Ai chịu trách nhiệm về công trình 800 tỉ đồng dở dang ở TP HCM?

GD&TĐ - Khởi công xây dựng từ năm 2013 với kinh phí đầu tư khoảng 800 tỉ đồng, Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM dự kiến khánh thành vào năm 2015.

Nhìn từ xa, dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM đã định hình được phần thô bên ngoài.
Nhìn từ xa, dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM đã định hình được phần thô bên ngoài.

Dù đã thi công đạt 45% khối lượng công trình vào năm 2017, nhưng suốt 6 năm qua công trình này vẫn không thể về đích và đang bị bỏ hoang.

10 năm chậm trễ vì chủ đầu tư và nhà thầu “đấu” nhau?

Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM khởi công quý I năm 2013 với quy mô rộng hơn 18.000 m2, nằm giữa tuyến đường ven sông Sài Gòn và đại lộ Vòng Cung thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Theo quy hoạch trung tâm có quy mô 5 tầng, chức năng phục vụ trưng bày, triển lãm quy hoạch kiến trúc của thành phố; tổ chức sự kiện, nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân, du khách về công tác quy hoạch của thành phố.

Công trình do một công ty kiến trúc của Pháp thiết kế với hai khối tạo hình tam giác đặt nghiêng chụm đầu vào nhau. Theo kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành năm 2015. Tuy nhiên, chủ đầu tư nhiều lần xin lùi thời gian hoàn thành. Qua nhiều năm, việc thi công vẫn không được tiếp tục.

Đến nay dự án đạt khoảng 45% khối lượng, hệ thống đường vành đai, liên kết đã hình thành và đang trong giai đoạn trải nhựa. Trái ngược với không khí thi công tất bật của 3 khối nhà chung cư thương mại bên cạnh, công trình Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM không có bóng dáng một công nhân nào làm việc, quang cảnh ảm đạm, rêu phong.

Ghi nhận trực tiếp tại công trình này trong sáng 15/5, phóng viên Báo GD&TĐ nhận thấy nhiều hạng mục của tòa nhà có dấu hiệu xuống cấp sau thời gian dài phơi nắng, mưa.

Xung quanh công trình không còn lán trại trông coi như những ngày đầu. Trong công trình hiện chỉ thấy một quán bán nước. Chủ quán nước là người trông coi công trình đã ngừng thi công này.

Hỏi vài công nhân đang thi công bó vỉa hè đối diện Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM tất cả đều cho biết từ ngày làm công nhân ở khu chung cư thương mại bên cạnh họ không thấy dự án này có dấu hiệu của việc triển khai thi công.

Lý do của việc dự án án binh bất động là do chủ đầu tư và nhà thầu không thống nhất vật liệu xây dựng bao che (nhôm, kính) bên ngoài.

Thông tin thêm về lý do này, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM cho biết, quá trình xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM vướng gói thầu số 6 - gói thầu chính (hạng mục nhôm kính) trị giá 107 tỉ đồng do nhà thầu không hợp tác với chủ đầu tư.

Trước đây chủ đầu tư cũ (Sở KH&ĐT TPHCM) đã tạm ứng 42 tỉ đồng cho nhà thầu trên. Từ khi Ban Dân dụng và Công nghiệp tiếp quản dự án vào năm 2022 đã mời các nhà thầu lên ký phụ lục hợp đồng để khởi động dự án. Riêng nhà thầu gói nhôm - kính không đồng ý, yêu cầu giải quyết xong các nội dung hạng mục cũ rồi mới ký tiếp nên dự án bị tắc.

Bên trong dự ánTrung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM không một bóng công nhân.

Bên trong dự ánTrung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM không một bóng công nhân.

Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM nằm im bất động bên cạnh cụm công trường đang tấp nập thi công.

Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM nằm im bất động bên cạnh cụm công trường đang tấp nập thi công.

