Ai chịu trách nhiệm vụ tiêm vắc xin hết hạn cho trẻ ở Thanh Hóa?

GD&TĐ - Phụ huynh của các cháu bé bị tiêm vắc xin hết hạn bức xúc yêu cầu cần làm rõ và xử lý trách nhiệm người liên quan.

Các bé tiêm vắc xin hết hạn hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. (Ảnh: NT).
Các bé tiêm vắc xin hết hạn hiện đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. (Ảnh: NT).

Vắc xin ghi quá hạn, cán bộ y tế nói... không sao?

Chị Nguyễn Thị Huế (xã Thăng Bình, huyện Nông Cống) - mẹ của 1 trong 4 nạn nhân tiêm vắc xin đã hết hạn sử dụng tại Trung tâm Y tế xã Thăng Bình (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết, do trước đây chị từng đưa con đầu tiêm ở trung tâm tiêm chủng, đã biết quy trình tiêm vắc xin là phải kiểm tra tên thuốc, ngày sản xuất, liều lượng, hỏi đúng tên tuổi chưa mới tiêm.

Thế nhưng, tiêm ở trung tâm y tế xã thì quy trình rất sơ sài, không hề hỏi tên bé, cầm phiếu lấy thuốc ra tiêm, không giới thiệu cho phụ huynh thuốc gì.

“Tôi phải chủ động hỏi tên thuốc nhưng lại chủ quan không nhìn hạn sử dụng. Sau khi về, phân vân quá nên tôi mang vỏ thuốc ra xem thì giật mình nhìn thấy trên hạn sử dụng đề tháng 3/2023. Hoang mang quá, tôi phải gọi điện cho chồng và một người quen làm ở bệnh viện gửi hình ảnh chụp sang. Mọi người đều chắc chắn thuốc tiêm cho con tôi đã hết hạn sử dụng. Tôi chạy lên trạm y tế báo cáo sự việc và có mang theo vỏ thuốc”, chị Huế kể lại.

Vắc xin hết hạn đã được tiêm cho 4 trẻ tại Thanh Hóa. (Ảnh: NT).
Vắc xin hết hạn đã được tiêm cho 4 trẻ tại Thanh Hóa. (Ảnh: NT).

Người mẹ này cũng vô cùng bức xúc trước phản ứng của Trưởng trạm y tế xã khi được thông báo vắc xin tiêm cho con chị đã hết hạn sử dụng.

“Khi tôi phản ánh tới Trưởng trạm y tế xã, ông này vẫn khăng khăng nói không thể có chuyện đó. Tôi đưa vỏ thuốc ra thì ông này mới lên hỏi lên nhân viên kho.

Thời điểm đó, cả Trưởng trạm y tế và nhân viên kho, cán bộ tiêm vẫn khẳng định đó là ngày sản xuất không phải hạn sử dụng. Sau đó, họ có gọi cho ai đó hỏi và nói với gia đình để Trạm hỏi rồi sẽ thông tin lại sau.

Một nữ cán bộ trạm y tế còn phát ngôn “giờ thuốc đã tiêm vào người rồi biết làm sao được. Hết hạn 2 tháng không sao, về theo dõi thêm”. Liên quan đến tính mạng con người mà không có động thái lo lắng hay kịp thời gì cả”, chị Huế bức xúc.

Cũng theo chị Huế, thấy Trạm y tế bàng quang trước sự việc, chị đã báo cáo sự việc sang công an xã.

“Sau khi phát hiện vắc xin tiêm cho con đã hết hạn, tôi gọi cho cán bộ Trạm nhưng cán bộ Trạm y tế xã nói chỉ tiêm thuốc hết hạn, không sao hết. Nhưng con càng ngày càng li bì, không thể để theo dõi ở đây được, tôi đề nghị Trưởng trạm phải đưa con tôi lên tuyến trên.

Con tôi sức khoẻ yếu từ lúc sinh, sức đề kháng kém nên từ lúc tiêm vắc xin xong sốt cao, xét nghiệm thì bác sĩ nói men gan tăng cao so với bình thường. Chúng tôi không biết được sau này còn có những nguy cơ gì.

Tôi mong cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những người vô trách nhiệm để xảy ra tình trạng này”, chị Ngọ Thị Hưng - mẹ của một nạn nhân bị tiêm vắc xin đã hết hạn chia sẻ.

