Chỉ cách cửa biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) vài trăm mét là di tích của một thành cổ trên 200 tuổi. Theo sử sách, tòa thành cổ này được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1813 để kiểm soát và điều khiển lưu thông tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào cửa biển Thuận An, đồng thời là nơi phòng thủ cho Kinh thành Huế.
Lúc mới xây dựng, thành có tên Trấn Hải Đài, tọa lạc tại thôn Hải Thành, xã Thuận An (nay là thị trấn Thuận An - PV), huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Sau nhiều lần nâng cấp và đến năm 1834, thành được đổi tên là thành Trấn Hải Thành. |
Tường thành được xây dựng theo kiểu thành lũy bằng gạch rất vững chắc trên diện tích khoảng 5.000m 2 . Trên thành bố trí 99 ụ súng, quanh chân thành là hệ thống giao thông hào khá rộng và sâu. |
Ngoài dấu tích kiến trúc của triều Nguyễn, còn có những dãy nhà, lô cốt của người Pháp để lại. |
Các vị quan, binh lính và nhân dân của Trấn Hải Thành đã hy sinh sau trận đánh vào năm Quý Mùi (1883) của thực dân Pháp. Lúc đó, tàu chiến và hỏa lực rất mạnh đã tấn công vào Trấn Hải Thành. Quân nhà Nguyễn do 4 vị tướng chỉ huy gồm Lê Sĩ, Lê Chuẩn, Lâm Hoành và Trần Thúc Nhẫn đã kháng cự anh dũng suốt mấy ngày đêm, nhưng do vũ khí ít và thua kém họ nên Trấn Hải Thành đã thất thủ vào ngày 17/7/1883 âm lịch. Ngay sau khi thắng trận, Trấn Hải Thành đã trở thành sở chỉ huy của quân Pháp cho đến năm 1954. Để nhớ ơn lòng quả cảm của quân và dân ta, người dân Hải Thành đã xây dựng miếu thờ các vị tướng hi sinh ngay trong khuôn viên của Trấn Hải Thành. |
Đồng thời, con cháu trong làng đã tự nguyện đóng góp xây dựng khu lăng mộ chôn tập thể hơn 3.000 xác chết (nay là khu lăng miếu âm linh - PV) rất trang nghiêm. Được biết, Trấn Hải Thành đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998 và bàn giao cho quần thể Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý. |
Cây Bồ Đề cổ thụ mọc tự nhiên ngay trên đỉnh tòa nhà |
Cách đó không xa là giếng nước cổ trên 200 tuổi đã gắn liền với người dân Hải Thành. |
Ba chữ Chấn Hải Đài ngày nay vẫn còn nguyên vẹn. |
Tuy nhiên, cùng với dòng chảy của thời gian và thiếu sự tu sửa kịp thời nên di tích Trấn Hải Thành trên 200 tuổi này đang nằm trong tình trạng hoang phế và xuống cấp nghiêm trọng. |