7 lưu ý quan trọng khi ra đề trắc nghiệm Lịch sử

GD&TĐ - Thầy Lê Quan Tuấn - Giáo viên trường THPT Đại Ngãi (Sóc Trăng) - chia sẻ 7 lưu ý quan trọng khi ra đề trắc nghiệm khách quan với môn Lịch sử.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chú ý về các dạng (kiểu) câu hỏi trắc nghiệm khách quan

Theo thầy Lê Quan Tuấn, câu hỏi trắc nghiệm khách quan có nhiều dạng, như: Câu trắc nghiệm có nhiều lựa chọn; câu trắc nghiệm "đúng- sai"; câu trắc nghiệm ghép đôi (xứng - hợp); câu trắc nghiệm điền khuyết; câu hỏi bằng hình ảnh (kênh hình).

Do có nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nên khi ra đề trắc nghiệm giáo viên cần chú ý sao cho phù hợp với nhu cầu, mục tiêu kiểm tra, các loại bài kiểm tra (thường xuyên hay định kỳ), cách chấm (bằng thủ công hoặc bằng máy) ...

Thầy Tuấn lấy ví dụ đầu tiên: Khi chấm điểm thủ công (bằng tay), thường ra đề gồm những câu hỏi trắc nghiệm khách quan với nhiều dạng khác nhau, do ta nhận dạng được chúng.

Khi chấm điểm bằng máy, ta chỉ ra đề gồm những câu hỏi trắc nghiệm khách quan có nhiều lựa chọn hoặc theo kiểu “A. Đúng, B. Sai”, do máy không nhận dạng được các dạng câu hỏi khác.

Ví dụ tiếp theo được thầy Tuấn đưa ra là theo loại bài kiểm tra. Cụ thể: Đối với loại bài kiểm tra thường xuyên (chủ yếu là bài kiểm tra 15 phút), thường ra đề với nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm khác nhau.

Do số câu hỏi khiêm tốn nên ra đề theo cách này sẽ không mất nhiều thời gian chấm điểm nhưng vẫn bảo đảm tính phong phú và mục tiêu kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh.

Đối với loại bài kiểm tra định kỳ (chủ yếu là 1 tiết hoặc kiểm tra học kỳ), chỉ nên ra đề gồm những câu hỏi trắc nghiệm khách quan có nhiều lựa chọn kiểu “A - B - C - D” mà vẫn bảo đảm được chất lượng trong kiểm tra, đánh giá năng lực người học. Do số câu hỏi nhiều, nếu sử dụng nhiều dạng câu hỏi sẽ rất mất thời gian ra đề lẫn chấm điểm bài kiểm tra của học sinh.

Chú ý về số lượng câu hỏi trong bài trắc nghiệm khách quan

Với lưu ý này, thầy Lê Quan Tuấn nhấn mạnh: Trong một bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan có thể có số lượng câu hỏi khác nhau tùy theo nhu cầu, mục tiêu, loại bài và thời gian cũng như các mức độ khó dễ của các câu hỏi kiểm tra.

Ví dụ, nếu theo loại bài kiểm tra: Đối với bài kiểm tra 15 phút, nên ra đề bao gồm từ 10 - 15 câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

Đối với bài kiểm tra định kỳ, nên ra đề bao gồm tối đa 32 câu hỏi trắc nghiệm khách quan (để phù hợp với Công văn số 5878 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn kiểm tra và sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017).

Nếu theo nhu cầu kiểm tra: Đối với nhu cầu kiểm tra theo chiều rộng, nên ra đề bao gồm nhiều câu hỏi hơn. Với nhu cầu kiểm tra theo chiều sâu, nên ra đề bao gồm ít câu hỏi hơn.

Mức độ khó của các câu trắc nghiệm khách quan

Trong một bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan có thể có số lượng câu hỏi khó, dễ khác nhau tùy theo đối tượng, mục tiêu và tính chất kiểm tra.

Theo thầy Tuấn, một bài trắc nghiệm khách quan gồm những câu quá dễ thường không có hiệu quả đo lường khả năng của học sinh. Ngược lại, một bài kiểm tra khách quan gồm những câu hỏi quá khó sẽ gây khó khăn cho đa số học sinh (kể cả đối với học sinh khá, giỏi) và do đó cũng khó đánh giá học lực của người học. Cho nên, câu hỏi trắc nghiệm khách quan đòi hỏi phải bào đảm “tính vừa sức" đối với tất cả học sinh.

