Ai đáng trách sau những phát ngôn gây 'bão' của Hoa hậu Ý Nhi?

GD&TĐ - Trách Hoa hậu Ý Nhi một thì trách cho Ban tổ chức cuộc thi mười. Hết người vừa đẹp hình vừa giỏi nết để trao vương miện rồi sao?

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Xem clip cô tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam năm 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi vừa nói vừa khóc xin lỗi khán giả và mong tha thứ cho cô bởi những “vạ miệng” sau khi đăng quang mà rầu lòng.

Vâng, tha thứ thì sẵn lòng với những người biết lỗi của mình thôi, song cũng cần phải soi xét một chút về lí do vì sao cộng đồng mạng lại “ném đá” cô tân hoa hậu này một cách không thương tiếc suốt mấy ngày qua.

Trước hết, xin được nói qua về các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam. Gần như cứ dăm ba tháng lại có một cuộc thi, được gọi là “hoa hậu” núp dưới đủ loại tên gọi mà nếu những ai không thật sự quan tâm thì cũng chẳng hiểu mô tê gì về những danh xưng này. Cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam vừa được tổ chức tại Bình Định là một trong những cuộc thi như thế.

Chuyện lợn cợn về “sân nhà” khi Ban tổ chức cuộc thi chấm cho cô gái Bình Định này điểm cao nhất đã phần nào có câu trả lời khi cô có những phát biểu không giống một người đang đội vương miện tí nào. Phải chăng Ban tổ chức hoặc là xem nhẹ phần thi ứng xử, hoặc là biết thí sinh ăn nói kém duyên mà vẫn cứ chấm điểm thật cao để đạt yêu cầu là “sân nhà phải được đội vương miện”?

Là sinh viên đang theo học đại học ở một thành phố lớn nhất nước, lại khoe trong “lý lịch trích ngang” là học giỏi, thế nhưng lại “khuyên bảo” bạn trai đã yêu 6 năm của mình là “cần phải thay đổi để theo kịp tôi” thì thật khó nghe.

“Theo kịp tôi” là theo chuyện gì đây? Chả nhẽ lại khuyên người yêu đi thi hoa hậu để đạt danh hiệu như mình? Lại nữa, “trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu”.

Nếu chỉ nói chơi để trêu ghẹo nhau trong quán… trà sữa thì được chứ trả lời phỏng vấn trong buổi họp báo mà như thế thì, hoặc là “thật thà” quá, hoặc là kiêu căng đến mức ngớ ngẩn!

Người ta có thể “đại xá” cho những lời ngô nghê ấy, song không một ai có thể rộng lòng để tha thứ khi cô tân hoa hậu ấy nói rằng, ở Bình Định nếu chọn ra ba người nổi tiếng nhất thì cô là một, tiếp sau là Hàn Mặc Tử và Quang Trung! Vừa sai kiến thức lại vừa khoe mẽ đến mức làm tổn thương bao người.

Chỉ là nhan sắc tạm thời trong một cuộc thi sao lại mang ra so sánh với một nhà thơ lừng danh và một anh hùng dân tộc? Bốc phét với nhau trong cuộc rượu đã là hỗn rồi, đây lại là một hoa hậu trả lời phỏng vấn báo chí.

Tuổi trẻ luôn gắn với sự bồng bột và nông nổi. Người trẻ họ có thể phát biểu văng mạng để chứng tỏ mình giỏi giang hơn thế hệ đi trước. Người trẻ có thể có những cuộc phiêu lưu để khám phá những điều mới mẻ cả trong khoa học, nghệ thuật lẫn cách sống, song họ không “có quyền” bộc lộ sự kém cỏi của mình bằng những lỗ hổng về kiến thức cũng như cách ứng xử trong giao tiếp một cách ngây ngô như cô tân hoa hậu ấy.

Trách cô tân hoa hậu một thì trách cho Ban tổ chức cuộc thi mười. Hết người vừa đẹp hình vừa giỏi nết để trao vương miện rồi sao?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.