Trẻ chậm phát triển là khi trẻ có các thông số phát triển thấp hơn các mốc cơ bản hoặc phát triển chậm hơn trẻ cùng trang lứa. Theo đó, việc này sẽ ảnh hưởng tới khả năng vận động, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ và tiếp xúc xã hội đều ở mức thấp hơn bình thường.
Nguyên nhân dẫn đến hiện này này có thể bao gồm cả chủ quan và khách quan như: Gen di truyền từ bố hoặc mẹ, khi mang thai mẹ có sức khỏe không tốt và dinh dưỡng hấp thụ ở mức thấp, các bộ phận cơ thể không phát triển hoàn thiện.
Đồng thời, cũng có thể do sức khỏe của trẻ sau sinh không được tốt hoặc cách nuôi và chăm sóc con không khoa học, hợp lý. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển?
Trẻ bị chậm phát triển có thể do nhiều nguyên nhân, có cả khách quan và chủ quan.
Đầu
Khi mới sinh, nếu bố mẹ thấy đầu của con to hoặc nhỏ hơn bất thường thì có thể bé đang phát triển không bình thường. Cụ thể, bố mẹ có thể sử dụng chỉ số chung đối với trẻ châu Á để so sánh với con mình. Theo đó, vòng đầu trẻ sơ sinh sẽ từ 32 - 34cm, 4 tháng tuổi là 40cm, 1 tuổi là 44 - 46cm, 2 tuổi là 48cm và 5 tuổi là 50cm.
Tai
Đầu tiên, bố mẹ có thể quan sát vị trí tai của con có thấp hay cao hơn bình thường không, sau đó kiểm tra vành và sụn tai. Đến khi trẻ được 6 tháng tuổi có thể quan sát khả năng nghe và phân biệt tiếng động như cho trẻ nghe nhạc, gọi tên bé,...
Theo đó, mẹ có thể quan sát 2 bên tai bé với các mức độ âm thanh khác nhau. Trường hợp trẻ giật mình bởi tiếng động lớn thì bình thường còn nếu không phân biệt được mức độ mạnh nhẹ của tiếng động khi tiếp xúc thì bố mẹ nên theo dõi kỹ và hỏi ý kiến bác sĩ.
Mắt
Khi trẻ bị chậm phát triển thì 2 mắt của bé sẽ có khoảng cách không như bình thường như quá gần, quá xa, mắt bị lác hoặc tròng mắt không bình thường. Ngoài ra, nên để mắt bé tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên và quan sát con ngươi của bé, nếu thấy xuất hiện điểm trắng thì nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa.
Ngoài ra, đối với một số trẻ nếu thấy ánh sáng nhưng không chớp mắt hoặc thấy một vật tiến lại gần nhưng không chớp mắt như một phản xạ tự nhiên thì đây có thể là biểu hiện của trẻ chậm phát triển.
Mũi và miệng
Thông thường, chỉ khoảng 3 ngày sau sinh là bé có thể nhận biết được mùi nhưng nếu trẻ có vấn đề với não bộ thì có thể không nhận biết được mùi từ mẹ, không nhăn mũi hoặt hắt xì với mùi lạ hoặc mùi khó chịu... Và đây có thể là dấu hiệu của trẻ chậm phát triển.
Khi trẻ bị chậm phát triển, bố mẹ có thể quan sát các dấu hiệu về hình dáng và thể chất của bé.
Ngoài ra, quan sát khẩu hình miệng của trẻ cũng có thể nhận biết được tình trạng chậm phát triển ở bé. Cụ thể, bố mẹ có thể xem trẻ có bị hở hàm ếch hay không và phát ra âm thanh có rõ ràng hay không? Trường hợp trẻ trên 2 tuổi mà vẫn không chịu nói, nói không rõ và không bắt trước được lời nói của bố mẹ thì có thể bé đã bị chậm phát triển.
Lưỡi
Nếu bố mẹ thấy lưỡi trẻ quá dài hoặc ngắn thì bé có thể gặp khó khăn trong vấn đề diễn đạt. Ngoài ra, nếu thấy con thường xuyên chảy dãi quanh miệng và không thể khép miệng hoặc không nhai được thức ăn, ngậm đồ ăn quá lâu thì cũng có thể bé bị chậm phát triển.
Quan sát các khớp vận động
Nếu trẻ bị chậm phát triển thì sẽ có các dấu hiệu như: cánh tay hoặc chân 2 bên không bằng nhau, khoảng cách giữa các ngón tay không bình thường hoặc không đủ 5 ngón. Đồng thời, các cơ vận động của trẻ quá cứng, không linh hoạt khiến trẻ khó cầm, nắm hoặc di chuyển, xương chậu và khung đùi không bình thường.
Bên cạnh đó, nếu bố mẹ thấy cơ tay chân mềm nhũn và không chắc chắn, không thể vận động và di chuyển thì cũng có thể là dấu hiệu của việc trẻ bị chậm phát triển.
Kiểm tra da của trẻ
Nếu trẻ chậm phát triển thì màu da của bé sẽ có dấu hiệu bất thường như: Có vết lang màu trắng trên diện rộng, có nhiều hơn 6 vết chàm trên cơ thể, dấu chàm trên cơ thể hình cây, cơ thể mềm không chắc khỏe, da dẻ quá khô, ngứa hoặc bị sưng tấy.
Lưu ý, những dấu hiệu trên cũng chưa thể xác định chính xác được tình trạng trẻ có bị chậm phát triển hay không? Do đó, bố mẹ nên quan sát kỹ các triệu chứng bất thường của trẻ và tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời nhất.