(GD&TĐ) - Mặc cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ai Cập Mohammed Ibrahim khuyến cáo cảnh sát sẽ giải tán cuộc biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Mohammed Morsi, ngày thứ Bảy (27/7), hàng ngàn người theo tiếng gọi của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” vẫn giương cao khẩu hiệu chống đối tại thánh đường Rabban al-Adawi. Cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình làm 65 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ai Cập đang bị nhấn chìm vào vòng xoáy khủng hoảng mà chưa tìm được lối thoát.
Bắn vào những kẻ thất bại
Tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” lên án quân đội đã sử dụng vũ khí bắn vào người biểu tình. Theo thông báo của Bộ Y tế Ai Cập, đụng độ tại thánh đường Rabban al-Adawi làm 65 người chết và hàng trăm người bị thương. Tuy nhiên, theo các bác sĩ địa phương, số người chết phải vượt con số 100 và số bị thương khoảng trên 500 người.
Người phát ngôn của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” Ahmed Nashar khẳng định rằng ông tận mắt chứng kiến cảnh quân đội bắn vào người biểu tình. “Khi tôi đến đó, tôi nghe thấy tiếng đạn “huýt sáo” trên đầu. Đây là hành động tàn ác - quân đội bắn đạn thật vào người biểu tình”- Ahmed Nashar nói với BBC.
Các cuộc biểu tình hàng loạt bắt đầu từ hôm thứ sáu (26/7) sau lễ cầu nguyện vào buổi tối để phản đối việc quân đội lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi. Trong khi đó, những người chống đối Mohammed Morsi được sự ủng hộ của quân đội cũng tụ tập trên quảng trường Tahrir chỉ cách các đối thủ của họ có vài cây số. Tuần trước Tổng Tư lệnh quân đội Ai Cập Abdel Fattah Sisi kêu gọi nhân dân Ai Cập xuống đường ủng hộ quyết định lật đổ chế độ của Tổng thống Mohammed Morsi và thành lập chính phủ lâm thời ở Ai Cập. Không chỉ ở Cairo mà ở thành phố Alexandria- thành phố lớn thứ 2 ở Ai Cập đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh cũng cướp đi sinh mạng của 10 người. Đây là cuộc đụng độ đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống Mohammed Morsi bị lật đổ.
Biểu tình ủng hộ Mohammed Morsi vào ngày thứ 7 (27/7) |
Mohammed Morsi và hàng loạt tội danh
Vào ngày thứ sáu (26/7), chính quyền Cairo ra thông báo kết tội Mohammed Morsi thông đồng với nhóm Hồi giáo Palestine Hamas giết chết sĩ quan và quân lính của một trại giam để tù nhân trốn thoát trong cuộc nổi dậy chống lại chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2011. Kết quả là 11.171 tù nhân, trong đó có Mohammed Morsi trốn thoát. Bản cáo trạng chỉ rõ, việc điều tra, thẩm vấn Mohammed Morsi sẽ được tiếp tục trong vòng 15 ngày. Đây là thông báo chính thức đầu tiên về việc kết tội Mohammed Morsi kể từ ngày ông bị bắt (3/7). Đến nay nơi giảm giữ Mohammed Morsi không được tiết lộ. Ngày thứ bảy (27/7), Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohammed Ibrahim tiết lộ rằng Mohammed Morsi sẽ được chuyển đến nhà tù “Torah”, nơi đang giam giữ cựu Tổng thống Hosni Mubarak.
Cũng theo cáo trạng, Mohammed Morsi và một số thủ lĩnh của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” được giải thoát khỏi nhà tù Cairo vào năm 2011 trong một cuộc tấn công của những người nổi dậy. Theo BBC, việc buộc tội Mohammed Morsi là lời giải thích chính thức về tính hợp pháp của việc giam giữ cựu Tổng thống Ai Cập hiện nay. Những ngày qua, Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây không ít lần kêu gọi quân đội Ai Cập hoặc là thả Mohammed Morsi hoặc phải đưa ra tội danh thuyết phục đối với cựu Tổng thống. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn Reuters, đại diện của tổ chức “Những người Hồi giáo anh em” khẳng định những lời buộc tội Mohammed Morsi của chính phủ lâm thời là “nực cười”, nó chứng tỏ “chế độ cũ đã quay trở lại”. Trong khi đó, phong trào Hamas tuyên bố không có bằng chứng của họ trong việc tham gia tấn công nhà tù ở Ai Cập.
Như vậy, tình hình ở Ai Cập là hết sức hỗn độn, khát vọng hoà hợp dân tộc với đất nước kim tự tháp còn quá xa vời. Vụ đàn áp đẫm máu hôm thứ bảy vừa qua càng khoét sâu mối hận thù không dễ xóa nhòa giữa tổ chức “Những người Hồi giáo anh em”- một thế lực chính trị lớn ở Ai Cập với chính phủ lâm thời được sự hậu thuẫn của quân đội. Ai Cập sẽ đi về đâu? Câu hỏi này chưa có lời giải đáp.
Duy Long (TH)