Thầy giáo nhân tài “hai nhất”

GD&TĐ - Đó chính là thầy Đào Tiến Lợi - Giải Nhì Sao Mai 2005. Thầy chính là ca sỹ duy nhất và cũng là giảng viên duy nhất được vinh danh “Nhân tài đất Việt” thời kỳ đổi mới do Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực Việt Nam bình chọn năm 2015.

Thầy Đào Tiến Lợi (thứ 3 từ trái qua, hàng trên) tại lễ vinh danh Nhân tài đất Việt năm 2015
Thầy Đào Tiến Lợi (thứ 3 từ trái qua, hàng trên) tại lễ vinh danh Nhân tài đất Việt năm 2015

Truyền “lửa” âm nhạc qua môi trường sư phạm

Gặp thầy tại Chương trình Việt Nam đổi mới và phát triển, vinh danh nhà lãnh đạo tiêu biểu thời đại Hồ Chí Minh, Nhân tài đất Việt thời kỳ đổi mới do Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực Việt Nam tổ chức mới đây, chúng tôi mới hay thầy chính là giảng viên của Khoa Thanh nhạc (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương). Trước đó, thầy từng là ca sỹ chính của Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân.

Lý giải cho sự rẽ ngang này, thầy Lợi cho biết: “Tôi không học sư phạm nhưng tôi muốn truyền lửa cho các thế hệ đàn em niềm đam mê âm nhạc nói chung và nhạc thính phòng nói riêng một cách nghiêm túc và bài bản. 

Môi trường sư phạm chính là cơ hội để tôi thực hiện tâm nguyện này. Bởi qua môi trường sư phạm, các bạn trẻ sẽ có điều kiện tiếp cận nghệ thuật âm nhạc một cách bài bản, nghiêm túc, có học thuật. Như thế âm nhạc Việt Nam mới không bị biến tấu và lai căng.

Tài năng được phát hiện từ đám cưới quê

Thầy Đào Tiến Lợi đang hướng dẫn luyện thanh cho học viên

Thầy Đào Tiến Lợi đang hướng dẫn luyện thanh cho học viên

Qua tìm hiểu được biết, thầy Đào Tiến Lợi sinh năm 1979 và xuất thân trong một gia đình không ai theo nghệ thuật. Thầy cho biết, việc thầy theo nghệ thuật như một cơ duyên bởi trong nhà không ai định hướng, mà thầy tự lựa chọn con đường này cho mình. Điều đáng ngạc nhiên là, khả năng ca hát của thầy được “khai quật” từ những đám cưới ở làng quê nơi thầy sinh sống.

“Nhớ lại hồi còn nhỏ, lúc còn học cấp 2, đám cưới ở quê thường có nhạc sống để mọi người vui vẻ ca hát. Một lần có đám cưới ở bên nhà hàng xóm, mọi người khuyến khích mình lên hát, mình cũng lên. 

Sau đó mọi người thấy mình hát được thế là từ đó hễ trong làng có đám cưới là mọi người lại đề nghị mình hát, thậm chí có những đám cưới mình không quen biết gì nhưng cũng được mời đến hát. Cũng từ đó mà niềm đam mê âm nhạc của mình ngày càng tăng lên” – Thầy Lợi bộc bạch.

Thầy Lợi không chỉ được biết đến với tư cách là ca sỹ gắn liền với những ca khúc bất hủ như: “Người chiến sĩ ấy”; “Trường ca Sông Lô”; “Việt Nam trên đường chúng ta đi”; “Những thành phố bên bờ biển cả”, mà thầy còn là giảng viên nhiệt tình, năng động và rất có nghề sư phạm.
 Sau đó ở trường học, thầy cũng tham gia các phong trào văn nghệ. Lên đến THPT, thầy có tham gia cuộc thi “Tiếng hát học sinh, sinh viên” cấp tỉnh và đoạt giải Nhì. Hết THPT, đến lúc ôn thi đại học, theo định hướng của gia đình thầy ôn thi vào Trường Sỹ quan Lục quân I và Trường Đại học Nông nghiệp. 

“Gần đến ngày thi tôi tự hỏi: Tại sao mình không đi thi một trường học về âm nhạc để theo đuổi đam mê ca hát. Từ suy nghĩ đó tôi đã quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Thật may mắn tôi đã đạt được nguyện vọng để theo đuổi ước mơ ca hát của mình. Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của mình là danh hiệu giải Nhì “Sao Mai 2005” – thầy Lợi chia sẻ.

Đặc biệt, cũng từ sau danh hiệu giải Nhì “Sao Mai”, thầy Lợi đã trở thành giáo viên dạy thanh nhạc cho nhiều bạn trẻ. Cho đến bây giờ ngoài việc đi lưu diễn, giảng dạy tại trường, thầy vẫn thường xuyên hướng dẫn cho khoảng 20 bạn trẻ về thanh nhạc. 

“Tôi muốn truyền lửa cho các bạn ấy về tình yêu với âm nhạc nói chung và dòng nhạc truyền thống cách mạng nói riêng để làm sao Việt Nam của chúng ta sẽ liên tục có những thế hệ kế tiếp hát dòng nhạc này” – thầy Lợi trao đổi.

Vui vì học trò trưởng thành

Tuy nhiên, điều mà thầy Lợi cảm thấy vui và hãnh diện nhất đó là những lớp học sinh, sinh viên của mình ngày một trưởng thành và có niềm đam mê âm nhạc thực sự. Trong số những học trò mà thầy dạy đã từng hướng dẫn, giảng dạy; nhiều em đã có được những kết quả đáng tự hào. 

Tiêu biểu trong đó là em Nguyễn Đức Minh đã thi đỗ đồng thời vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (năm 2011). 

Đức Minh cũng là thí sinh lọt vào tốp 10 vòng chung kết cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc giải “Sao Mai”. Hay như em Đặng Đình Quỳnh – Thủ khoa Khoa thanh nhạc – Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm 2014 hoặc Nguyễn Như Ngọc và Phạm Văn Tùng thi đỗ cả Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân Đội và Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 2013; Đoàn Việt Anh – giải Nhất cuộc thi “Vũ điệu mùa xuân” năm 2015...

Được biết, hiện nay thầy Lợi còn là Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật S-Music chuyên đào tạo: Thanh nhạc, Piano, Organ, Guitar, Violon, Múa balle, Dance sport, Hội họa, Lý thuyết âm nhạc, Xướng âm, Thẩm âm – tiết tấu, Cảm thụ âm nhạc, Sáng tác, Hòa âm – Phối khí, MC, Ảo thuật.

Nói về dự định trong tương lai, thầy Lợi tâm sự: “Điều quan trọng nhất hiện nay đối với tôi đó là, tập trung làm tốt công việc giảng dạy ở nhà trường và điều hành trung tâm ngày càng phát triển. 

Ngoài ra, nếu có thời gian thì tôi sẽ nhận lời tham gia biểu diễn một số các chương trình nghệ thuật phù hợp. Việc tham gia biểu diễn cũng là dịp để tôi bổ sung thêm kinh nghiệm thực tế cho bản thân, từ đó hướng dẫn tốt hơn cho các em học sinh, sinh viên của mình cách làm chủ sân khấu, làm chủ giọng hát trước đông đảo khán giả và cũng là truyền lửa cho các em niềm đam mê ca hát” – Thầy Lợi cho biết.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