Làm theo sở thích của con
Cảm giác thích thú khi tiếp xúc với người khác sẽ đến một cách tự nhiên hơn khi trẻ được làm điều gì đó mà chúng thực sự yêu thích. Cho dù đó là tham gia một môn thể thao, chơi một nhạc cụ hay tham gia câu lạc bộ mà chúng mong muốn, đây là bước đầu tiên giúp trẻ xây dựng kỹ năng xã hội.
Những hoạt động này cũng đặt một đứa trẻ vào môi trường cùng với những người bạn có cùng chí hướng mà đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Dĩ nhiên, trẻ cũng cần giao tiếp với những đứa trẻ có sở thích khác nhau, nhưng bắt đầu với những người bạn cùng sở thích là một cách tuyệt vời để quá trình xây dựng các kỹ năng xã hội trở nên dễ dàng hơn.
Học cách đặt câu hỏi
Đôi khi trẻ bất giác cảm thấy lo lắng hoặc cuộc trò chuyện bị chậm lại, điều này khiến trẻ thể trở nên hướng nội hơn và luôn gặp khó khăn trong các tình huống xã hội trong tương lai.
Theo Trung tâm Phát triển & Học tập tại Hoa Kỳ, có một số cách trẻ em có thể bắt đầu và thực hiện các cuộc trò chuyện tích cực với người khác. Trong đó, một cách quan trọng là đặt câu hỏi.
Theo giới chuyên gia, cách tốt nhất để tìm hiểu về người khác và hình thành các mối quan hệ là đặt câu hỏi liên quan cụ thể đến người mà trẻ đang nói chuyện cùng.
Khuyến khích con bạn đặt những câu hỏi mở, tạo điều kiện để người trả lời trò chuyện và chia sẻ nhiều hơn, thay vì chỉ nói “có” hoặc “không’.
Thực hành nhập vai
Bắt đầu với những người bạn cùng sở thích là một cách tuyệt vời để quá trình xây dựng các kỹ năng xã hội trở nên dễ dàng hơn. (Ảnh: ITN) |
Trò chơi giả định thú vị với cả trẻ nhỏ và trẻ lớn hơn, đây cũng là một cách tuyệt vời để trẻ tích cực thực hành các kỹ năng xã hội.
Hãy để con giả vờ là người mà chúng gặp khó khăn khi nói chuyện hoặc khó hòa đồng. Điều này sẽ cho bạn biết người này là người như thế nào, hoặc ít nhất là cách con bạn nhìn nhận về người cụ thể này.
Sau đó đổi vai để xem con bạn làm như thế nào khi giả vờ tương tác với người đó. Đề xuất những cách con có thể nói chuyện hiệu quả hơn. Đừng quên nhắc con sử dụng ngôn ngữ cơ thể, chẳng hạn như mỉm cười và giao tiếp bằng mắt.
Dạy sự đồng cảm
Nếu trẻ thấu hiểu về cảm giác của người khác, chúng có nhiều khả năng cảm thấy được kết nối với người khác và hình thành các mối quan hệ tích cực.
Cha mẹ nên dạy con về sự đồng cảm bằng cách nói về các tình huống và kịch bản khác nhau với con. Tích cực hỏi han những người khác cảm thấy như thế nào khi điều gì đó xảy ra. Một phần của việc dạy sự đồng cảm là giúp trẻ học cách tích cực lắng nghe người khác.
Điều này liên quan đến việc tập trung vào những gì người khác đang nói và sau đó suy nghĩ về những điều họ nói khi cuộc trò chuyện kết thúc.
Biết giới hạn của con
Một số trẻ chỉ đơn giản là có tính xã hội hơn những trẻ khác. Một đứa trẻ nhút nhát và hướng nội không nên tương tác giống như một đứa trẻ hướng ngoại tự nhiên.
Một số trẻ cảm thấy thoải mái khi ở trong môi trường đông người, trong khi những trẻ khác cảm thấy dễ dàng liên hệ với bạn bè hơn khi ở trong các nhóm nhỏ hơn.
Việc hiểu giới hạn thời gian của trẻ cũng rất quan trọng. Trẻ nhỏ hơn và những người có nhu cầu đặc biệt có thể chỉ cảm thấy thoải mái khi giao tiếp trong một hoặc hai giờ.
Trở thành một tấm gương tốt
Cha mẹ cần phải ý thức được cách mình tương tác với người khác khi con đang quan sát. Bạn có đang đặt câu hỏi cho người khác và sau đó dành thời gian để lắng nghe tích cực không? Bạn có thể hiện sự đồng cảm thực sự với bạn bè và gia đình trong cuộc sống của mình không?
Việc trở thành một tấm gương hiệu quả đòi hỏi nỗ lực có ý thức và suy tính trước. Trẻ em không ngừng quan sát người lớn, nhưng chúng sẽ cần thời gian để phát triển các kỹ năng xã hội tốt. Kỹ năng xã hội là thứ được phát triển và cải thiện trong suốt cuộc đời.