Thầy Tuấn đưa ví dụ: Đối với đối tượng /à học sinh kém, yếu, trung bình, nên ra đề bao gồm nhiều câu hỏi dễ hơn khó (60% - 40% hoặc 70% - 30%).

Với đối tượng học sinh khá, giỏi, nên ra đề bao gồm nhiều câu hỏi khó hơn dễ (60% - 40% hoặc 70% - 30%).

Trong một kỳ kiểm tra chung các đối tượng học sinh, nên ra đề bao gồm số câu hỏi với các mức độ cần được phân bố hợp lý, như sau: Câu hỏi dễ: 20%; câu hỏi tương đối dễ: 30%; câu hỏi tương đối khó: 30%; câu hỏi khó và rất khó: 20%.

Nếu theo mục tiêu kiểm tra: Đối với kiểm tra nhằm bồi dưỡng học sinh giỏi, nên ra đề bao gồm nhiều câu hỏi khó (70% hoặc 80%).

Với kiểm tra nhằm /ựa chọn học sinh yếu kém để phụ đạo, nên ra đề bao gồm nhiều câu hỏi dễ (70% hoặc 80%)

 Vấn đề “nhiễu” của đáp án

Theo thầy Lê Quan Tuấn, trong một bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan, các câu hỏi sẽ có những đáp án “nhiễu” (mồi nhử). Đáp án “nhiễu” phải có chức năng “gây khó ”, “cản đường ” hoặc “dụ ngọt ”, “hấp dẫn ” đối với người làm bài kiểm tra nhưng cần bảo đảm tính hợp lý, có nội dung lịch sử hoặc liên quan tới lịch sử.

Tránh trường hợp đáp án “nhiễu” không phải là những sự kiện đã xảy ra trên thực tế hoặc không phải là các sự kiện và các mốc thời gian không có giá trị hoặc ít có giá trị lịch sử. “Nhiễu”, do đó phải đúng chỗ, đúng lúc, không được tùy tiện và có tác dụng nhất định.

Ví dụ về đáp án “nhiễu" phù hợp:

Câu 1. Chiến tranh lạnh kết thúc vào thời gian nào?

A.   10/1989. B. 12/1989. C. 6/1991. D. 12/1991.

Ví dụ về đáp án "nhiễu” chưa phù hợp:

Câu 2. Chiến tranh lạnh kết thúc vào thời gian nào?

A. 12/1989 B. 5/1989 C. 2/1989 D. 4/1989

Thầy Tuấn phân tích: Trong ví dụ trên, ta thấy Câu 1 có đáp án nhiễu phù hợp, vì các mốc thời gian đưa ra đều có sự kiện lịch sử xảy ra tương đồng hoặc có liên quan với nhau.

Trong khi đó, ở Câu 2 có đáp án nhiễu chưa tốt, vì các mốc thời gian đưa ra ở đáp án “B”, “C” và “D” không có sự kiện lịch sử xảy ra tương đồng với đáp án đúng là “A”

 Hạn chế ra đề theo kiểu lựa chọn “Đúng - Sai” và điền khuyết

Với lưu ý này, thầy Tuấn phân tích cụ thể: Trong quá trình trắc nghiệm nên hạn chế ra đề có nhiều câu hỏi theo kiểu lựa chọn “Đúng - Sai ” hoặc điền khuyết, vì:

Đối với câu hỏi theo kiểu lựa chọn “Đúng - Sai ” chỉ có hai đáp án đưa ra (thường là A. Đúng và B. Sai); xác suất “may - rủi ” đến 50%, do đó yếu tố “học tài thi phận” khá cao.

Đối với câu hỏi điền khuyết, mặc dù xác suất “may - rủi ” là rất thấp, có khi là 0%, nhưng đòi hỏi học sinh phải học “thuộc lòng” được đáp án mới trả lời chính xác vì không có dữ liệu gợi ý.

Tránh ra đề khi chưa chắc chắn câu hỏi hoặc đáp án là chính xác và khách quan

Khi ra đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan, ta cần phải bảo đảm câu hỏi cũng như đáp án phải thật sự là đúng và không phụ thuộc ý muốn chủ quan của người ra đề.

