“Sao Mai” Đào Tiến Lợi: Đam mê âm nhạc thính phòng

GD&TĐ - Giải Nhì “Sao Mai 2005” Đào Tiến Lợi gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân và truyền “lửa” cho các thế hệ đàn em niềm đam mê âm nhạc thính phòng. 

Ca sỹ Đào Tiến Lợi vinh dự đoạt giải Nhì “Sao Mai” năm 2005
Ca sỹ Đào Tiến Lợi vinh dự đoạt giải Nhì “Sao Mai” năm 2005

Nhân dịp đầu năm mới 2015, chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá thú vị chàng ca sỹ tuổi Mùi này.

Chào anh! Được biết năm 2015 sẽ là năm tuổi của anh, vậy anh có lo sợ điều này không?

- Có ai mà không sợ những điều xấu đến với mình và người thân đâu. Lợi cũng vậy, sợ những điều không tốt, không may mắn đến với bản thân và gia đình.

Lợi không phải là người mê tín, nhưng các cụ vẫn bảo: “có kiêng, có lành” vì thế, Lợi sẽ cùng với vợ con làm nhiều việc tốt, đi lễ chùa và thành tâm hướng về Phật để có thể giải hạn cho bản thân và cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc (cười).

Trong rất nhiều ca khúc về mùa Xuân, anh tự đánh giá mình thể hiện ca khúc nào là thành công nhất?

- Rất khó để trả lời ca bởi mỗi một ca khúc đều để lại cho Lợi những cảm xúc, những dấu ấn riêng. Tuy nhiên Lợi thích ca khúc “Đường tàu mùa Xuân” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuân. 

Đây là ca khúc mang lại cho Lợi rất nhiều cảm xúc nhất khi hát. Đường tàu được coi như sợi chỉ xuyên suốt dọc đất nước nối liền Bắc Trung Nam, thể hiện tình đoàn kết dân tộc, đúng như mong muốn của Bác Hồ, của Đảng. 

Đường tàu mùa xuân giống như là một chuyến tàu của cuộc đời mỗi con người khi bước vào ngưỡng cửa mùa xuân mới, với lời chúc cho một năm mới đầy may mắn, hạnh phúc và tăng tốc như những con tàu. Chính những điều ấy đã khiến Lợi hát tình cảm hơn và “chất” hơn rất nhiều.

Ca sỹ Đào Tiến Lợi đang hướng dẫn luyện thanh cho một bạn trẻ
 Ca sỹ Đào Tiến Lợi đang hướng dẫn luyện thanh cho một bạn trẻ

Được biết, trong nhà anh không có ai theo nghệ thuật, vậy ai là người phát hiện và định hướng cho anh theo nghiệp hát?

- Nói thật, Lợi theo nghệ thuật như một cơ duyên. Trong nhà Không ai định hướng cho Lợi mà tự mình lựa chọn con đường này. Tuy nhiên khả năng ca hát của Lợi được “khai quật” lại là từ những đám cưới ở làng quê nơi Lợi sinh sống. 

Nhớ lại hồi còn nhỏ, lúc đó Lợi học cấp 2, đám cưới ở quê thường có nhạc sống để mọi người vui vẻ hát hò. Một lần có đám cưới ở nhà hàng xóm, mọi người khuyến khích Lợi lên hát. Mình cũng lên. 

Sau đó mọi người thấy Lợi hát được thế là từ đó hễ trong làng có đám cưới là mọi người lại đề nghị Lợi hát, thậm chí có những đám cưới Lợi không quen biết gì nhưng cũng được mời đến hát. Cũng từ đó mà niềm đam mê âm nhạc trong Lợi ngày càng tăng lên.

Sau đó ở trường học, Lợi cũng tham gia các phong trào văn nghệ của trường. Đặc biệt, lên THPT Lợi có tham gia cuộc thi “Tiếng hát học sinh, sinh viên” cấp tỉnh và đoạt giải Nhì.

Hết THPT, đến lúc ôn thi đại học, theo định hướng của gia đình Lợi ôn thi vào Trường Sỹ quan Lục quân I và Trường Đại học Nông nghiệp. Gần đến ngày thi Lợi tự hỏi: Tại sao mình không đi thi một trường học về âm nhạc để theo đuổi đam mê ca hát. 

