Đây là một trong những kết quả của Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú được trao giải Nhất lĩnh vực Y dược giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Nhóm tác giả gồm GS.TS Trần Văn Thuấn, GS.TS Nguyễn Bá Đức, PGS.TS Bùi Diệu, PGS.TS Tạ Văn Tờ, TS. Nguyễn Văn Định, TS. Nguyễn Tiến Quang, TS. Lê Thanh Đức, TS. Lê Hồng Quang, TS. Phùng Thị Huyền, TS. Đỗ Doãn Thuận, BS. Đặng Thế Căn, BS. Tô Anh Dũng, PGS.TS Trần Thanh Hương, Ths. Nguyễn Hoài Nga và cộng sự.
Bên cạnh các kết quả nghiên cứu dịch tễ học có thể tăng tỷ lệ phát hiện bệnh sớm cho hàng nghìn chị em phụ nữ mỗi năm, các nghiên cứu chuyên sâu về chẩn đoán và điều trị cũng mở ra các hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú khi tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đã đạt trên 75% ngang với Singapore, chất lượng sống của người bệnh cũng được cải thiện, chi phí điều trị cũng phù hợp với điều kiện Việt nam.
GS.TS Trần Văn Thuấn (ảnh Hữu Nghị). |
Cụm công trình này là kết quả tổng hợp từ 3 đề tài cấp nhà nước, 3 dự án hợp tác quốc tế, 3 đề tài cấp bộ, 2 đề tài cấp cơ sở, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và 25 đề tài cấp cơ sở.
Giáo sư Thuấn khẳng định, đây là cụm công trình tập thể,của các thầy các cô, nhiều thế hệ cán bộ y tế Bệnh viện K từ trên 25 năm nay.
Phụ nữ Việt nên sàng lọc ung thư vú từ 40 tuổi
Đề tài nghiên cứu trên cho thấy ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng qua các năm.
Cụ thể, năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú chuẩn theo tuổi là khoảng 24.4/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26.4. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 chị em mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, thường xuyên có 42.000 chị em mắc đang sống chung với bệnh.
Điều đặc biệt là ở Việt Nam, có vẻ xu hướng mắc ung thư vú trẻ hơn các nước. Xu hướng mắc ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam bắt đầu tăng từ độ tuổi 30-34 tuổi và tăng nhanh, đỉnh cao ở 55-59 tuổi với tỷ lệ là 135/100.000 dân.
Theo các chuyên gia, người trẻ mắc ung thư vú khả năng chữa khỏi cũng thấp hơn so với những người tuổi cao. Bên cạnh đó, người trẻ mắc ung thư vú còn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề tâm lý, xã hội trong và sau điều trị.
Ở nhóm tuổi này việc tiên lượng xấu là điều hết sức đáng tiếc. Qua đó thôi thúc nhóm tác giả tìm giải pháp để nâng cao tỷ lệ chưa khỏi ung thư vú, đặc biệt là người trẻ. Quan trọng nhất vẫn là đi khám, phát hiện sớm bệnh.
“Vì thế chúng tôi đưa ra khuyến cáo mới thay vì sàng lọc, tầm soát từ 45 tuổi thì phụ nữ Việt Nam nên bắt đầu sàng lọc sớm hơn, từ 40 tuổi trở đi. Thực tế, khi sàng lọc phát hiện sớm với mẫu trên 100.000 phụ nữ, tỷ lệ phát hiện là 59,2 trên 100.000 dân gấp đôi so với tỷ lệ thông thường”, GS Thuấn cho biết.
Đồng thời, chị em cần có thói quen tự khám vú. Đây là việc hết sức đơn giản. Thực tế, dù là bệnh phổ biến, ở giới đặc thù là chị em song tỷ lệ đến khám, chẩn đoán ung thư vú muộn khá cao trên 50%, ở các giai đoạn 3, 4. Khi đó khả năng chữa khỏi không còn cao như giai đoạn sớm.
Kỹ thuật hiện đại giúp chẩn đoán chính xác bệnh ung thư vú
Trước đây khi chưa hiểu sâu về bệnh, chúng ta không hiểu tại sao môt số người bệnh có đặc điểm tương đồng nhau về tuổi và giai đoạn lại có kết quả điều trị khác nhau rất xa.
Cụm công trình đã làm sáng tỏ thắc mắc trên nhờ áp dụng thành công hàng loạt các kỹ thuật chẩn đoán hiện đại, đi sâu vào mức độ phân tử như hóa mô miễn dịch, FISH…Từ đó giúp các bác sỹ có cái nhìn sâu sắc về bệnh và có thể đưa ra phác đồ điều trị nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Được Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do báo Dân trí, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức bắt đầu từ năm 2005. 14 năm qua, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt không ngừng được mở rộng, tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh tài năng ở các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, Khoa học Công nghệ, Y dược, Môi trường và Khuyến tài.