Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên báo Giáo dục & Thời đã đã có cuộc trò chuyện với thạc sỹ, ca sỹ Đào Tiến Lợi - giảng viên Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
* Từng là học sinh, sinh viên, nay là giảng viên của một trường đại học lớn, cảm xúc của thầy trong ngày 20/11 như thế nào?
- Thạc sỹ Đào Tiến Lợi: Có thể nói ngày 20/11 là ngày đặc biệt đối với tất cả những người làm nghề giáo, với bản thân tôi cũng vậy, được đón nhận những lời chúc mừng từ gia đình, bạn bè, người thân, phụ huynh và đặc biệt là các em sinh viên đã và đang học. Tôi rất vui và hạnh phúc trong ngày này và càng thấy vui và hạnh phúc hơn khi khi mình là một nhà giáo.
* Vào ngày 20/11, thầy thường có hoạt động gì để tri ân những người thầy của mình?
- Thạc sỹ Đào Tiến Lợi: Vào ngày 20/11, tôi thường nhận lời mời đi biểu diễn từ các trường học, bên cạnh đó tôi tổ chức biểu diễn một chương trình nghệ thuật tại Trung tâm Nghệ thuật S-Music để mời các thầy, cô đã từng dạy mình đến dự và tôn vinh các thầy, cô giáo đang dạy học tại đây.
Từ đó tuyên dương những học viên xuất sắc đạt giải thưởng cao qua các cuộc thi nghệ thuật và những em đã ôn thi tại S-Music trúng tuyển vào các trường âm nhạc.
Mỗi khi có chương biểu diễn, Đào Tiến Lợi luôn chỉn chu và hết mình với nhạc phẩm |
* Người thầy để lại nhiều ấn tượng nhất trong anh là ai và thầy đó có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của anh, đặc biệt là khi anh quyết định là giảng viên?
- Thạc sỹ Đào Tiến Lợi: Cảm ơn bạn đã hỏi một câu hỏi rất hay và ý nghĩa. Người thầy để lại ấn tượng và có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của mình đó là cố NSND Quý Dương – ông là tấm gương sáng trong giới nghệ sĩ lúc bấy giờ, nhắc đến ông người ta không chỉ ngợi ca về một giọng ca hàng đầu trong làng ca hát của Việt Nam cùng thời với NSND Trần Hiếu, Trung Kiên.
Không những thế ông còn có một nhân cách lớn của một nhà giáo. Phải nói là tôi có một may mắn đã được học ông trong suốt 7 năm tại Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện âm nhạc Quốc gia.
Thời tôi đang học ông có nhiều người bảo chất giọng và lối hát của mình ảnh hưởng và rất giống với NSND Qúy Dương. Có lẽ đúng bởi chất giọng của ông và mình đều là giọng Nam trung (Baritone), chính vì vậy tôi học ông có nhiều thuận lợi và ảnh hưởng từ ông không chỉ chất giọng hát mà đến bây giờ ảnh hưởng cả về phương pháp dạy học của ông.
* Được biết thầy từng đoạt giải Nhì Sao Mai 2005, với nhiều người đây là cơ hội để "nổi danh" theo con đường solo; vậy tại anh lại chọn làm nhà giáo?
- Thạc sỹ Đào Tiến Lợi: Thực ra tôi chọn làm thầy giáo không có nghĩa là tôi không đi diễn, tôi vẫn nhận lời mời đi diễn khi có chương trình phù hợp. Đối với mình nghề giáo thiêng liêng lắm! Trong xã hội có rất nhiều nghề nhưng chỉ có 2 nghề được gọi bằng Thầy, đó là: Thầy giáo và Thầy thuốc.
Tôi muốn mang những kiến thức, kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình để truyền lại cho các thế hệ học trò, được nhìn thấy họ trưởng thành để đóng góp cho gia đình, xã hội những con người có ích.
Trước khi đoạt giải Nhì Sao Mai năm 2005 tôi đã là ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc Công an Nhân dân, sau 10 năm ở đoàn tôi quyết định chuyển công tác về trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và chọn công việc giảng dạy. Bố tôi cũng là nhà giáo. Vì thế tôi đến với nghề nhà giáo bởi tôi yêu thích công việc này từ khi mình học tại trường.
Ca sỹ Đào Tiến Lợi cũng là một trong những nhà giáo, nghệ sỹ có nhiều chương trình thiện nguyện |
* Từ khi làm giảng viên, thầy cảm nhận như thế nào về nghề dạy học. Thầy có dự định thay đổi công việc của mình hay không?
- Thạc sỹ Đào Tiến Lợi: Cảm nhận đầu tiên của tôi khi dạy học trò đó là: Nghề dạy học quả là không ít những khó khăn nhưng cũng rất đỗi vinh dự, vinh quang.
Người thầy không chỉ truyền lửa cho các thế hệ học trò của mình về những kiến thức mà quan trọng hơn là dạy các em làm người. Trong quá trình dạy học của tôi, có nhiều em lười học, bỏ học, chơi bời, tôi đã phải trực tiếp gọi điện hỏi han tìm hiểu sau đó khuyên bảo để các em ý thức được việc học tập của mình.
Có nhiều em ở tỉnh xa học ôn tại Trung tâm S-Music khó khăn không đủ điều kiện kinh tế đê ôn thi vào các trường âm nhạc, bỏ học giữa chừng, tôi đã gọi điện tìm hiểu về hoàn cảnh; sau đó quyết định dạy miễn phí cho các em.
Rất vui mừng là các em đã trúng tuyển, có em thi đỗ cả 3 trường âm nhạc, hiện nay đang là những sinh viên có học lực tốt và có nhiều tiềm năng phát triển.
Với tôi, nghề dạy học thật hạnh phúc, vui nhất và hành phúc nhất là được nhìn thấy các thế hệ học trò của mình trưởng thành!. Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta có câu: "Không thầy, đố mày làm nên". Sẽ không có một xã hội tốt nếu không có những người thầy tốt!
Đây cũng chính là một trong những lý do chính để tôi quyết định lựa chọn nghề dạy học. Tôi thấy vui và hạnh phúc về quyết định của mình, nguyện gắn bó và dành tâm sức, trí tuệ với công việc mà mình đã lựa chọn.
Xin cảm ơn thầy!