60 năm một lần… Mộng Bích

GD&TĐ - Hơn 60 năm cầm cọ, lần đầu tiên nữ họa sĩ Mộng Bích “lên tiếng”. Không đao to búa lớn, nhưng công chúng luôn biết đến tầm vóc của một nghệ sĩ “đi giữa hai thế kỷ”.

Nữ họa sĩ Mộng Bích. Ảnh: Nguyễn Lê Hoàng.
Nữ họa sĩ Mộng Bích. Ảnh: Nguyễn Lê Hoàng.

“Đi giữa hai thế kỷ” cũng là triển lãm cùng tên sắp ra mắt những người yêu tranh vào ngày 22/10 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội).

Là học trò của những danh họa nổi tiếng như Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung… nên giới hội họa nước nhà không chỉ mong chờ, mà còn nhanh chóng muốn khám phá những trắc ẩn trong tác phẩm của “bà già” Mộng Bích.

Theo dấu hạc vàng

Họa sĩ Mộng Bích (Nguyễn Thị Mộng Bích) sinh năm 1933. Những bức họa nổi tiếng của bà đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: Nghệ sĩ ca trù Quách Thị Hồ, Tĩnh vật, Ông già người Chăm, Em bé ngủ…

Bà đã chọn vùng đất Ngang Na, xã Hiên Vân (Tiên Du - Bắc Ninh) làm nơi ở, nơi vẽ tranh, sáng tạo và truyền cảm hứng cho những người trẻ. 60 năm Mộng Bích cầm cọ theo dấu hạc vàng - con hạc vàng lộng lẫy, hiện thân của cái đẹp vĩnh hằng, trong một khoảnh khắc nào đó đã về đậu xuống bậc thềm đau khổ của cuộc sống. Chỉ thế thôi cũng đủ cho nữ họa sĩ tìm được một lối đi qua những gian truân đời người.

Trong căn phòng cũ kỹ như một bảo tàng nhỏ về thời bao cấp, nữ họa sĩ kể chuyện đời bằng những bức tranh…

Bức tranh “Bà già” do họa sĩ Mộng Bích vẽ với nguyên mẫu là một cụ già khất thực.
 Bức tranh “Bà già” do họa sĩ Mộng Bích vẽ với nguyên mẫu là một cụ già khất thực.

Ở tuổi 87, họa sĩ Mộng Bích không chỉ sống lâu hơn hầu hết những người đồng trang lứa, bà còn là hiện thân của những thay đổi mà lịch sử mỹ thuật nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung đã trải qua trong thế kỷ trước.

Bà nổi tiếng với tranh lụa, đến nỗi Giáo sư Nora A. Taylor - Học viện Mỹ thuật Chicago, đánh giá: “Tranh của bà vượt thoát khỏi mọi phong trào mà hầu hết các thế hệ đều tham gia. Chúng là lời nhắc nhở đẹp đẽ về tính phổ quát của các giá trị nhân văn”.

Người yêu tranh không thể nào quên bức tranh “Bà già” của họa sĩ Mộng Bích. Tác phẩm vẽ một bà già nghèo khó, ngồi bệt dưới đất, hai tay đặt trên đùi, đôi mắt buồn vô tận. Buồn tủi nhưng vẫn đầy tự trọng, bàn chân Giao Chỉ được khắc họa tinh tế, chiếc khăn mỏ quạ đội trên đầu, áo trong áo kép của các bà già miền Bắc. Tác phẩm từng đoạt giải Nhất giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1993.

Từ đôi mắt “Bà già”, với dáng ngồi đó, trong một không gian trống rỗng, nguyên mẫu như muốn nói: Mỗi cuộc đời đều có một số phận. Nữ họa sĩ Mộng Bích kể rằng, đó là chân dung một người ăn xin. Lần ấy đi ra ngõ bất chợt trông thấy một bà ngồi xệp bên vỉa hè, tựa lưng vào tường ngủ say sưa. Bà bỗng cảm thấy có gì nhói lên trong tim, thế là quay về nhà lấy bút giấy ra kí họa.

“May mà khi tôi ra, bà ấy vẫn còn ngủ. Vẽ gần xong thì bà ấy thức dậy”, họa sĩ Mộng Bích nhớ lại. 

