Lập dàn ý trước khi làm bài thi
Đây là bước không thể thiếu khi bắt đầu làm một bài thi khối C, dù đó là môn Văn, Sử hay Địa.
Sau khi đọc kỹ đề và xác định được yêu cầu của đề tài, thí sinh không nên vội vàng đặt bút làm bài luôn mà hãy giành khoảng 5 - 10 phút, lập dàn ý sơ lược ra giấy nháp với những gạch đầu dòng, tóm lược các ý quan trọng cần có để giải quyết yêu cầu của đề bài.
Kỹ năng quan trọng này sẽ giúp các thí sinh không còn lúng túng khi trình bày bài thi, tránh sai sót, nhầm lẫn hoặc viết “lan man”, không theo đúng nội dung yêu cầu.
Bài thi đủ 3 phần: Mở - Thân - Kết
Rất nhiều bạn lầm tưởng rằng chỉ khi thi môn Văn hay làm những câu hỏi có nhiều điểm mới cần “đầu tư” viết một bài thi đầy đủ cả 3 phần: Mở - Thân - Kết.
Thực tế là mỗi câu hỏi dù là ở môn Văn, Sử hay Địa, dù chiếm tới 5 điểm hay chỉ 2 điểm, thì thí sinh cũng nên trình bày theo dạng một bài văn với 3 phần Mở - Thân (nội dung chính) và Kết.
Tuy nhiên, thí sinh cũng cần lưu ý, ở môn Sử, Địa hoặc ở những câu hỏi chiếm ít điểm hơn trong môn Văn, phần Mở và phần Kết cần ngắn gọn hơn, chỉ dài khoảng 2 - 3 câu để dẫn dắt vào phần nội dung chinh và kết luận lại nội dung vừa trình bày.
Nói “không” với gạch đầu dòng
Với những bài thi ĐH của khối C thì gạch đầu dòng gần như là điều tối kỵ, các thầy cô chấm thi không hề vui khi nhìn thấy trong bài thi có la liệt các dấu gạch đầu dòng đâu nhé! Thay vì gạch đầu dòng, khi trình bày các ý lớn, thí sinh nên xuống dòng, lùi vào đầu dòng một ô để hình thành một đoạn văn.
Ở đầu dòng nên sử dụng các từ chuyển đoạn như: “Một là”, “Hai là”, “Không những thế”, “Ngoài ra”, “Đồng thời”… để liên kết các đoạn với nhau, giúp bài thi được súc tích, mạch lạc, rõ ý và gây ấn tượng với người chấm hơn.
Đừng “viết dài, viết dai, …viết dại”
Viết thật dài với nhiều tờ giấy thi không phải là điều gì… đáng tự hào khi làm bài thi ĐH khối C. Bởi vì không phải cứ viết càng dài thì điểm sẽ càng cao mà quan trọng là thí sinh phải viết đúng, viết đủ ý theo yêu cầu của đề bài.
Người chấm thi luôn chấm theo các ý dựa vào đáp án của Bộ GDĐT, do đó bài viết đủ và đúng ý, diễn đạt rõ ràng, mạch lạc thì sẽ giành được điểm cao.
Việc thí sinh viết quá dài, quá lan man vừa khiến người chấm khó tìm được ý chính của bài viết vừa khiến bài thi dễ sa đà vào những nội dung không cần thiết.
Hãy liên hệ thực tế, nếu cần!
Những môn thi khối C đều là những môn xã hội, vì thế việc liên hệ với những kiến thức thực tế xã hội là điều cần thiết trong các bài thi Văn, Sử, Địa.
Bên cạnh thể hiện đầy đủ và chính xác các nội dung theo yêu cầu của đề bài, thì sĩ tử nên khéo léo đưa vào bài thi những thông tin liên quan mà mình được biết từ cuộc sống, xã hội. Điều này, sẽ khiến bài viết của bạn gây ấn tượng hơn, được người chấm đánh giá cao hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý là các thông tin này được đưa vào bài thi chỉ như một thông tin mở rộng, không nên quá sa đà vào việc phân tích, giải thích các thông tin này mà xa rời nội dung chính của bài thi.
Đừng hoảng khi bạn cùng phòng xin thêm giấy thi
Trong quá trình làm bài thi, mỗi khi thấy bạn cùng phòng xin thêm giấy thi, nhiều sĩ tử thường bị hoang mang, lo lắng và nghĩ thầm: “Ôi, sao các bạn ấy viết dài thế nhỉ?, “Sao các bạn ấy viết nhanh thế?”… từ đó, tâm lý làm bài thi bị ảnh hưởng.
Trong tình huống này, các thí sinh nên hết sức bình tĩnh, không nên bị ảnh hưởng bởi xung quanh mà hãy tập trung vào bài thi của mình và đừng bao giờ quên nguyên tắc: “Không phải cứ viết dài là được điểm cao”, “các bạn ấy viết dài, viết nhanh không có nghĩa là các bạn ấy làm tốt hơn mình!”.