Theo Vi Linh, muốn học có hiệu quả thì trước hết mình phải yêu thích những gì mình học, thêm nữa là có mục đích rõ ràng cho việc học. Cách Vi Linh thấy hay nhất, đó là trên lớp tập trung nghe giảng và tóm tắt được ý của bài. Không biết gì, thắc mắc gì là hỏi ngay, hỏi cho đến khi nào thỏa mãn thì thôi.
Bên cạnh, lịch học đóng vai trò quan trọng giúp việc học và thi sao cho hiệu quả. Một tuần có 7 ngày, Vi Linh phân ra cứ hai ngày học một môn, ngày chủ nhật ôn 3 môn cùng lúc. “Trong lúc học môn này nếu thấy chán, mình sẽ lấy môn khác ra ôn coi như giải trí.” Vi Linh chia sẻ.
Bởi Linh nghĩ đơn giản đại học không phải là con đường duy nhất mình có thể đi, vì vậy áp lực thi cử không bao giờ tấn công được Vi Linh.
Sau đâu là những trải nghiệm học Văn, Sử, Địa của thủ khoa Trần Nữ Vi Linh muốn chia sẻ đến teen khối C, nhất là những sĩ tử khối C chuẩn bị vượt vũ môn kì thi sắp tới.
Văn: Viết to, rõ ràng, phân bố thời gian hợp lí cho từng câu
Môn Văn, cần đọc kĩ các tác phẩm văn xuôi, học thuộc các đoạn văn quan trọng và tất cả các bài thơ thuôc chương trình thi đại học. Vẽ sơ đồ hình cây để học được từng ý của mỗi tác phẩm văn thơ.
Trong khi làm bài, với câu 1 là câu tái hiện kiến thức thì nên dành 20 – 25 phút và viết hết sức ngắn gọn những ý trả lời. Câu 2 là câu nghị luận xã hội cố gắng viết 600 chữ theo yêu cầu của đề, có dẫn chứng cụ thể và gần gũi và mới nữa càng tốt.
Câu 3 là câu nghị luận văn học thường chọn giữa thơ và văn xuôi. Nếu chọn thơ thì trong bài viết phải có trích dẫn và phân tích kĩ từng dấu chấm dấu phẩy, có lời bình riêng càng tốt; còn nếu chọn văn thì cố gắng học thuộc để trích dẫn các đoạn quan trọng. Hạn chế tảy xóa, viết chữ to rõ ràng.
Lưu ý: Tránh bôi xóa, dùng những từ ít được sử dụng
Sử: hỏi gì viết nấy, viết thành từng ý chứ không viết thành bài
Môn Sử, cũng như môn địa ta học thuộc bằng cách viết ra giấy và ghi âm. Học thuộc cuốn sách giáo khoa cơ bản, đọc thêm trong sách nâng cao. Cần học thuộc một cách chắc chắc, không nên nhớ mang máng vì có thể khi viết sẽ sử dụng không đúng từ ngữ làm sai nghĩa của câu. Khi làm bài cũng không nên viết lan man, mỗi câu nên có mở bài thật ngắn gọn, trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.
Nên học theo kiểu cuốn chiếu từ đầu đến cuối để có sự liên kết thống nhất của các bài để nếu đề có hỏi câu hỏi mang tình tổng hợp cũng có thể làm được. Nhớ thật chắc ngày tháng năm các sự kiện đặc biệt, còn các sự kiện khác có thể nhớ tháng năm thôi cũng được.
Trong bài làm không được có các dấu trừ hay cộng, chỉ cần chừa khoảng trống theo thứ tự ý lớn ý nhỏ.
Lưu ý: Không được dùng các kí hiệu hay dấu gạch dấu cộng…
Địa: Tập trung lấy trọn điểm câu biểu đồ và trình bày rõ ràng
Môn Địa, ngoài việc học đầy đủ thông tin trong sách giáo khoa cơ bản và nâng cao, cần tích cực xem thông tin thời sự trong và ngoài nước. Sử dụng Atlat để học sẽ rất hiệu quả. Khi vào trong phòng thi thì không được mang theo Atlat, nhưng khi học bài, đặc biệt là đối với các bài về tự nhiên và dân cư, học với atlat sẽ nhanh nhớ và nhớ dai hơn rất nhiều.
Cần lưu ý nhớ thật chính xác các số liệu trong môn địa. Vì số liệu khó nhớ nên có thể quy nó ra thành ngày tháng năm nào đó cho sẽ nhớ. Để học thuộc bài thì có thể học đại ý trước, sau đó ghi ra giấy, vừa gi vừa đọc nhẩm trong đầu, đồng thời ghi âm lại lúc nào rảnh mở lên nghe.
Trong lúc làm bài lưu ý đề hỏi gì viết nấy không lan man, cố gắng làm xong câu này rồi mới qua câu khác tránh trường hợp chừa không đủ giấy, mỗi lần chuyển ý nên có câu dẫn cho bài mạch lạc. Nắm chắc cách vẽ, cách trình bày và nhận xét 5 loại biểu đồ: biểu đồ cột, biểu đồ miền, biểu đồ tròn, biểu đồ đường và biểu đồ kết hợp.
Lưu ý: Ý lớn dùng dấu trừ, ý nhỏ dùng dấu cộng.