(GD&TĐ) - “Ông bà trông cháu đỡ con”. Con Chè lại quẳng con cái Ngan lên trên nhà. Đã hơn một năm nay, cứ lúc nào cái Chè này vội vàng bế con lên gửi, tôi lại nghiệm, thể nào cũng có chuyện chẳng lành xảy ra với nhà nó.
Ảnh minh họa/internet |
Xưa, nó còn bé tí, nhà tôi với nhà nó còn ở cùng khu tập thể. Cái tập thể, bước vào cứ như lội trong trường đua xe địa hình. Nghiêng trái, nghiêng phải, lùi, tiến, phát nhược người mới ních được vào nhà. Ai cũng bảo cái khu tập thể này là “Phố Gầm cầu”. Gầm cầu, mà chẳng ở gầm cầu.
Từ lúc con cái Trà (cả nhà gọi nó là Chè) chưa đẻ, tôi đã chơi thân với bố nó vì ngày xưa hai anh em cùng đi chiến trường với nhau. Khi mẹ nó đẻ nó ra, vợ chồng tôi cũng là người đón nó từ nhà hộ sinh về. Rồi con Chè được một tháng, vài tháng tuổi, một năm, hơn năm, mẹ nó mắc việc, đi đâu, đều đưa nó sang gửi tôi.
Thế rồi thoáng cái, nó đã vào đại học, đã làm cô giáo lúc nào. Rồi lấy chồng, chồng nó cũng là giáo viên nhưng không dạy cùng trường với nó. Hai đứa sinh được thằng Ốc mít, tôi và bà nhà tôi lại bế, lại bồng con của chúng nó. Khi thằng Ốc mít được hơn một tuổi, bỗng một hôm con Chè mếu máo chạy lên nhà tôi: “Thằng bé bị ung thư máu mất rồi, ông bà ơi”.
Tôi rụng rời cả chân tay. Thằng bé đang như ngô, như ngỗng thế, tự dưng sao lại ra vậy! Rồi vợ chồng con Chè bươn bải như đầu cá úi suốt một năm trời, tiêu đến đồng tiền đi vay cuối cùng để chữa bệnh cho con, mà không khỏi. Chuyện gì đến đã đến. Những phút cuối, thằng Ốc mít đi…
Ở Viện nhi, nhìn cảnh con Chè bụng mang dạ chửa sụt sùi khóc mếu, không ai cầm lòng được. Cũng bởi, bác sỹ bảo: Nước cuối là phải có thai gấp, đẻ gấp, lấy tủy sống của đứa em ghép cho thằng anh, may ra cứu được… thế là, con cái Chè chưa kịp sinh em bé, thằng cu Ốc mít đã mất. Hiềm, trong lúc nhà có biến, hai vợ chồng nó lại đang bận học lên, lấy bằng Thạc sỹ.
Thế đấy, đứng trên bục giảng bây giờ không có kiến thức cao, làm sao mà làm thầy cho được. Chuyện nào ra chuyện ấy. Buồn, khổ, vất vả, cũng phải nén mà chịu, mà phấn đấu chứ. Đến giờ, tôi vẫn không lý giải được hai vợ chồng con Chè này, lấy sức lực ở đâu và chắt chiu tiền bạc từ đồng lương vài triệu mỗi đứa một tháng như thế nào để học, để mà tiến bộ vậy.
Còn hôm nay. Đúng rồi, chắc lại chuyện chia tay của bố mẹ chúng. Hai năm là bao biến cố. Vợ chồng anh bạn tôi, bố mẹ con Chè ấy, tự nhiên đưa nhau ra tòa ly dị. Đành rằng sống không hợp, ở hay không ở với nhau, giờ, cũng là chuyện thường thời nay, nhưng đang rối bao chuyện (còn vài việc không may, mất người trong họ nữa, tôi không tiện kể), xốc xới cả nhà lên.
Đã gắn bó đến đận có cháu cả rồi lại không chịu nhau, đưa nhau ra tòa đối đáp, rồi chia lìa, chia tài sản. Ôi, có lẽ cái sự suy nghĩ về hôn nhân, tôi không bao giờ tân tiến được. Mà tôi viết thế này, anh chị ấy đọc được, có trách giận tôi là đem chuyện nhà họ kể ra cho bàn dân thiên hạ biết. Có gì, hai bác tha lỗi cho tôi. Tôi viết là bởi vì tôi thương con cái Chè quá, thương chồng nó, thương cái con Ngan và cả thằng Ốc mít đã mất. Không nghĩ đến thì thôi, chứ nghĩ đến lòng tôi đau như có ai đang cầm dao khứa vào.
Nhưng hôm nay, thật may, không phải chuyện buồn mà là chuyện vui quá chừng. Hai vợ chồng con cái Chè gửi tôi trông con Ngan, xúng xính quần là áo lượt đi nhận bằng tốt nghiệp Thạc sỹ. Thảo nào mới sáng sớm tinh mơ, có con chim hoàng yến ở đâu bay về, cứ kêu chí chách, chí chách. Bế con cái Ngan đứng ở đầu hồi nhà, nhìn vợ chồng chúng nó đi ra cổng, nước mắt tôi chảy dài. Ai bảo ở cái thời không có chiến tranh này, cuộc sống của con, của cháu chúng ta không cam go sóng gió kia chứ.
Mã số: 148