(GD&TĐ) - Ngày chủ nhật (30/6), Ai Cập kỷ niệm 1 năm ngày tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mohammed Morsi không bằng pháo hoa mà bằng các cuộc biểu tình chống đối thu hút đến hàng triệu người. Trước đó, phe đối lập đã thu thập được 22 triệu chữ ký đòi lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi. Ai Cập đang đối mặt với làn sóng cách mạng còn mạnh hơn cơn bão mang tên “Mùa xuân Ả Rập” lật đổ chế độ của Tổng thống Hosni Mubarak vào 2 năm trước.
Quảng trường Tahrir (Cairo) ngày 30/6 |
Quảng trường Tahrir lại rúng động
Mấy ngày qua, không khí chống đối ở Ai Cập như sôi lên sùng sục, các cuộc biểu tình diễn ra trên hầu hết các thành phố lớn của đất nước kim tự tháp. Va chạm giữa người biểu tình và phe ủng hộ Tổng thống hôm thứ sáu (28/6) tại thành phố Alexandra đã làm 3 người chết, trong đó có 1 phóng viên người Mỹ. Theo thông báo của Bộ Y tế Ai Cập, kể từ ngày 26/6, va chạm giữa những người ủng hộ Tổng thống Morsi và những người biểu tình của phe đối lập đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 8 người và hơn 600 người bị thương.
Ngày 30/6 được coi là ngày tổng biểu tình. Phe đối lập cho biết sẽ có hàng triệu người trên cả nước đồng loạt xuống đường biểu tình đòi Mohammed Morsi từ chức. Theo Reuters, khoảng 500 ngàn người đã đổ tới quảng trường Tahrir (Cairo) với các biểu ngữ “Hãy cút đi!”.
Không đợi đến ngày 30/6, trước đó (ngày thứ tư, 26/6), Tổng thống Mahmmed Morsi đã có bài phát biểu dài hai tiếng rưỡi đồng hồ. Tuy nhiên, thay vì phải đối thoại với phe đối lập, Mohammed Morsi chỉ nói về những thành tích mà ông đã đạt được. Tổng thống Morsi nhắc nhở phe đối lập rằng thông qua các cuộc biểu tình chỉ có thể bày tỏ ý kiến chứ không được lạm dụng chúng. Tuy nhiên, những khuyến cáo của Tổng thống Morsi không ngăn cản được làn sóng biểu tình đang dâng lên như vũ bão.
Trong khi đó, phong trào “Tamarod” (tiếng Ả Rập là “nổi loạn”) đã phát động thu thập chữ ký đòi Tổng thống Mohammed Morsi từ chức trên toàn bộ lãnh thổ Ai Cập trong hơn 2 tháng qua. Mục tiêu của nó là thu thập được 15 triệu chữ ký, tuy nhiên, các nhà tổ chức không ngờ số chữ ký thu được đạt con số 22.134.000.
Năm ngoái, Mohammed Morsi trở thành Tổng thống Ai Cập cũng chỉ cần 13,2 triệu phiếu bầu của cử tri. Nếu con số trên là sự thực thì Tổng thống Mohammed Morsi đang đứng trước những thử thách hết sức ngặt nghèo.
Trên quảng trường Tahrir lịch sử ở thủ đô Cairo, các đại diện của “Mặt trận 30/6” kêu gọi hàng ngàn người biểu tình không rời vị trí khi Tổng thống chưa từ chức. Theo phe đối lập, cuộc biểu tình vào ngày 30/6 trên quảng trường Tahrir chỉ là mở đầu cho làn sóng biểu tình rộng khắp trên toàn đất nước Ai Cập trong tương lai. Trước tình hình căng thẳng, quân đội và an ninh Ai Cập tuyên bố sẽ can thiệp nếu bạo lực vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nga đều khuyến cáo các công dân của họ không nên đến Ai Cập vào thời điểm đầy biến động này.
Tại sao người Ai Cập nổi cơn thịnh nộ?
Phe đối lập đại diện cho một số nhóm chính trị và các phong trào thanh niên cáo buộc Mohammed Morsi xây dựng chế độ độc tài dựa trên sức mạnh của tổ chức “những người Hồi giáo anh em”. Mohammed Morsi đã không giữ lời hứa trong cuộc vận động tranh cử hồi năm ngoái. Cách đây chưa lâu, El Baradei - cựu Tổng thư ký IAEA, người đoạt giải Nobel hòa bình nhưng thất bại trong cuộc đua giành ghế Tổng thống với Mohammed Morsi đã gửi một báo cáo cho tạp chí “Foreign Policy” (Mỹ), theo đó, một năm cầm quyền của Morsi là một năm đen tối của Ai Cập.
Trước hết, chỉ số “Quốc gia thất bại” của Ai Cập được tăng lên từ vị trí số 45 (thời Mubarak) lên 31. Trong năm 2012, nạn giết chóc tăng 130%, trộm cắp tăng đến 350% ; bắt cóc tăng 145%...
Chính phủ Ai Cập không bảo vệ được luật pháp, không ổn định được trật tự xã hội; 25% giới trẻ không có công ăn việc làm; các nhà đầu tư (cả các nhà đầu tư nước ngoài và Ai Cập) đều không muốn đầu tư vào Ai Cập. Theo bản báo cáo này, chỉ trong vài tháng nữa Ai Cập sẽ vỡ nợ.
Kết thúc báo cáo, El-Baradei kêu gọi quyền lực phải trao trở lại cho quân đội, nếu không cuộc nổi dậy của người nghèo sẽ gây ra những diễn biến khó lường…
Theo các nhà phân tích, kể từ khi Mohammed Morsi lên nắm quyền, nền kinh tế Ai Cập ngày càng tồi tệ. Ngày 20/6, Bộ Tài chính Ai Cập ra thông cáo, theo đó, tình hình thâm hụt tài chính của đất nước này trong 11 tháng qua (từ 7/2012-5/2013) đã lên gần 30 tỷ USD. Càng ngày đời sống người dân càng khó khăn: Thiếu điện, thiếu lương thực và giá cả các mặt hàng thiết yếu ngày một leo thang. Sau một năm cầm quyền của Tổng thống Mohammed Morsi phe đối lập bị gạt ra ngoài đời sống chính trị của đất nước kim tự tháp. Chưa bao giờ ở Ai Cập diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ như năm qua. Theo thống kê, có tới trên 9.000 cuộc biểu tình lớn nhỏ, đặc biệt trong tháng 3/2013, số các cuộc biểu tình phản đối ở Ai Cập đã lên tới 1.354 cuộc.
Cuộc biểu tình trên quảng trường Tahrir vào ngày 30/6 như “phát súng lệnh” đòi Mohammed Morsi phải từ chức và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Theo các nhà phân tích, nếu không được kiểm soát tốt rất có thể cuộc biểu tình này sẽ đưa Ai Cập vào thời kỳ hỗn loạn mới.
Duy Long (TH)