Trang Health đề nghị 9 thay đổi trong thói quen ăn uống:
Ăn theo sở thích
Hãy ăn tất cả những thứ mà bạn thích nhưng điều cốt yếu là ăn với lượng nhỏ, chị Elisa Zied chia sẻ kinh nghiệm của bản thân sau khi giảm được gần 15 kg. Theo Elisa, đây là thay đổi số một khi cố gắng duy trì cân nặng hợp lý.
“Tôi không muốn cảm thấy khổ sở như những lần cố gắng giảm cân trước đó khi phải cố gắng nhịn ăn”, Elisa nói.
Luôn có kế hoạch
Khi đói và mọi thứ đều nhìn có vẻ ngon, bạn rất dễ sa đà vào các món ăn trong menu của nhà hàng. Tuy nhiên, hãy gọi những món bạn thích và chú ý cân bằng dinh dưỡng với các bữa khác trong ngày. Ví dụ nếu bạn dự định đi ăn hàng vào bữa tối với món bít tết và khoai tây thì hãy ăn nhẹ vào bữa trưa với thịt và tinh bột.
Hãy chắc chắn rằng bạn không quên những thực phẩm tốt cho sức khỏe như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, quả, các loại hạt trong các bữa ăn chính và nhẹ trong ngày. Bằng cách này món bít tết sẽ không xáo trộn gì nhiều với chế độ ăn mà bạn vẫn cảm thấy vui vẻ.
Bỏ qua việc tính toán lượng kcal
Hãy quên việc chú ý đến tính toán số năng lượng mà thực phẩm cung cấp, thay vào đó bạn hãy chọn những loại tốt cho sức khỏe. Những thực phẩm giàu dinh dưỡng, khỏe mạnh sẽ giúp bạn không nhanh bị đói, duy trì lượng đường trong máu ổn định, hạn chế tối đa cảm giác thèm ăn... Điều này cũng sẽ giúp bạn đỡ phải đau đầu khi tính toán lượng kcal.
Đừng chọn những món ăn tẻ nhạt
Các nhà dinh dưỡng luôn khuyên bạn hãy ăn nhiều rau hơn nữa vì thế hãy chế biến chúng thật ngon. Ilyse Schapiro, chuyên gia dinh dưỡng ở New York, Mỹ, chia sẻ, nếu chỉ có món rau luộc thì sẽ rất nhàm chán, vì thế bạn hãy cố gắng kết hợp với nhiều hương vị khác nhau như phi với dầu ô liu và tỏi hoặc rưới dầu ô liu lên rau trước khi cho vào lò vi sóng trộn cùng với muối, tiêu và bột tỏi. Nhờ đó, bạn có thể thưởng thức món ăn lành mạnh mà không vô vị.
Chuẩn bị và lưu trữ
Ngay khi mua rau quả về, bạn nên nhặt sạch và sau đó cho vào bảo quản trong tủ lạnh. Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc bạn dành nhiều thời gian vào công đoạn chuẩn bị thức ăn có liên quan đến thói quen ăn uống tốt hơn. Vấn đề ở đây là sự tiện lợi.
Nếu mọi thứ đã chuẩn bị sẵn, chỉ cần lấy ra và chế biến; nếu không bạn sẽ thấy lười, ngại làm. Tuy nhiên lưu ý là bạn không nên mua quá nhiều, lưu trữ lâu vì nó làm mất chất thực phẩm.
Ăn trưa như một vị vua
Nhiều lời khuyên về việc bữa sáng nên là bữa ăn to nhất trong ngày, tuy nhiên bạn có thể không cảm thấy đói khi thức dậy. Thực chất, bữa ăn nhiều nhất trong ngày nên vào thời điểm gần trưa khi hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất, bạn thực sự cảm thấy cơ thể cần được nạp “nhiên liệu”.
Điều đó có nghĩa bạn không nên ăn quá nhiều vào buổi tối vì chỉ có ngồi ăn, xem tivi hoặc đọc sách và sau đó đi ngủ. Vào bữa trưa, bạn hãy chú ý đến protein và rau xanh như một bát súp đậu lăng và salad cải xoăn.
Bỏ mặc cảm tội lỗi khi ăn
Nhiều người trước khi ăn món gì đều cân nhắc xem có cung cấp bao nhiêu kcal, nó có thể khiến mình tăng cân, rồi cần tập luyện bao nhiêu để tiêu hao hết số năng lượng đó… Tuy nhiên điều này vô tình có thể khiến bạn ăn nhiều hơn, vì thế hãy nghĩ ăn là một niềm vui. Điều đó sẽ giúp bạn kiểm soát được khẩu phần ăn, tránh tăng cân, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Appetite.
Ăn chế độ “cầu vồng”
Chế độ ăn “cầu vồng” với các thực phẩm đa dạng màu xanh của rau, màu đỏ của thịt, màu vàng của củ, quả... là rất cần thiết. Nó giúp bạn chống lại bệnh tật, giảm ăn các thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Nhiên cứu chi ra rằng ăn nhiều rau không làm tăng lượng kcal của khẩu phần.
Ăn theo quy tắc 80-20
Có hai cách hiểu với quy tắc này. Thứ nhất là 80% thời gian, bạn hãy giành ăn thực phẩm tốt cho sức khỏe, còn lại 20% hãy ăn thật tưng bừng, chẳng hạn ăn uống thả phanh vào cuối tuần.
Cách hiểu thứ 2 là dừng ăn khi bạn đã cảm thấy nó 80%. Điều đó có nghĩa là bạn hãy ăn chậm và lắng nghe cơ thể mình khi nó báo hiệu đã gần no. Đồ ăn không còn ngon như lúc đầu bữa ăn? Suy nghĩ này sẽ giúp bạn không ăn quá nhiều.