Ung thư xuất phát từ thực quản bao gồm hai dạng chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến tùy thuộc vào loại tế bào ung thư. Nó cũng có thể xâm lấn ra hầu hết bộ phận khác của cơ thể bao gồm gan, phổi, não, xương...
Theo các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không có biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên khi khối u phát triển, có thể xuất hiện các dấu hiệu:
- Nuốt đau, nuốt khó.
- Gầy sút cân nhiều.
- Đau họng hoặc lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
- Rát họng hoặc ho kéo dài.
- Nôn.
- Ho ra máu.
Các triệu chứng này có thể do ung thư thực quản gây ra hoặc do một căn bệnh khác. Nếu xuất hiện các triệu chứng này, bạn cần phải đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe.
Để chẩn đoán ung thư thực quản, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm như chụp ảnh thực quản có uống thuốc cản quang; nội soi thực quản.
Nếu có nghi ngờ vùng bất thường của thực quản, bác sĩ có thể lấy bệnh phẩm tế bào và mô bệnh học làm giải phẫu bệnh, từ đó nhìn thấy tổ chức ung thư hoặc các bất thường dẫn đến ung thư hay tổn thương khác.
Phác đồ điều trị bệnh phụ thuộc một số yếu tố như kích thước, vị trí, sự lan tràn khối u và tình trạng chung của bệnh nhân. Phẫu thuật là biện pháp chủ yếu điều trị ung thư thực quản.
Thông thường khối u được mổ lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, tổ chức bạch huyết kế cận và các tổ chức khác trong vùng. Phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp bệnh nhân vẫn tiếp tục nuốt như bình thường.
Trong một số trường hợp đoạn nối có thể được tạo bởi một đoạn ruột non hoặc một ống nhựa. Bên cạnh đó, còn các phương pháp như xạ trị, hóa trị, điều trị laser, điều trị quang động học…
Cách tốt nhất dự phòng bệnh là từ bỏ hoặc không bao giờ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu. Các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm kiếm các khả năng làm giảm nguy cơ bị ung thư thực quản bằng cách thay đổi chế độ ăn, tăng lượng rau và hoa quả ăn hàng ngày.