Do đó cần tránh ra đề với những câu hỏi còn mơ hồ về đáp án, chưa có kết luận chính thức là đúng hay sai, hoặc bản thân người ra đề chưa thật sự nắm rõ đáp án đúng của câu hỏi.

Thầy Tuấn lấy ví dụ cho lưu ý trên như sau:

Ví dụ về câu hỏi chưa chính xác (phần gạch chân là nội dung chưa phù hợp):

Câu 3. Bill Clonton là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Việt Nam vào năm:

A. 1994.         B. 1995.           C. 2000.         D. 2006.

Ví dụ về đáp án chưa chính xác (phần gạch chân là nội dung chưa phù hợp):

Câu 4. Tổng thống Mỹ đầu tiên đến nước ta vào năm nào?

A. 1994.         B. 1995.           C. 2000.         D. 2006.

Nội dung câu hỏi và đáp án phải bám sát các chuẩn và chương trình theo quy định

Đây là lưu ý cuối cùng của thầy Lê Quan Tuấn đối với việc ra đề trắc nghiệm khách quan. Theo đó, khi ra đề trắc nghiệm khách quan, câu hỏi và đáp án phải bảo đảm bám sát nội dung kiến thức đã học và có trong sách giáo khoa, chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng và khung phân phối chương trình.

Tránh tình trạng lạm dụng và lan man. Tránh cho các câu hỏi và đáp án không có trong nội dung kiến thức đã học theo quy định. Không ra đề bao gồm những câu hỏi nằm trong phần giảm tải theo yêu cầu “không dạy”. Hạn chế tối đa các câu hỏi có trong nội dung kiến thức nằm trong chương trình giảm tải đối với phần yêu        cầu “đọc thêm SGK”.

Do đó, sẽ giảm gánh nặng cho vấn đề ôn luyện cũng như góp phần cho việc ôn luyện theo cách làm bài trắc nghiệm khách quan được tập trung hơn và có hiệu quả hơn.

Ví dụ 1: Ra đề chưa phù hợp vì câu hỏi có nội dung đáp án không có trong SGK và chuẩn (phần gạch chân là nội dung chưa phù hợp):

Câu 5: 4 ghế bộ trưởng mà Quốc hội nước ta đồng ý cho bọn tay sai Tưởng nắm giữ là

A.   Ngoại giao, kinh tế, giáo dục và xã hội.

B.   Ngoại giao, giáo dục, canh nông và xã hội.

C.   Giáo dục, canh nông, xã hội và kinh tế.

D.   Ngoại giao, kinh tế, canh nông và xã hội.

Ví dụ: Ra đề chưa phù hợp vì câu hỏi có nội dung và đáp án thuộc phần giảm tải “Không dạy” (phần gạch chân là nội dung chưa phù hợp):

Câu 6: Những tờ báo nào được Đảng ta cho xuất bản trong những năm 1936 - 1939 nhằm thúc đẩy đấu tranh đòi tự do, dân chủ?

A.   “Chuông rè”, “An Nam trẻ”, “Nhành lúa”.

B.   “Tin tức”, “Thời mới”, “Tiếng dân”.

C.   “Chuông rè”, “Tin tức”, “Nhành lúa”.

D.   “Tiền phong”, “Dân chúng”, “Lao động”.

Cũng theo thầy Tuấn, ngoài những điểm lưu ý nêu trên, khi ra đề trắc nghiệm khách quan còn có nhiều lưu ý khác nữa, như về hình thức, chính tả, ngữ pháp, chấm - phẩy câu, câu dẫn bằng kênh hình...

Việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh qua các câu hỏi trắc nghiệm khách quan là cần thiết, bắt kịp xu thế đổi mới và đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục nói riêng và thời đại hiện tại nói chung.
Song cần phải có những lưu ý khi ôn luyện và ra đề theo cách trắc nghiệm khách quan, vì bên cạnh lợi thế thì chúng vẫn có những hạn chế nhất định so với kiểm tra theo hình thức tự luận.
Để đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy, học và kiểm tra, đánh giá theo phương pháp trắc nghiệm khách quan, mỗi giáo viên cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc đầu tư ôn luyện và ra đề cũng như đưa ra các đáp án thật sự chính xác, khách quan đúng như cái tên của nó “trắc nghiệm khách quan" - Thầy Lê Quan Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