Thêm vào đó, nguồn nhân lực nhãn khoa được đào tạo bài bản còn hạn chế khiến cho các dịch vụ chăm sóc khúc xạ cũng bị thiếu trầm trọng. Vì vậy, số lượng bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc mắt hiện không thể đáp ứng được nhu cầu chăm sóc tật khúc xạ của người dân đang ngày một tăng.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Vị trí và vai trò của khúc xạ nhãn khoa trong ngành nhãn khoa, do Trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức vào 21/1, tại Hà Nội.
Phó Giáo sư Phạm Trọng Văn - chuyên gia nhãn khoa (Đại học Y Hà Nội) cho biết, ước tính tại Việt Nam, tật khúc xạ chiếm tỷ lệ 15 - 40% (khoảng 14 - 36 triệu người). Với trẻ em (từ 6 - 15 tuổi), tỷ lệ tật khúc xạ là 25 - 40% ở thành thị và 10 - 15% ở nông thôn. Như vậy, uớc tính có khoảng 3 triệu trẻ em cần phải đeo kính điều chỉnh tật khúc xạ.
Hiện tật khúc xạ được nhận định như là một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và được xem là một ưu tiên trong Kế hoạch quốc gia về phòng chống mù loà của Việt Nam đến năm 2020.
Việc cung cấp kính cho người bị tật khúc xạ là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất, góp phần giảm tỷ lệ các bệnh mù loà có thể phòng tránh được.
Trong khi đó, Giáo sư Bruce Moore - chuyên gia khúc xạ nhãn nhi (Đại học Nhãn khoa New England) cho biết, trên thế giới hiện có 640 triệu người giảm thị lực do tật khúc xạ không được chỉnh kính, trong đó 80% có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng. Tình trạng thiếu trầm trọng các dịch vụ chăm sóc khúc xạ chủ yếu là do thiếu nguồn nhân lực được đào tạo đầy đủ.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt các dịch vụ khám khúc xạ có chất lượng tốt ở Việt Nam, Viện Thị giác Brien Holden (Australia) đã hợp tác với Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt TPHCM xây dựng và nhân rộng các khóa đào tạo ngắn hạn về khúc xạ và mài lắp kính.