TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ với cha mẹ 6 mẹo bỏ túi để đối phó với các tình huống ăn vạ của trẻ.
1. Tạo không gian ăn vạ không khán giả
Khi con ăn vạ, bố mẹ nên đưa con vào phòng riêng, khóa cửa lại để mọi người xung quanh không thể can thiệp. Đặt con xuống, dọn dẹp sao cho đảm bảo xung quanh con không có gì nguy hiểm. Bật quạt (nếu trời nóng), lấy sẵn khăn mặt để đó cho con tùy nghi sử dụng.
Nếu con bày trò nôn ọe thì bố mẹ chuẩn bị chậu để hứng và khăn để lau. Để nguyên đó cho con tự xử. Sau đó, bố mẹ làm việc của mình, mắt đừng nhìn con. Nếu muốn quan sát con, hãy nhìn qua gương hoặc đồ gì đó phản chiếu.
Nếu con vẫn tìm cách lôi kéo sự chú ý thì cha mẹ cũng phải mặc kệ. Cố gắng giữ nguyên tư thế và tỏ ra hoàn toàn không quan tâm đến chuyện của con cho đến khi con tự nín.
Sau khi con đã nín khóc và quên chuyện ăn vạ, bố mẹ đừng giáo huấn ngay, bởi lúc này trẻ chưa đủ bình tĩnh để hiểu những lời phân tích. Bố mẹ có thể đứng dậy làm việc khác mà coi như sự vụ ăn vạ chưa hề xảy ra.
Tuyệt đối không nhắc lại vụ việc đó. Bố mẹ yên tâm là con đủ khôn ngoan để biết rút kinh nghiệm. Chỉ cần bố mẹ kiên nhẫn xử lý độ vài ba lần là việc ăn vạ sẽ giảm dần và mất hẳn.
2. Ăn vạ ở chốn đông người
Nếu con đòi hỏi gì đó khi đang ở siêu thị rồi mè nheo, ăn vạ khi không được đáp ứng, bố mẹ nhất định phải cương quyết không đáp ứng yêu cầu.
Khi đó, bố mẹ cần phải “thản nhiên” bỏ đi, dĩ nhiên, mắt vẫn phải liếc lại sau nhưng đừng cho trẻ thấy. Trẻ sẽ phải nhanh chóng chạy theo.
Vụ việc sẽ còn xảy ra thêm vài lần nữa nhưng rồi trẻ sẽ nhanh chóng rút kinh nghiệm và giảm đòi hỏi.
3. Phòng ngừa các cơn ăn vạ ngay từ các bữa ăn
Khi con ăn cơm, bố mẹ nhớ cho con tự xúc. Khoảng 2,5 tuổi là trẻ đã tự xúc tốt. Nếu con xúc chậm, đặt đồng hồ và yêu cầu con xúc trong 30 phút. Sau thời gian đó mà con vẫn chưa ăn xong thì bố mẹ phải cương quyết cất đồ ăn và dọn bát đi.
Con sẽ nhận và hiểu được thông điệp nghiêm khắc này khi thấy bụng đói hơn bình thường. Tuyệt đối không cho con ăn vặt sau bữa phạt để con có luôn cảm giác đói đó đến bữa sau.
Thực hiện nghiêm chỉnh trong một tuần, các bố mẹ sẽ dần tạo cho con thói quen ăn uống tốt và là cách gián tiếp kiềm chế các cơn ăn vạ trong những việc khác.
4. Luôn có những hình phạt hợp lý
Khi con có thái độ không tốt, cần có một hình phạt nhỏ để điều chỉnh. Hình phạt cần được lựa chọn và áp dụng phù hợp với từng tình huống mắc lỗi cụ thể của trẻ. Cha mẹ hãy nhớ nguyên tắc không thỏa hiệp hay tùy tiện giảm nhẹ hình phạt để răn đe trẻ không tái phạm.
5. Luôn phớt lờ mọi cơn ăn vạ
Khi cả nhà chuẩn bị đi đâu đó mà con ăn vạ thì cha mẹ chỉ cần giả vờ nhanh nhẹn dọn dẹp đồ đạc để đi chơi và ra khỏi nhà thật nhanh. Yên tâm đi, trẻ sẽ lao vút ra ngoài theo bố mẹ ngay (dĩ nhiên sẽ kèm theo vài cơn nức nở nữa, nhưng sẽ nhanh chóng hết khi trèo lên xe).
6. Đưa ra các lựa chọn kèm hệ quả
Khi con bướng bỉnh, không chịu nghe lời, cha mẹ có thể đưa ra các lựa chọn cho con. Con sẽ được chọn một trong các hướng. Khi tuyên bố về các hướng, cha mẹ nên nói cả hậu quả của việc theo hướng đó để con có thông tin lựa chọn.
Ví dụ: Một là con ăn ngoan và sau đó mẹ sẽ đọc truyện cho con nghe. Hai là con ăn chậm thì sẽ ngồi vào “Ghế xấu” hoặc “Úp mặt vào tường”… Trẻ sẽ chọn hướng nào ít thiệt hại hơn. Lúc này không cần giục giã, con sẽ làm mọi việc nhanh và gọn lắm.
Một cách xử lý sự bướng bỉnh nữa là đếm. Tuyên bố với con là nếu đếm đến… mà chưa làm… thì sẽ bị... Các cha mẹ sẽ thấy con trở nên nhanh nhẹn ngay.
Con trẻ luôn rộng lượng, hiểu biết, quân tử và rất khôn ngoan vì vậy xử lý vấn đề với các bé đôi khi không hề dễ. Điều quan trọng là bố mẹ cần có bản lĩnh “cao cường” - Kiên quyết, nói là làm, bình tĩnh, không cáu gắt, sẵn sàng cùng trẻ vượt qua một vài cơn ăn vạ thật tưng bừng để mọi xử lý về sau được nhẹ nhàng và trở thành nề nếp." - TS. Vũ Thu Hương.