch sử dưới triều Nguyễn, được ghi nhận là “tính trung hậu, khiêm cung, giữ gìn phép tắc.
Khi nắm việc cai quản họ hàng ông thành công trong việc giáo huấn con em tuân thủ phép nước, nên ông được ân sủng của triều đình suốt đời”.