Đây là kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature số ra tuần qua.
Các nhà nghiên cứu phát hiện khí thải từ các ngành nghề ở Trung Quốc, sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân sống cách xa hàng nghìn km, cụ thể có liên quan đến các ca tử vong do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi ở Mỹ.
Khói bụi dày đặc ở một nhà máy ở Trung Quốc (ảnh: Internet)
Giáo sư kinh tế học Trường đại học East Anglia (Anh), đồng tác giả công trình nghiên cứu Dabo Guan cho biết, tử vong sớm do ô nhiễm không khí không còn là vấn đề địa phương mà đã mang tính toàn cầu.
Giao thương quốc tế trong đó sản xuất hàng hóa ở một nơi nhưng tiêu thụ ở nơi khác, nhưng có một trách nhiệm chung là gây ô nhiễm không khí và tử vong do ô nhiễm không khí.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, năm 2007 có khoảng 3,45 triệu ca tử vong liên quan đến các hạt bụi li ti lơ lửng trong không khí, trong đó có 762.400 ca tử vong liên quan đến việc sản xuất hàng hóa ở một nơi nhưng được tiêu thụ ở nơi khác.
Tính trên toàn cầu, khoảng 411.100 người chết sớm do ô nhiễm không khí phát ra từ nơi khác và cả ô nhiễm từ các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ cho dân địa phương tiêu thụ.
Trong khi đó, việc tiêu thụ hàng hóa ở Tây Âu và Mỹ có liên quan đến hơn 108.000 ca tử vong sớm ở Trung Quốc. Do vậy kết quả nghiên cứu cho rằng, đằng sau hàng nhập khẩu giá rẻ là sự trả giá tính mạng con người ở những nơi khác, bởi chi phí lao động thấp thường đi đôi với chính sách kiểm soát ô nhiễm lỏng lẻo.
Một số bằng chứng cho thấy, những ngành nghề ô nhiễm đang có xu hướng chuyển tới các vùng mà các quy định về môi trường còn lỏng lẻo. Một giải pháp được nêu ra cho việc giảm số người chết do ô nhiễm là đánh thuế khí thải, bởi thuế này được người tiêu dùng trên toàn cầu cùng gánh vác./.