"Ai cũng hiểu cần dành thời gian cho sức khỏe nhưng ít người làm được..."

GD&TĐ - Từng là VĐV, HLV của đội tuyển Muay Thai Việt Nam, thầy Trần Trung Sơn - giáo viên thể dục tại Trường THPT Ngô Gia Tự, TPHCM chia sẻ: “Ai cũng hiểu cần dành thời gian cho sức khỏe, nhưng ít người làm được...".

Trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Ảnh minh họa: P.Nga.
Trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời. Ảnh minh họa: P.Nga.

Tránh bị lây “bệnh lười vận động”

Mỗi ngày chị Phan Hoài Nam (ngụ tại chung cư 4S Linh Đông, quận Thủ Đức, TPHCM) đều chơi cùng con. Chị kể, vào buổi sáng hai mẹ con đều cố gắng dậy sớm để đi bơi. Sau một ngày đi làm, đi học, hai mẹ con thường đi bộ quanh khuôn viên chung cư hay cùng tập trượt patin… Những ngày cuối tuần là lúc hai mẹ con chị vận động nhiều nhất.

Hai mẹ con có thể cùng đi xe buýt tới đường sách để chơi, đọc sách; Dạo công viên để con vận động, tắm nắng, hít thở không khí trong lành, thư giãn… Gần đây, chị còn đăng kí lớp tập boxing để cùng rèn luyện sức khoẻ với con.

“Có thể thấy, nhiều người rất lười vận động và dĩ nhiên “bệnh” này cũng tự khắc sẽ “lây” cho những đứa trẻ. Tôi đã làm những việc này trong nhiều năm qua cùng con một cách thường xuyên. Và bản thân mình phải làm gương để con tham gia một cách hào hứng, vui vẻ, dần dần trở thành thói quen”, chị Hoài Nam nói.

Tương tự như chị Hoài Nam, chuyên gia tâm lý, TS Phạm Thị Thuý - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (tại TPHCM) cũng cho rằng, chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ của gia đình, con cái là vấn đề chị quan tâm, ưu tiên mỗi ngày.

Theo đó, gia đình chị thường đạp xe, đi bộ cùng nhau. Bản thân TS Phạm Thị Thuý có thể dành thời gian thiền mọi lúc, mọi nơi nếu rảnh. “Dù bận rộn thế nào, gia đình tôi cũng đều dành thời gian cho việc tập thể dục mỗi ngày”, TS Phạm Thị Thuý nói.

TS Phạm Thị Thuý chia sẻ, nhiều người hay thoái thác cho công việc bận rộn,  không có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Khi thư giãn để đầu óc nghỉ ngơi, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn.

Có nhiều cách thư giãn như nghe nhạc, chăm sóc cây cảnh, đi bộ, đọc sách… Còn để có một cơ thể khoẻ mạnh, ngoài ăn uống hợp lý, khám sức khoẻ định kỳ, bạn phải duy trì việc tập thể dục, thể thao mỗi ngày và tập luyện đúng cách. Quan trọng nhất là bạn biết ưu tiên quỹ thời gian để làm điều đó.

“Cha mẹ chính là tấm gương cho trẻ, nếu cha mẹ không ưu tiên dành thời gian cho sức khoẻ, cho việc rèn luyện, giữ sức khoẻ thì không thể nào… ép buộc trẻ, bắt trẻ làm”, TS Phạm Thị Thuý nói.

“Sức khoẻ là vô giá”, dù muốn làm bất cứ điều gì, dù có bận rộn, có tham gia học tập, làm việc, đi chơi… ra sao thì điều quan trọng nhất vẫn là phải có sức khoẻ để làm những việc đó. Nhưng để có sức khoẻ không phải chỉ nói, hô hào hay chỉ cần có tiền là… mua được mà phải dành thời gian cho nó, ý thức thức được việc ăn uống điều độ, rèn luyện thể dục thể thao mỗi ngày.

Cả gia đình cùng tham gia hoạt động vui chơi vào dịp cuối tuần. Ảnh: Internet.
Cả gia đình cùng tham gia hoạt động vui chơi vào dịp cuối tuần. Ảnh: Internet. 

Hướng cho con trẻ từ những việc nhỏ

Thầy Trần Trung Sơn cho hay, nhà trường cũng đã đưa vào giảng dạy các bộ môn thể thao thành tích như bóng rổ, bơi, võ… Tuy nhiên, 2 tiết học trong 1 tuần là chưa thực sự đủ với những em có đam mê và sở trường.

Chính vì vậy, nhiều gia đình đã cho các em chọn một trung tâm tập luyện để nâng cao. Điều này rất đáng hoan nghênh để các em rèn sức khoẻ, phát triển đam mê.

Nhưng ở một khía cạnh khác, dường như nhiều học sinh, sinh viên… quá bận rộn với lịch học tập ở trường, học thêm ở trung tâm, làm thêm để kiếm tiền… mà mất đi nhịp sinh học bình thường. Kèm theo đó, ăn uống thất thường, mê đồ ăn nhanh… dẫn đến nhiều em sức khoẻ không đảm bảo. Và nếu không có sức khoẻ tốt, liệu học tập sẽ hiệu quả?

Thầy Trần Trung Sơn cho biết, muốn con dành thời gian cho chăm sóc bản thân, giữ sức khoẻ, cha mẹ làm gương và định hướng cho con từ những việc nhỏ, như ngủ và thức dậy sớm, tránh xa các thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ.

Khi dậy sớm, có thể đi bộ 20 phút, có thời gian để hít thở không khí trong lành, ăn bữa sáng đầy đủ chất… Ngủ sớm để có giấc ngủ sâu, ngon giấc để ngày mai bắt đầu một ngày mới không uể oải, ngáp ngắn dài.

Nếu những gia đình có điều kiện có thể mua các máy tập thể dục, xem cách hướng dẫn tập đúng cách, bố trí thời gian phù hợp. Nếu không, bạn có thể đạp xe, đi bộ hoặc tự tập tại nhà theo các clip hướng dẫn online.

“Quan trọng nhất vẫn là bạn hướng dẫn trẻ, để duy trì thói quen, tạo ý thức cho trẻ bằng một quá trình”, thầy Sơn nói. Cũng cần cho con hiểu rằng, dành thời gian chăm sóc sức khoẻ cũng đồng nghĩa phải thăm khám sức khoẻ định kỳ, kết hợp ăn uống điều độ, làm việc, học tập không quá sức, và nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng.

Liên quan đến vấn đề này, TS Phạm Thị Thuý chia sẻ, thực ra con trẻ ngày nay có nhiều áp lực. Trẻ thích học tập, khám phá nhiều thứ, luôn muốn nỗ lực để đạt ước mơ, đôi khi con dành quá nhiều thời gian cho những việc học tập ở trường, học thêm… nhưng lại quên mất việc giữ sức khoẻ, rèn luyện thể dục thể thao, dẫn đến đổ bệnh. Vì vậy, phụ huynh cũng cần nhắc nhở con trẻ mỗi ngày và cùng con để có những giây phút thư giãn, vui vẻ, vận động vui chơi… Bởi có sức khoẻ tốt con mới có thể làm được những việc con mong muốn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.