Từ suy nghĩ đó Lợi đã quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia. Thật may mắn Lợi đã đạt được nguyện vọng để theo đuổi ước mơ ca hát của mình.

Mặc dù nhà Lợi không có ai theo nghệ thuật, nhưng Lợi tự nhận thấy mình bị ảnh hưởng từ mẹ. Bởi từ nhỏ Lợi đã được nghe những câu hát ru của mẹ. Và cho đến tận bây giờ Lợi vẫn rất thích nghe lại những câu hát ru đó, nó thật ngọt ngào và ấm áp như lòng mẹ.

Danh hiệu giải Nhì cuộc thi “Tiếng hát truyền hình toàn quốc giải Sao Mai năm 2005” đã mang đến những thay đổi gì trong cuộc sống và sự nghiệp của anh?

- Nhiều lắm! Trước tiên là Lợi được nhiều người biết đến hơn và nhận được nhiều tình cảm yêu mến của mọi người.

Cùng từ sau giải “Sao Mai” Lợi đã trưởng thành hơn, cách hát cũng tinh tế hơn trước rất nhiều. Và đặc biệt Lợi đã nhận được rất nhiều lời mời từ các chương trình, sự kiện.

Cũng từ sau danh hiệu “Sao Mai” mà Lợi đã trở thành thầy giáo dạy thanh nhạc cho nhiều bạn trẻ. Cho đến bây giờ ngoài việc đi lưu diễn, Lợi vẫn hướng dẫn cho khoảng 20 bạn trẻ. 

Lợi muốn truyền lửa cho các bạn ấy về tình yêu với âm nhạc nói chung và dòng nhạc truyền thống cách mạng nói riêng để làm sao sẽ có liên tục những thế hệ kế tiếp hát dòng nhạc này.

Công việc của anh khá bận rộn, vậy anh xắp xếp thời gian cho gia đình như thế nào?

- Đúng là hiện nay công việc của Lợi quá bận nên ít có thời gian dành cho gia đình hơn trước. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, Lợi cũng là người của gia đình. Vào những ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật nếu được ở nhà Lợi sẵn sàng giúp đỡ vợ con từ việc nấu cơm cho đến giặt quần áo, rửa bát…

Rất nhiều ca sỹ khi có được một chút thanh công thường chuyển sang hát solo. Vậy anh đã bao giờ có ý định rời Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân để đi hát solo hay không?

- Thú thật là ngày trước Lợi cũng đã có những ý định đó. Lúc bấy giờ suy nghĩ của Lợi còn quá đơn giản là ra ngoài để được tung tẩy, để có nhiều cơ hội phát triển.

Thế nhưng giờ mới thấy, còn vinh dự nào hơn khi mình vừa là một ca sỹ mà lại vừa là một chiến sỹ công an.

Lợi sẽ mãi gắn bó với Đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân, đó là mới chính là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc, là căn nhà giúp Lợi trưởng thành và là bệ phóng để Lợi tiếp tục thực hiện ước mơ ca hát của mình.

Bước sang năm 2015, anh có dự định gì cho con đường âm nhạc của mình?

- Năm nay Lợi đang ấp ủ một dự định lớn đó là: Có được một đứa con tinh thần bằng một sản phẩm âm nhạc đánh dấu 10 năm ca hát kể từ ngày đoạt giải “Sao Mai” năm 2005. Hy vọng sản phẩm Lợi sẽ được mọi người đón nhận.

* Xin cảm ơn anh!

Ca sỹ Đào Tiến Lợi sinh năm 1979, sở hữu chất giọng nam trung giàu cảm xúc. Những ca khúc kinh điển và “đóng dấu thương hiệu” của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: “Người chiến sĩ ấy”, “Trường ca Sông Lô”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi” và “Những thành phố bên bờ biển cả” đã được anh thổi vào đó cảm xúc, sức trẻ của một thế hệ mới và đã được giới nghệ thuật đánh giá cao về chuyên môn kỹ thuật. Những ca khúc đó cũng đã gắn liền với tên tuổi của anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Gaza tự học giữa đống đổ nát.

Một năm học 'trắng' tại Gaza

GD&TĐ - Trước các cuộc không kích và ném bom, trẻ em tại dải Gaza không thể đến trường khi năm học mới bắt đầu.