Bản thân các gia đình khác có con tiêm vắc xin quá hạn sử dụng cũng cho biết, không có bất kỳ nhân viên nào của Trạm y tế Thăng Bình thông tin đến các gia đình sự việc mà họ nhận được thông tin từ gia đình chị Huế nên đã đưa con trở lại trạm và đề nghị được đưa lên tuyến trên.

Có bệnh nhân men gan tăng 6-7 lần so với bình thường

Ghi nhận tại Khoa Nội dị ứng, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, có 5 cháu đang điều trị tại đây (trong đó có một gia đình 2 cháu sinh đôi, 1 trong 2 bé đã tiêm vắc xin hết hạn).

Chị Nguyễn Thị Huế, người phát hiện ra vắc xin tiêm cho con mình đã hết hạn sử dụng. (Ảnh: NT).
Chị Nguyễn Thị Huế, người phát hiện ra vắc xin tiêm cho con mình đã hết hạn sử dụng. (Ảnh: NT).

Bác sĩ CK1 Nguyễn Thu Hương - Phó Trưởng Khoa Nội dị ứng, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết, các bệnh nhân nhập viện vào gần 16h ngày 9/11 trong tình trạng sốt trên 38 độ. Qua 2 ngày điều trị, theo dõi tại đây thì hiện các bé đã đỡ sốt.

Xét nghiệm đều có biểu hiện tăng men gan, 2 bệnh nhân tăng nhẹ, 2 bệnh nhân mức độ vừa phải, 1 bệnh nhân mức độ hơi cao, tăng so với bình thường khoảng 6-7 lần.

Cũng theo Phó Khoa Nội dị ứng, Khoa vừa cho xét nghiệm lại cả 5 bệnh nhân và hiện chưa có kết quả.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Bá Cẩn - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá cho biết, Sở đã nhận được báo cáo vụ việc từ Trung tâm Y tế huyện Nông Cống. Sau khi nhận được báo cáo, Sở cũng đã làm văn bản báo cáo UBND tỉnh đồng thời báo cáo Bộ y tế.

“Chúng tôi đã chỉ đạo theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của các cháu, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh điều tra, phối hợp với Bệnh viện Nhi kiểm tra lại các quy trình, các yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, xác minh lại nguyên nhân để xảy ra sự việc và báo cáo lại Sở”, ông Cẩn cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, trong vụ việc này, chủ yếu sai sót về mặt quy trình trong đảm bảo an toàn tiêm chủng, so sánh đối chiếu kiểm tra hạn sử dụng. Đây là sơ sót rất hy hữu.

Liên quan đến trách nhiệm, ông Cẩn cho biết, trước mắt Trung tâm y tế huyện là đơn vị quản lý trực tiếp các trạm y tế xã. Còn đối với ngành, Sở đã yêu cầu trung tâm y tế phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

“Sở đã yêu cầu Trưởng Phòng nghiệp vụ y có văn bản gửi cho các đơn vị y tế trong ngành trên địa bàn tỉnh và các cơ sở tiêm chủng, chấn chỉnh lại việc tiếp nhận, bảo quản, thực hiện quy trình tiêm vắc xin cho các cháu, đảm bảo an toàn”, Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Nguyễn Bá Cẩn thông tin thêm.

Trước đó, ngày 9/5, tại Trạm y tế xã Thăng Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) tổ chức tiêm dịch vụ vắc xin các mũi 5in1, 6in1 cho 15 trẻ nhỏ. Trong đó, có tiêm 6 mũi vắcxin Hexaxim cho 6 trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, sau khi tiêm xong các mũi vắc xin Hexaxim, điều dưỡng Nguyễn Văn S. đã đưa vỏ bọc thuốc cho gia đình mang về nhà thì phát hiện 4 trong 6 mũi Hexaxim sản xuất ngày 30/4/2020 đã hết hạn sử dụng từ tháng 3/2023.

Được biết, Trung tâm y tế huyện Nông Cống nhập về tổng số 165 liều Hexaxim của Công ty thiết bị y tế Hà Nội vào ngày 23/5/2022 và cấp cho Trạm Y tế Thăng Bình ngày 7/6/2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