Dưới đây là những sai lầm mẹ cần bỏ ngay để không gây hại cho sức khỏe con:
Ngày nào cũng tắm “cho sạch”
Mẹ không nhất thiết phải tắm cho bé hàng ngày, nhất là những hôm trời trở lạnh do trẻ không phải làm việc như người lớn, cơ thể chỉ bị ít cáu bẩn. Mẹ chỉ cần vệ sinh sinh hàng ngày cho trẻ với nước ấm, đặc biệt chú ý vệ sinh và lau khô phần cơ thể từ dưới rốn tới chân.
Gội đầu cho bé trước tiên
Nhiều mẹ có thói quen gội đầu trước rồi mới bắt đầu tắm cho bé. Tuy nhiên, mẹ cần gội đầu cho bé sau khi đã vệ sinh mặt để não bộ kịp tiếp nhận và thích ứng với những thay đổi của cơ thể. Sau khi gội đầu xong, mẹ cũng phải lau khô đầu ngay, tránh để nước vào tai bé.
Kiêng tắm hoàn toàn khi trẻ bị sốt
Đây cũng là một sai lầm thường gặp của các bệnh phụ huynh. Khi trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh bị sốt thì việc đầu tiên bố mẹ cần làm là đưa bé tới bệnh viện để các bác sỹ thăm khám và đưa ra nguyên nhân chính xác. Còn việc tắm cho bé thì bố mẹ có thể yên tâm sẽ không gây nguy hiểm ngược lại còn giúp giảm nhiệt độ cơ thể khi bé bị sốt cao.
Khi bé sốt, bạn hãy cặp nhiệt độ cho trẻ, sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu. Nhiệt độ của nước tắm phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và trong quá trình tắm bạn cũng phải đảm bảo được điều này. Nếu lạnh quá bé sẽ bị sốc nhiệt. Ví dụ nhiệt độ khi bé sốt là 39 độ thì bạn hãy pha nước ở mức 37 độ. Bạn có thể tắm nhanh trong khoảng 5 phút. Sau rồi hãy lau thật khô người bé và mặc quần áo thông thoáng.
Không chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết trước khi tắm bé
Đồ dùng tắm bé không đơn giản như người lớn và sức khỏe của con còn rất non nớt. Vì thế, mẹ phải biết và chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết trước khi tắm cho bé. Tuyệt đối không được “chạy đi, chạy lại” khi đang tắm.
Các vật dụng cơ bản khi tắm bé: chậu dài, chậu tròn, sữa tắm, dầu gội, khăn tắm, khăn sữa, tã giấy, quần áo, bao tay, bao chân, dụng cụ vệ sinh: gạc, bông, tăm,…
Tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh
Tắm nước quá nóng hay quá lạnh cho bé vào bất kể mùa nào cũng đều có hại cho làn da mỏng manh của con. Khi pha nước tắm, mẹ cũng nên cho nước lạnh vào trước rồi từ từ cho thêm nước nóng đến khi đủ độ ấm. Mẹ có thể dùng khuỷu tay hoặc cổ tay để cảm nhận nhiệt độ nước có thích hợp không hoặc chính xác hơn có thể dùng nhiệt kế. Nên để nước tắm bé ở khoảng 37 – 38 độ C.
Tắm cho bé nơi thoáng gió
Nhiều mẹ chủ quan nghĩ thời tiết không lạnh thì có thể tắm bé ở phòng rộng cho “thoáng”. Các bác sĩ nhi khoa cho biết tắm trẻ sơ sinh trong không gian thoáng gió chính là một sai lầm lớn của mẹ. Trẻ có thể bị lạnh và dễ bị cảm ngay cả trong mùa hè nên mẹ phải hết sức cẩn thận.
Làm ướt rốn bé khi tắm
Rốn là bộ phận nhạy cảm nhất ở trẻ sơ sinh, thời gian rụng rốn của bé là từ 1 tới 3 tuần. Trong thời gian này mẹ nên chú ý không được để nước dính vào cuống rốn của trẻ, khi đó trẻ có thể bị nhiễm trùng, rất nguy hiểm. Nếu không may dính nước mẹ cần phải lau kỹ bằng bông hoặc vải sạch. Mẹ phải vệ sinh rốn cho trẻ mỗi ngày bằng dung dịch riêng biệt, tuyệt đối không kỳ cọ, móc chất bẩn ở rốn bé, rất dễ gây ra tổn thương nghiêm trọng.
Thời gian tắm cho bé quá muộn
Các mẹ vẫn giữ thói quen tắm cho con muộn sau 4 giờ chiều, kể cả khi trời lạnh vì suy nghĩ nếu tắm muộn sẽ khiến con sạch sẽ nhất. Nhưng thực tế, thời gian lý tưởng nhất mẹ nên tắm cho bé là từ sau 14h đến trước 16h chiều mỗi ngày.
Quy trình tắm bé chuẩn
Dưới đây là quy trình tắm bé chuẩn được khuyến cáo bởi Bộ Y tế
Bước 1: Cởi bỏ quần áo của trẻ rồi quấn lên người trẻ 1 chiếc khăn tắm
Bước 2: Bế trẻ lên đúng tư thế: cánh tay đỡ lưng, bàn tay đỡ đầu
Bước 3: Tiến hành rửa mặt cho bé theo thứ tự: mắt, mũi, tai, mồm
Bước 4: Gội đầu cho bé: làm ướt tóc, xoa dầu gội đầu chuyên dụng, xoa từ trước ra sau đầu rồi rửa sạch, lau khô
Bước 5: Tiến hành tắm bé theo thứ tự: Cổ -> nách, cánh tay -> Lưng, mông, chân -> Bộ phận sinh dục
Bước 6: Lau khô toàn thân. Mặc quần áo, quấn tã cho trẻ để giữ ấm
Bước 7: Chăm sóc nếu rốn chưa rụng
Bước 8: Đặt trẻ lên giường và ủ ấm
Lưu ý trước khi tắm bé phải rửa sạch tay và tắm theo trình tự: vùng sạch trước, vùng bẩn sau.
Những sai lầm khi tắm bé ở trên có thể gặp ở bất cứ mẹ nào, nhất là với những ai mới lần đầu làm mẹ. Đôi khi các mẹ nắm rất chắc lý thuyết nhưng lại lúng túng trong việc thực hành. Nhưng hiện nay, các mẹ hoàn toàn có thể “học” và thực hành trước kỹ năng tắm bé trước khi sinh để đảm bảo đúng quy trình tốt nhất cho con.