Ác mộng lại hiện về

GD&TĐ - Sau những tín hiệu tích cực, làn sóng dịch bệnh mới lại đang xuất hiện trở lại tại nhiều nước châu Âu, khiến chính phủ phải áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi đó, việc tiêm chủng vắc-xin cũng đang gặp những trở ngại lớn do xuất hiện nhiều ca biến chứng sau tiêm.

Thủ tướng Italy Mario Draghi cuối tuần qua tuyên bố, nước này lại đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới sau hơn một năm chìm trong cuộc khủng hoảng sức khỏe trên toàn quốc. Trong những ngày gần đây, nước này ghi nhận tới gần 30 nghìn ca dương tính mới và gần 400 người tử vong mỗi ngày vì Covid-19. 

Tình hình mới buộc Italy phải áp dụng mọi biện pháp để ngăn cản việc trở thành tâm dịch của châu Âu như hồi đầu năm ngoái. Bắt đầu từ ngày 15/3, phần lớn các địa phương của Italy sẽ bị phong tỏa với quy định người dân chỉ được ra khỏi nhà trong những trường hợp thật sự cần thiết. Các cửa hàng, quán bar, nhà hàng bị đóng cửa như các lần phong tỏa trước đây.

Dịch bệnh tại Pháp cũng đang xấu đi tương tự, khiến Tổng thống Emmanuel Macron phải ban bố lệnh giới nghiêm và giãn cách xã hội tại một số khu vực. Chính phủ Pháp đang chịu sức ép từ giới chuyên gia y tế về việc đóng cửa biên giới để ngăn tình trạng lây nhiễm xấu thêm. Các nước châu Âu khác như Đức, Ba Lan, Hungary và Séc cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trở lại, báo hiệu làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ ba xuất hiện. 

Tại châu Á, quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ sau chuỗi ngày giảm ca mắc mới một cách đáng ngạc nhiên lại đang có diễn biến phức tạp hơn. Hôm 14/3, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục kể từ đầu năm với hơn 25.300 ca. Trong đó bang Maharashtra trở thành tâm dịch của đợt lây nhiễm này và đang phải áp dụng lệnh phong tỏa toàn bang.

Ấn Độ hiện là nước đứng thứ ba toàn cầu về số ca nhiễm Covid-19 với 11,36 triệu ca, chỉ xếp sau Mỹ và Brazil. Nước này cũng đang hy vọng vắc-xin sẽ giúp họ chiến thắng đại dịch và chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 được 1/5 trong số 1,3 tỷ dân của mình trước tháng 8 tới. Với hạ tầng và dân số quá lớn của Ấn Độ, kế hoạch tiêm chủng vắc-xin này thực sự là một thách thức.

Trong khi đó, nỗ lực tiêm chủng vắc-xin trên toàn cầu cũng đang gặp phải những khó khăn do lo ngại tác dụng phụ sau tiêm. Hà Lan vừa trở thành quốc gia mới nhất thông báo tạm ngưng sử dụng vắc-xin do hãng AstraZeneca sản xuất. Trước đó, các nước châu Âu như Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Italy và Romania cũng có động thái tương tự sau khi phát hiện một số trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin.

Vắc-xin do AstraZeneca sản xuất đang được cung ứng với số lượng lớn hàng đầu trên toàn cầu so với các loại vắc-xin khác. Do đó, quyết định tạm ngưng sử dụng chế phẩm phòng dịch này sẽ khiến chiến dịch tiêm chủng của thế giới bị chững lại đáng kể. Trong khi đó, cả hãng AstraZeneca và WHO đều tuyên bố không có bằng chứng nào về việc tăng nguy cơ đông máu sau khi tiêm chủng. 

Những diễn biến mới nhất cho thấy, đại dịch Covid-19 vẫn luôn tiềm ẩn sự phức tạp và rủi ro hơn so với sự tính toán của con người. Hàng loạt vắc-xin được đưa vào tiêm chủng đại trà đang là niềm hy vọng cho nhân loại chiến thắng đại dịch, nhưng con đường đến thời điểm cả thế giới trở lại bình thường vẫn còn vô số thách thức phía trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đoàn Thanh niên, sinh viên tình nguyện Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ tân sinh viên. Ảnh: NTCC

Đồng hành với tân sinh viên

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình, hoạt động, giúp tân sinh viên hòa nhập với môi trường học tập mới.

Microsoft Excel có thể ứng dụng thực tế vào nhiều ngành nghề khác nhau. Ảnh: ITN

Tiện nghi là số một!

GD&TĐ - Thân gửi bạn Microsoft Excel! Bạn là một phần mềm máy tính để xử lí dữ liệu một cách cực kì nhạy bén.