Loài sứa lớp thủy tức có tên khoa học Turritopsis nutricula có khả năng quay ngược vòng đời từ thời kỳ trưởng trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào, từ đó tiếp tục phát triển. Chính nhờ khả năng này mà vòng đời của chúng lặp lại liên tục, khiến sứa lớp thủy tức trở thành loài bất tử duy nhất trên trái đất mà con người từng biết đến. Theo những nhà khoa học, vì bất tử nên loài sứa lớp thủy tức có nguồn gốc ở biển Caribe này đã lặng lẽ xâm lấn khắp thế giới. |
Đom đóm hay bọ phát sáng là những loài côn trùng cánh cứng nhỏ được gọi chung là họ đom đóm (Lampyridae) có khả năng phát quang. Chúng là động vật tiêu biểu cho vùng ôn đới mặc dù phần lớn các loài sống ở vùng nhiệt và cận nhiệt đới. Loài này hoạt động về ban đêm. Người ta cho rằng, ánh sáng giữ vai trò quan trọng trong tập tính sinh sản của chúng với mục đích hấp dẫn con khác giới. Tuy nhiên, ở ấu trùng thì sự phát sáng nhằm mục đích cảnh báo các động vật ăn thịt là chủ yếu, do ấu trùng đom đóm chứa các hóa chất có mùi vị khó chịu và có thể là độc đối với các động vật ăn thịt khác. Sự phát sáng ở đom đóm là nhờ một loại phản ứng hóa học gọi là biolumiescence (ánh sáng sinh học). Tiến trình này xảy ra trong cơ quan phát sáng chuyên biệt, thường nằm ở dưới bụng đom đóm. |
Nhông cát trinh sản là một loài thằn lằn thuộc chi Leiolepis, thường gọi chung là nhông cát. Trong thiên nhiên, Leiolepis ngovantrii là một quần thể chỉ toàn con cái nên loài nhông này còn gọi là nhông cát vô tính. Đây là loài thằn lằn có khả năng trinh sản, có nghĩa là chỉ có một cá thể mẹ (không cần con đực, bố) là có thể sinh sản được. Các con cái tự rụng trứng và tự phát triển thành dòng vô tính để cho ra đời những con thằn lằn con. |
Cá Hề thuộc nhóm cá lưỡng tính với giới tính đực có trước. Điều này có nghĩa là tất cả các cá Hề nhỏ đều là con đực, đến một kích thước nào đó và gặp điều kiện thích hợp thì chúng sẽ chuyển giới tính thành cá cái. Cụ thể, khi con cái chết hoặc biến mất vì lý do nào đó, con đực lớn nhất trong đàn sẽ chuyển đổi giới tính để biến thành con cái và lên ngôi “nữ hoàng”. Con đực lớn thứ 2 sẽ nhanh chóng phát triển thành con đực thành thục sinh dục để thành cặp với con cái mới. |
Lươn điện là loài động vật dưới nước thuộc nhóm cá chình điện. Cơ thể của chúng có thể phát ra điện thế lên tới 650 V và có thể đoạt mạng người. Các vụ tử vong liên quan đến lươn điện chủ yếu xảy ra do các nạn nhân không biết bơi. Lươn điện sử dụng vũ khí lợi hại của chúng để giết mồi. |
Cá voi có thể giao tiếp với nhau khi chúng cách xa nhau hơn 1.500 km. Khả năng đặc biệt này được Hải quân Mỹ phát hiện trong Chiến tranh lạnh. Âm thanh mà chúng giao tiếp với nhau còn được gọi là bài hát của cá voi. “Bài hát” ở đây được dùng để miêu tả những âm thanh đều đặn có thể đoán trước được phát ra từ một số loài cá voi, đặc biệt là cá voi lưng gù. |
Đối với các loài bò sát, nhảy từ độ cao chục mét là điều không thể vì chúng có thể bị gãy xương. Tuy nhiên, với loài rắn bay hay còn gọi Chrysopelea là chuyện nhỏ. Chúng có thể "bay" từ cây này sang cây khác mà không hề gì. Loài này sinh sống các nước như Lào, Việt Nam, Campuchia, Philippines… |
Thằn lằn Basilisk có khả năng rất đặc biệt. Chúng chạy bằng hai chân trên mặt nước trong khoảng thời gian khá dài với vận tốc 8 km/h trước khi chìm xuống. Màng giữa các ngón chân giúp chúng tăng bề mặt tiếp xúc với mặt nước và tạo túi khí để tăng độ căng của mặt nước. Sau khi ngừng "khinh công", con vật buộc phải bơi. |