Thứ nhất, giáo dục đại học Việt Nam phải tự mình từ bỏ những giá trị ảo. Để làm được điều này, việc đầu tiên cần thực hiện là cần tìm hiền tài, bảo vệ những người tâm huyết để giúp ngành đổi mới sự nghiệp giáo dục của Đảng thông qua xây dựng những mô hình điển hình tiên tiến không bệnh thành tích.
Thứ hai, giáo dục và đào tạo cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đại hoc, cao đẳng và dạy nghề thông qua sáp nhập chứ không chia tách. Một đất nước đang phát triển từ nền nông nghiệp lạc hậu sao cần lắm trường đại học đến thế, càng mở ra càng manh mún, càng yếu không hiện đại hóa được.
Đừng dựa vào văn hóa “đi bộ xa lắm, muốn có trường ngay ở tỉnh để các cháu học đi lại cho tiện” để mở các trường đại học mới.
Thứ ba, tiêu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đại học bằng chuẩn quốc tế càng nhiều càng tốt, đặc biệt khi phong chức danh Giáo sư, Phó giáo sư. Chỉ cần một tiêu chuẩn có thể mua được bằng tiền thì nó sẽ làm giá trị ảo tăng đột biến trong đội ngũ, như tiếng Anh phải dùng chuẩn của người Anh, người Mỹ, người Úc …
Đảng ta làm cách mạng Tháng 8 thành công chỉ với 5.000 đảng viên trong 25 triệu dân. Giáo dục đại học cần tinh không cần đông vì đây là nghề của trái tim và trí tuệ không phải ai cũng làm được.
Thứ tư, phải lấy kết quả nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn hoặc được thế giới công nhận qua các công bố là một tiêu chuẩn chính trong đánh giá năng lực của giảng viên đối với các trường đại học nghiên cứu.
Thứ năm, đãi ngộ đối với nhà giáo phải đi đôi với trách nhiệm. Hầu hết chế độ chính sách hiện nay không định lượng được nên thực chất là cào bằng, không có tác dụng sàng lọc để tìm ra và phát huy năng lực của các nhân tố giỏi, tích cực.
Thứ sáu, giải pháp cuối nhưng lại rất quan trọng, đó là phải làm cho xã hội hiểu được rằng đổi mới giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của mọi người, của xã hội và gia đình không thể khoán trắng cho nhà trường. Môi trường con người ta lớn lên và xã hội ta sống là nhân tố quyết định tạo nên nhân cách con người cho ta.
Giáo dục đại học Việt Nam muốn trở về giá trị thật, trước hết cần xem xét và kiên trì thực hiện kiên quyết 6 giải pháp nói trên. Tất cả những tồn tại khác sẽ tự được khắc phục khi triển khai tốt 6 giải pháp này bởi vì nhóm giải pháp này tập trung chính nhằm thay đổi nhân tố con người.
Đến nay, việc vận động, khuyến khích, giáo dục hiệu quả còn thấp nên rất cần có cơ chế, chế tài khoa học và logic mới có thể giúp đổi mới thành công. Đó cũng là bài học của các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Tất nhiên, cái giá phải trả cho sự thành công này sẽ vô cùng đắt mà chưa ai lường trước được nhưng nếu vì tổ quốc thì đắt đến mấy cũng phải làm.
"Không cần nhiều tiền và cũng không nhất thiết phải có học sinh, sinh viên thông minh đầu vào mới giáo dục được nên người. Cái cần lớn nhất là mỗi nhà quản lý giáo dục, giáo viên và giảng viên phải dành được phần nhiều trong trái tim của mình cho sự nghiệp và tổ quốc như thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiền đã khó, nhưng hiến dâng trái tim cho sự nghiệp thì còn khó gấp vạn lần".
PGS.TS. Phan Quang Thế