Sau 3 năm triển khai, Dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng” đã giúp hơn 7.530 trẻ em tuổi từ 6-11 tuổi; hơn 7.690 người chăm sóc trẻ và 330 giáo viên tại Quảng Bình tiếp cận được với môi trường học tập an toàn và chất lượng.
Lấy trẻ em làm trung tâm
Chiều 28/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế tại Việt Nam (SC) tài trợ.
Từ năm 2021 đến nay, Dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng” đã triển khai tại 12 trường tiểu học thuộc hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch (Quảng Bình) với tổng ngân sách hơn 51,4 tỷ đồng. Theo đó, dự án nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giúp học sinh tiểu học ở Việt Nam có thể tiếp cận được với giáo dục và môi trường học tập an toàn ở bất kỳ hoàn cảnh không mong muốn nào.
Dự án đã xây dựng các hình thức học tập thay thế, sáng tạo, hỗ trợ tài chính để bảo đảm việc học tập trong thời gian bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Giải quyết một cách tổng thể và tích hợp các vấn đề nghiêm trọng mà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và cộng đồng phải đối mặt.
Nâng cấp hệ thống cấp nước, rửa tay và nhà vệ sinh ở những trường học có nhu cầu; cung cấp các vật dụng vệ sinh và trang bị bảo hộ cá nhân; thành lập, duy trì các câu lạc bộ do trẻ điều hành tại trường học. Xây dựng, phổ biến quy trình tiêu chuẩn tại trường học về ứng phó với các tình huống khẩn cấp…
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình khẳng định rằng, Dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng” thực sự là món quà ý nghĩa đối với ngành giáo dục, với mỗi nhà trường, mỗi thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh tại tỉnh Quảng Bình.
“Có thể khẳng định rằng, Dự án đã cán đích với nhiều kết quả quan trọng trên nhiều phương diện: hoàn thành cơ bản các mục tiêu đúng tiến độ, các hoạt động được triển khai đảm bảo chất lượng và hiệu quả, nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh được thay đổi rõ rệt, các hoạt động truyền thông thu hút sự quan tâm của cộng đồng, môi trường học tập được cải thiện, chất lượng đội ngũ được nâng cao, kỹ năng tổ chức hoạt động dạy học được củng cố và phát triển”, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình khẳng định.
Bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chiến lược, Hiệu quả và Chất lượng Chương trình Tổ chức Save the Children International (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) tại Việt Nam chia sẻ: “Thay mặt tổ chức SC, tôi xin chân thành cảm ơn sự đồng hành của giáo dục Quảng Bình. Bởi, trong Dự án này, ngoài những hoạt động chúng tôi thiết kết, giáo dục Quảng Bình còn làm nhiều hơn những thế. Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác trong giúp đỡ trẻ em trên địa bàn”.
Thành công từ sự cố gắng
Tại hội thảo, đại biểu được nghe báo cáo kết quả dự án cũng như chia sẻ, tham luận của các trường dự án về các chủ đề liên quan đến an toàn trường học như: Bảo vệ trẻ em và an toàn trên môi trường internet, Nâng cao chất lượng giảng dạy.
Bà Xuân Thị Nguyệt Hà, chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT chia sẻ tại hội thảo: “Tôi phải dùng từ choáng ngợp để nói về cảm xúc của mình sau khi nghe những kết quả, thành quả của Dự án. Thực sự, tôi thấy được sự tâm huyết của thầy cô Quảng Bình. Nó thực sự truyền cảm hứng cho cộng đồng. Vì vậy, tôi mong muốn những kết quả, những tâm huyết đó được lan rộng trên phạm vi cả nước”.
Theo đó, sau 3 năm triển khai, dự án đã giúp 7,530 trẻ em tuổi từ 6-11 tuổi; khoảng 7,690 người chăm sóc trẻ và 330 giáo viên tại 12 trường dự án tại hai huyện Bố Trạch và Quảng Trạch tiếp cận được với môi trường học tập an toàn và chất lượng hơn thông qua nhiều can thiệp đa dạng, ý nghĩa.
Tuyên dương những tập thể, cá nhân đã đóng góp cho Dự án. |
Với sự hỗ trợ từ dự án, 14 câu lạc bộ trẻ điều hành đã được thành lập và duy trì. 12 nhà vệ sinh, 10 thư viện ngoài trời được nâng cấp và xây mới. Dự án còn cung cấp 600 máy tính bảng phục vụ công tác dạy và học, tập huấn cho trẻ em và người chăm sóc trẻ về an toàn trên mạng Internet cũng như hỗ trợ tài chính cho 800 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Kết thúc dự án, tỉ lệ giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học sáng tạo đã tăng vượt bậc từ 54,9% lên đến 98%. Tỷ lệ học sinh biết đọc và hiểu bài đọc đã tăng từ 41,4% lên 48,2%, đặc biệt tỷ lệ học sinh nữ đã tăng gần 10%.
Ngoài ra, 75,5% học sinh cảm thấy an toàn khi đến trường. Chương trình tin nhắn của dự án cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với hơn 90% phụ huynh mong muốn nhận thêm tin nhắn hướng dẫn học cùng con tại nhà.