8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

8 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

(GD&TĐ) - Trong 2 ngày 01 và 02/6, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2011. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đã tập trung đánh giá về tình hình kinh tế xã hội đất nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011; bàn về định hướng phát triển kinh tế xã hội thời gian tới và nhất là đặt ra mục tiêu thiết thực phát triển kinh tế xã hội của năm 2011; tình hình thực hiện các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ-CP cùng các vấn đề trọng tâm khác của quốc gia.

Chiều 3/6, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thông báo một số nội dung chủ yếu của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2011.        

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu (người đứng, bên trái) trao đổi với báo chí về tình hình thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước tại buổi họp báo. Ảnh: Khánh Sơn
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu (người đứng, bên trái) trao đổi với báo chí về tình hình thị trường tiền tệ và ngoại hối trong nước tại buổi họp báo. Ảnh: Khánh Sơn

GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,6%

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội đất nước 5 tháng đầu năm 2011 cho thấy trong 5 tháng qua, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 227,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm; tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 299,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% dự toán năm. Tổng đầu tư phát triển xã hội trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 450 nghìn tỷ đồng. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng thực hiện đạt 5,1 tỷ USD, bằng 94%, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 8 tỷ USD, bằng 95% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt trên 762,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ năm trước. Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 1,59% so với cuối năm 2010 (tính đến 20/5).

Kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2011 ước đạt 34, tỷ USD, tăng 32,8% so cùng kỳ, gấp 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 41,3 tỷ USD, tăng 29,7% so cùng kỳ. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, các chính sách mục tiêu, hỗ trợ lương thực cho người dân các vùng khó khăn được đẩy mạnh. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng chống tham nhũng tiếp tục có những kết quả tích cực.

Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 5 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,21% so với tháng trước. Như vậy, so với tháng 12 năm 2011, CPI tháng 5 đã tăng 12,07%; so với cùng kỳ năm 2010 tăng 19,78%; và bình quân 5 tháng đầu năm 2011 cũng đã tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2010. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPI tháng 6 này sẽ tăng khoảng dưới 1% so với tháng 5 vừa qua. Báo cáo cũng cho biết tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 5,6%, trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,9%, công nghiệp xây dựng tăng 6,6%, dịch vụ tăng 6,3%.

Phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2011


Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau khi nghe những báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011, các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích và đánh giá những kết quả đã đạt được là khá tích cực, nhất là trong bối cảnh chung kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nhiều quốc gia lạm phát cao, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa, tình hình an ninh chính trị thế giới diễn biến phức tạp.

Theo nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp, những kết quả đạt được thời gian qua của kinh tế - xã hội nước nhà có thể thấy rõ trong bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, với việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, quản lý được thị trường ngoại tệ, vàng, thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, giữ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ, đảm bảo tốt hơn cán cân thanh toán, cắt giảm đầu tư công mạnh mẽ, góp phần ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý hàng loạt vấn đề nổi lên, đang là thách thức to lớn trong công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Đó là chỉ số lạm phát có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn cao; nhập siêu còn lớn, làm sao tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo đời sống người nghèo, thu nhập thấp, lao động phổ thông và các khu vực khó khăn. Thủ tướng chỉ rõ bài toán bao trùm lên tất cả là vừa phải mạnh mẽ cắt giảm đầu tư, bình ổn thị trường, kiểm soát tăng trưởng tín dụng, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng, ổn định các cán cân vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết tại phiên họp thường kỳ, sau khi xem xét, đánh giá về tinh hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2011, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và tán thành với Hội đồng tài chính tiền tệ quốc gia về  mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2011, trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6%, kiềm chế tăng chỉ số CPI ở mức khoảng 15%, giảm bội chi ngân sách nhà nước dưới 5%, nhập siêu không quá 16% kim ngạch xuất khẩu, tiết kiệm chi 10%. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhìn nhận đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng phải kiên quyết và kiên trì thực hiện, coi đây là mục tiêu bao trùm để tập trung chỉ đạo, điều hành từ nay đến cuối năm.

8 nhóm giải pháp ưu tiên để phát triển

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2011, phát biểu kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quán triệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung vào 8 nhóm giải pháp ưu tiên sau đây:

Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên cho sản xuất. Chú ý kiểm soát nợ xấu ngân hàng, nhất là nợ xấu liên quan tới bất động sản. Điều hành lãi suất theo mục tiêu kiềm chế CPI dưới 15%. Tiếp tục kiểm soát chặt và quản lý được tỷ giá ngoại tệ và vàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15-16%.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ giá cả, không để thiếu hàng, ngăn chặn đầu cơ. Đặc biệt giá các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm đầu vào của nền kinh tế điều hành theo nguyên tắc thị trường, điều chỉnh phù hợp với từng thời điểm, giai đoạn theo đúng mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, điều hành các chính sách thu, chi NSNN theo hướng giảm bội chi, tiết kiệm chi thường xuyên, bên cạnh đó đảm bảo thực hiện  an sinh xã hội.

Thứ tư
, thực hiện kiểm soát, hạn chế nhập siêu, có các chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ.

Thứ năm, tiếp tục cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công, tập trung vốn cho các dự án, công trình cấp bách, thiết yếu, trên cơ sở xem xét, giải quyết từng dự án cụ thể, ưu tiên dự án phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, quốc phòng an ninh. Tiếp tục tháo gỡ thủ tục, tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ sáu
, quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, xem xét tiếp tục cải cách tiền lương, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng người nghèo, gia đình chính sách, sinh viên.

Thứ bảy, tăng cường công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.

Thứ tám, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận ở mọi cấp, mọi ngành nỗ lực vượt khó khăn, đạt mục tiêu đã đề ra, thông tin đầy đủ những vấn đề xã hội, dư luận quan tâm.

Tại buổi họp báo, các nhà báo cũng đã được nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu trao đổi về tình hình thị trường tiền tệ, về các chính sách, điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước đối tới tỷ giá ngoại tệ, huy động và dự trữ ngoại tệ…; Bộ trưởng Bộ NN&TPNN Cao Đức Phát trao đổi về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu nông thuỷ sản…; Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên trao đổi về tình hình xuất nhập khẩu, trong đó đặc biệt “nóng” là vấn đề nhập siêu và xung quanh việc thực hiện Quyết định 24 của Thủ tướng về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường… 

Cũng trong phiên họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã nghe, thảo luận dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; tổng kết Dự án 5 triệu ha rừng, Chương trình bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020…

 Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.