Á - Âu ngược chiều đại dịch

GD&TĐ - Tình hình đại dịch nghiêm trọng khiến châu Á như ngồi trên đống lửa, đẩy hệ thống y tế nhiều nước đến bên bờ sụp đổ, đặc biệt là tại khu vực Nam Á đông đúc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi nhiều nước châu Á đang chìm sâu trong làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch thì các nước châu Âu lại lần lượt từng bước mở cửa trở lại bình thường, trong đó Nga có thể tự tin tổ chức lễ duyệt binh quy tụ hàng chục nghìn người trên quảng trường mà không cần đeo khẩu trang.

Ổ dịch lớn nhất châu Á và cũng là của cả thế giới hiện nay là Ấn Độ hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau vài tuần. Theo WHO, trong một tuần qua số ca mắc mới của nước này đã chiếm một nửa của cả thế giới và số ca tử vong chiếm một phần tư toàn cầu. Hiện mỗi ngày Ấn Độ vẫn duy trì trên dưới 400 nghìn ca mắc mới và khoảng 4.000 người tử vong.

Hầu hết các nước láng giềng của Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka và Bangladesh cũng đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao chưa từng thấy. Trong số này nặng nhất là Nepal, được dự đoán sẽ trở thành “Ấn Độ thứ hai”.

Các chỉ số thống kê về ca nhiễm mới, ca tử vong tại đây đang lặp lại những gì xảy ra tại Ấn Độ vài tuần trước.

Ngoài khu vực Nam Á, “cơn bão Covid-19” cũng đang tàn phá Đông Nam Á khiến nhiều quốc gia trong khu vực ghi nhận những kỷ lục đáng buồn.

Ổ dịch lớn nhất khu vực hiện vẫn là Indonesia với trung bình khoảng 5.000 ca nhiễm mỗi ngày. Tại các nước khác như Philippines, Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam cũng đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại của diễn biến dịch, các nước châu Âu dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và đang bắt đầu mở cửa trở lại mọi hoạt động bình thường sau một thời gian dài phong tỏa.

Tại Tây Ban Nha hôm 10/5, người dân ào ra đường ăn mừng kết thúc lệnh giới nghiêm kéo dài 6 tháng, gợi nhớ hình ảnh tương tự diễn ra tại Anh hồi tháng trước.

Hàng trăm nghìn người đã đổ tới các bãi biển ở Barcelona và trên đường phố Madrid để nhảy múa và tiệc tùng như chưa từng bao giờ được tổ chức.

Cũng giống như tại Anh, việc Tây Ban Nha có thể dỡ bỏ lệnh giới nghiêm áp đặt từ tháng 10/2020 là nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao và số ca mắc mới giảm mạnh. Hiện có gần 28% người dân Tây Ban Nha, tương đương 13,3 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin ngừa Covid-19 và 12% dân số đã tiêm đầy đủ hai liều.

Một hình ảnh mang tính biểu tượng cho việc cuộc sống dần trở lại bình thường tại châu Âu là lễ duyệt binh hoàng tráng tại thủ đô Moscow của Nga hôm 9/5.

Hơn 12,500 binh sĩ đã tham gia sự kiện kỷ niệm 76 năm chiến thắng phát xít Đức. Tất cả binh sĩ cùng hàng nghìn quan khách đều không ai phải đeo khẩu trang, như thể Covid-19 chưa từng xuất hiện.

Nga từng là một trong những ổ dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất thế giới, nhưng hiện đã được cải thiện rõ rệt.

Một trong những nguyên nhân quan trọng là do Nga tự chủ động được nguồn cung vắc-xin với Sputnik V đã được hơn 50 nước phê duyệt, trong đó có Việt Nam.

Vắc-xin do Viện Gamaleya phát triển này hiện đứng thứ hai thế giới về số nước phê chuẩn, với tổng dân số gần 1,5 tỷ người.

Những diễn biến dịch trái ngược giữa châu Âu và châu Á hiện nay càng cho thấy vắc-xin là thứ vũ khí duy nhất nhân loại hiện có để có thể chủ động chuyển từ “phòng” sang “chống” dịch một cách hiệu quả.

Trong khi đó, giới chuyên gia y tế dự đoán, Covid-19 sẽ tiếp tục lan rộng khắp thế giới cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng vào khoảng giữa năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi trò chuyện với Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái). Ảnh: Minh Thu

Làm đẹp thêm hình ảnh người thầy

GD&TĐ - Bão số 3 và hoàn lưu bão đã qua nhưng hậu quả vẫn hiện diện ở nhiều địa phương, trong mỗi trường học và tâm trí của thầy trò. 

Minh họa/INT

Chỉ sợ lở núi

GD&TĐ - Bão thì còn dự báo đường đi và mức độ nguy hiểm của nó để mà tránh chứ sạt lở núi thì không biết đường nào mà lần.

Hơn 42 nghìn ứng viên trúng tuyển nhưng bỏ nhập học tại Anh.

Hơn 42 nghìn người bỏ nhập học tại Anh

GD&TĐ - Theo dữ liệu của Dịch vụ Tuyển sinh đại học và cao đẳng Anh (UCAS), hơn 42 nghìn ứng viên đỗ đại học nhưng bỏ nhập học trong kì tuyển sinh năm nay.