Chắc chắn không ai muốn con mình dốt đi trong quá trình phát triển. Vậy nhưng, nhiều bậc phụ huynh không biết rằng trẻ em đang trong quá trình hoàn thiện về thể chất và tâm lý, nên rất dễ dàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ những hành vi, lời nói vô ý của cha mẹ. Thậm chí những hành vi, những lời nói tưởng là tốt theo ý nghĩ của cha mẹ lại cực kì có hại với con. Dưới đây là những hành vi khiến trẻ dốt đi mà bạn nên tránh.
Cho trẻ ăn quá no
Trong quá trình nuôi dạy trẻ, nhiều bậc cha mẹ đã phạm phải những sai lầm khi có những hành vi không đúng mực, khiến trẻ dần trở nên ngu ngốc hơn bạn bè cùng trang lứa.
Với tâm lý luôn sợ con đói hoặc lo con ăn ít không lớn được, câu cửa miệng của nhiều bậc cha mẹ luôn là: "Ăn thêm đi con, ăn nhiều vào hay sao con ăn có tí thế…". Nhưng các nghiên cứu đã chứng minh rằng, tế bào não sẽ sớm suy yếu, trí lực giảm sút, càng ngày càng kém linh hoạt, thông minh nếu như chúng ta thường xuyên ăn quá no. Chính vì vậy, ăn quá no chưa hẳn là tốt. Cha mẹ nên cho con đầy đủ chất dinh dưỡng là tốt nhất nhưng không nên ép trẻ ăn thêm khi trẻ đã muốn dừng lại.
Hay để trẻ thức khuya
Trẻ nhỏ thường thích chơi hơn thích ngủ, cha mẹ thường xuyên thức khuya sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Nếu không được ngủ đủ giấc, trẻ sẽ kém tập trung, suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Thường xuyên đánh đập trẻ
Một số cha mẹ, khi họ gặp phải điều gì đó, đã la mắng và thậm chí đánh đập con cái của họ, đứa trẻ khóc lóc với những khuôn mặt giận dữ, méo mó của cha mẹ và dưới quyền lực của những lời nói bạo lực, chúng chỉ có thể im lặng.
Trong một thời gian dài, cảm xúc của chúng sẽ bị hướng nội, đóng cửa, và ít bộc lộ ra. Cha mẹ la mắng trẻ em không thể giải quyết căn bản những vấn đề của trẻ em. Khi trẻ em bị la mắng đánh đập, chúng dễ bị trầm cảm, lo lắng... gây ra các vấn đề về hệ thống thần kinh.
Dạy trẻ những kiến thức quá sớm
Một số cha mẹ vì thể diện, vì muốn con hơn người nên truyền dạy con những kiến thức trước tuổi. Thậm chí một số cha mẹ không muốn con "tự mãn" nên thường đặt ra những mục tiêu cao hơn khả năng của chúng. Nhưng một khi trẻ không có năng lực đạt được những mục tiêu, những kiến thức ấy, bị thất bại trẻ sẽ cảm thấy xấu hổ, thất vọng, càng ngày càng tự ti về bản thân.
Nếu một đứa trẻ rất ít khi có được cảm giác chiến thắng thì sẽ khiến chúng dần dần trở thành một đứa trẻ chậm hiểu, luôn lo lắng.
Dành cho trẻ những lời chỉ trích
Bạn đã bao giờ nói với con rằng chúng thật kém cỏi, ngu dốt, lì lợm hoặc thường so sánh chúng với những đứa trẻ khác một cách tiêu cực chưa? Những lời nói nặng nề, cay độc với trẻ nhỏ dù là vô tình hay cố ý đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của trẻ. Đừng biến con bạn trở thành một đứa trẻ lì lợm, ngang bướng chỉ vì lỗi lầm của chính các bậc cha mẹ.
Không cho trẻ tham gia những trò chơi
Có một số cha mẹ mỗi ngày thấy con chăm chỉ học tập thì vui vẻ ra mặt, khi thấy con chơi thì nổi trận lôi đình.
Đây là cách giáo dục sai lầm nghiêm trọng. Việc cha mẹ nên làm không phải là cấm trẻ chơi mà là giúp trẻ thiết lập một thời khóa biểu phù hợp giữa chơi và học. Cha mẹ bắt trẻ học tập quá nhiều, áp lực quá lớn không phải là cách để trẻ thông minh hơn mà thậm chí còn khiến trẻ trì trệ hơn.