Cần xem xét trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan

Không chỉ lý do trên, theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM (chủ đầu tư), nhiều gói thầu thuộc dự án đã hết thời gian thực hiện hợp đồng từ lâu, việc triển khai rất khó khăn.

Đơn cử như gói thầu PTV31 Sưu tầm dữ liệu, soạn thảo và in ấn sách, biên tập và thiết kế maket, pano, sa bàn, website, thuyết minh - hướng dẫn kịch bản phim (Liên danh Viện Quy hoạch xây dựng - Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam - Công ty CP Thiết kế TTT Architects - Công ty TNHH Công nghệ Niềm tin trúng thầu với giá 39,801 tỉ đồng).

Gói thầu HH12 Hệ thống điều hòa không khí và thông gió (Liên danh Công ty TNHH Hòa Lan - Công ty TNHH Hoàng Phúc trúng thầu với giá 26,535 tỉ đồng). Gói thầu HH9 Màn hình led và lam mặt tiền (Liên danh Công ty CP Cơ điện lạnh Nam Thịnh - Công ty TNHH Hunter Douglas Việt Nam trúng thầu với giá 38,863 tỉ đồng)… cũng đều án binh bất động, không thể triển khai do nhiều vướng mắc.

Hiện chủ đầu tư và các nhà thầu đã và đang bàn thảo ký kết lại phụ lục hợp đồng để khởi công lại dự án. Tuy nhiên, do hướng xử lý hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, cũng như phát sinh liên quan đến tạm ứng hợp đồng khiến chủ đầu tư đề xuất phương án cắt hợp đồng, thậm chí khởi kiện hành vi chiếm dụng vốn của nhà thầu.

Việc chủ đầu tư và các nhà thầu không tìm được tiếng nói chung khiến cho công trình bị “đứng hình” đúng một thập kỷ, không thể đưa vào sử dụng đã và đang gây bức xúc rất lớn cho xã hội.

Mặt sau của công trình cỏ mọc um tùm.

Mặt sau của công trình cỏ mọc um tùm.

Trong cuộc họp và giám sát mới đây về chính sách đầu tư công, Hội đồng nhân dân TPHCM đã đặt vấn đề làm rõ trách nhiệm về tiến độ, hướng tháo gỡ vướng mắc cho Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM.

Sự bức xúc của các đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM là có cơ sở khi theo kế hoạch năm 2023, Dự án Trung tâm Triển lãm TPHCM được bố trí 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc giải ngân của dự án vẫn là 0 đồng, gây lãng phí rất lớn nguồn lực đầu tư công của thành phố suốt 10 năm qua.

Cũng theo báo cáo, hiện khối lượng công trình mới chỉ đạt 45%. Dự án bị chậm tiến độ dẫn đến phát sinh chi phí hơn 60 tỉ đồng. Toàn dự án còn khoảng 55% khối lượng, trong khi dự án nằm trong giai đoạn đầu tư công 2021 - 2025 khiến cho nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM quan ngại liệu chủ đầu tư và nhà thầu có kịp “về đích”.

Vướng mắc chỗ nào thì TPHCM cần chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ. Chứ cứ để ông này nói một kiểu, ông kia thực hiện một đằng, bên nào cũng có cái lý riêng của mình thì không bao giờ tìm được tiếng nói chung.

Với thời gian chậm trễ đưa vào sử dụng và khai thác là hơn 8 năm, người dân TPHCM chịu thiệt khi các thiết chế văn hóa đi kèm theo hình hài khu đô thị tới giờ vẫn chỉ là đống bê tông vô tri, vô giác.

“Đây là điều rất khó chấp nhận. Lãnh đạo thành phố nói rất đúng, cứ quy trách nhiệm cụ thể sự chậm trễ, lãng phí này cho từng bộ phận, cá nhân và đơn vị thì sẽ tháo gỡ được các vấn đề đang khúc mắc”, anh Trần Thế Linh, một kiến trúc sư đang sinh sống tại TPHCM nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.