Sau đó, hai người trò chuyện, bà hỏi han quê quán biết người ăn xin kia quê tận Thanh Hóa. Bà lặng lẽ đưa người ăn xin đó về nhà. Khi người ăn xin vào nhà, con chó hiền lành cứ sủa rát, bà ấy phải bật ra lời thanh minh với nó: “Chủ mày mời tao, chứ tao có tự vào đâu mà mày cứ sủa!”.

Sau này, thỉnh thoảng Mộng Bích vẫn hỏi thăm người ăn xin và có gì thì lại chia sẻ như một người bạn. 

Nữ họa sĩ Mộng Bích khắc họa thầy Cẩn (tức họa sĩ Trần Văn Cẩn).
Nữ họa sĩ Mộng Bích khắc họa thầy Cẩn  (tức họa sĩ Trần Văn Cẩn).

Ít tranh nhưng giàu cảm xúc

Giới phê bình mỹ thuật đánh giá, Mộng Bích vẽ không chân quê, không hào hoa như cụ Nguyễn Phan Chánh (mà bà đã có may mắn được theo học), không đơn giản phô diễn kĩ thuật như Kim Bạch - bạn thân của bà.

Tranh bà vẽ khắc nghiệt như những nét khắc lên lụa, nhưng vẫn thấm đẫm cảm xúc và tình người. Bà luôn minh bạch, rạch ròi giữa yêu và ghét, phải và trái. Để đạt được điều đó, bà đã dùng hết độ thắm của màu đặt lên thớ lụa. Bà vẽ rất chậm, như thể ngó lại và đối thoại với cuộc đời nhân vật.

Hơn 60 năm đắm mình trong nghệ thuật, người ta tưởng rằng Mộng Bích có nhiều tranh lắm. Nhưng không, bà không có nhiều tranh nhưng tác phẩm nào cũng đủ “tiếng nói” của sự am hiểu sâu sắc về lụa.

Mộng Bích vẽ không theo phong trào, càng không theo số lượng. Bà vẽ theo xúc cảm thật, thấy thật sự cần vẽ thì mới vẽ. Bởi vậy, cố danh họa Trần Văn Cẩn từng nhận xét về người học trò: “Mộng Bích vẽ tranh bằng bản năng và đầy cảm xúc”.

Bên cạnh những bức tranh lụa phản ánh giai đoạn sáng tác ở miền Bắc, họa sĩ Mộng Bích còn có những bức vẽ tuyệt đẹp mô tả cuộc sống và chân dung của những người dân tộc Chăm. Hiện bà còn giữ rất nhiều phác thảo ký họa mảng đề tài này, nhưng do thời gian và sức khỏe hạn chế nên chưa truyền tải lên được chất liệu lụa.

Song, những kỷ niệm đẹp khiến bà luôn ao ước có đủ sức lực để làm một bộ sưu tập tranh về người Chăm và đàn bà, trẻ em vùng cao - nơi bà đã sống, làm việc hoặc có dịp đi thực tế. 

Suốt 60 năm làm nghệ thuật, giờ đây họa sĩ Mộng Bích mới mở một triển lãm cá nhân đầu tiên. Bà sẽ trưng bày 30 tác phẩm bao gồm tranh lụa, màu nước và các ký họa tiêu biểu được chọn lọc từ các giai đoạn sáng tác chính.

Bên cạnh đó là những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh được thu âm trực tiếp từ lời kể của nữ họa sĩ, phần nào đó bộc lộ thế giới quan và quá trình sáng tạo của bà. 

Triển lãm cũng là dịp ra mắt cuốn sách catalogue đầu tiên của họa sĩ Mộng Bích. Trong đó chọn lọc những góc nhìn đa chiều của các họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật, nhà hoạt động văn hóa về cuộc đời và tác phẩm của nữ họa sĩ. Điều này giúp người xem hiểu rõ hơn về nữ nghệ sĩ tài hoa, cũng như những biến động của đất nước, ở giữa hai thế kỷ.

Họa sĩ Mộng Bích là một trong số ít nữ họa sĩ đã kế thừa phong cách hiện thực truyền thống trong nghệ thuật vẽ tranh lụa. Đối với bà, một bút pháp chân phương, chất biểu cảm của nền lụa và những hòa sắc nền nã vàng nâu, xanh nâu điểm xuyết đỏ, tím – chính là những phương diện tốt nhất để thổ lộ tâm tình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