84% giáo viên tiếng Anh đạt yêu cầu để triển khai chương trình ngoại ngữ mới

GD&TĐ - Đến năm học 2022-2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình mới là 84%.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 27/12, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức Hội thảo công bố báo cáo thường niên 2023 với chủ đề “Dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đại diện Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các trường đại học, tổ chức trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết: 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy - học Ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển nhanh, đặc biệt ở các vùng, miền có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cùng với việc phát triển về quy mô, chất lượng trong việc dạy và học cũng tăng lên, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú trong cách tiếp cận của người học, người dạy.

GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Theo GS.TS Lê Anh Vinh, mặc dù được quan tâm, chú trọng nhưng trong quá trình triển khai, việc dạy - học Ngoại ngữ tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: nhận thức người dạy, học; khó khăn về thiếu giáo viên và chất lượng đội ngũ giảng dạy; hạn chế tiếp cận do vùng miền; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học…

Do đó, ngoài Công bố báo cáo thường niên 2023 với chủ đề “Dạy và học Ngoại ngữ tại Việt Nam”, hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo góp ý, trao đổi ý kiến, nêu các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, nâng cao chất lượng, quy mô cho việc triển khai dạy, học Ngoại ngữ ở các cấp học tại Việt Nam.

Theo báo cáo thường niên 2023 về “Dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam”, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành việc xây dựng, ban hành chương trình các môn ngoại ngữ theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Các địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh ngày càng tăng. Đến năm học 2022-2023, có 53/63 địa phương triển khai.

Căn cứ kết quả rà soát, đánh giá năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông và kết quả hoạt động bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh các cấp tại các địa phương cho biết, đến năm học 2022-2023, số giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới là 84%; trong đó cấp tiểu học là 84%, THCS là 87%, THPT là 77%.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Để đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới môn tiếng Anh, giáo viên các cấp học phổ thông được tham gia các khóa bồi dưỡng về năng lực sư phạm giảng dạy như: phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ trong dạy học ngoại ngữ, xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ... Đến năm học 2022-2023, hầu hết các giáo viên tiếng Anh cả nước đã được tham gia các khóa bồi dưỡng này tại địa phương.

Việc khảo sát kết quả và trải nghiệm học tập của học sinh đối với môn Ngoại ngữ cho thấy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã khơi gợi được cho học sinh sự hứng thú. Hầu hết học sinh thích thú với giờ học tiếng Anh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Đây cũng là nhận định của nhiều giáo viên bộ môn này.

Theo báo cáo, nhiều phương pháp đã được sử dụng kết hợp trong giảng dạy - học tập môn tiếng Anh. Giáo viên đã sử dụng phương pháp dạy học đa dạng ở mức cao và rất cao. Kết quả cho thấy, sự khác biệt nhỏ giữa các trường về mức độ đa dạng cao của phương pháp đã được sử dụng trong dạy và học ngoại ngữ.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia công bố Báo cáo thường niên 2023.

TS Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia công bố Báo cáo thường niên 2023.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, thầy, cô giáo đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến phát triển chất lượng, quy mô dạy, học Ngoại ngữ tại Việt Nam như: giải bài toán thiếu giáo viên dạy tiếng Anh tại các địa phương, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong các cơ sở giáo dục; tích hợp giáo dục công dân toàn cầu trong việc triển khai dạy và học Ngoại ngữ; sử dụng công nghệ trong dạy - học Ngoại ngữ và bối cảnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.