6 “bí quyết” học online hiệu quả

6 “bí quyết” học online hiệu quả

Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể đạt được hiệu quả khi học trực tuyến, nếu có không gian yên tĩnh, tránh xao nhãng và tập trung khi học trực tuyến.

Nếu một học sinh chỉ ngồi và lắng nghe thông tin mới mà không tham gia hoặc vận dụng, quá trình này được gọi là học thụ động. Học tập tích cực là khi học sinh tham gia tiếp thu những kiến thức mới, tạo ra sự kết nối với các khái niệm mà họ đã học trước đó.

Giáo sư Eric Mazur - một trong những nhà GDĐH hàng đầu thế giới của Trường Đại học Harvard (Mỹ) cho biết, học tập tương tác giúp học sinh nhận được kiến thức gấp 3 lần. Dưới đây là 6 điều người học có thể thực hiện trong quá trình học trực tuyến, nhằm bảo đảm học tập tích cực và đạt được hiệu quả.

1. Thiết lập không gian học tập

Claire Brown - Giám đốc chương trình Tình nguyện viên Australia vì sự Phát triển Quốc tế và điều phối viên chương trình - Rannah Scamporlino, thuộc Đại học Victoria (Australia) cho rằng, việc kê máy tính xách tay lên đùi trong khi học trên giường, hoặc khi tivi đang bật không phải là phương pháp hữu hiệu. 

Trái lại, việc học sẽ trở nên hiệu quả nhất khi không gian học tập giảm thiểu tối đa sự xao nhãng.

Theo đó, một không gian học tập thích hợp sẽ có bàn và ghế, ánh sáng tốt, không khí thông thoáng. Ngoài ra, người học cần tránh xa các yếu tố gây phiền nhiễu như tivi và tiếng ồn. 

Phụ huynh cũng được khuyến cáo bảo đảm cho trẻ có kết nối Internet tốt để học trực tuyến. Người học nên trang bị những dụng cụ thông thường mà các em có ở trường, như: Bút, giấy, máy tính và tài liệu liên quan.

"Học trực tuyến cũng giống như ở trường. Trẻ cần chuẩn bị về thể chất và tinh thần để học. Một nghiên cứu cho thấy, trang phục đang mặc có thể ảnh hưởng đến sự tập trung của bạn trong một nhiệm vụ. Vì vậy, trẻ không thể mặc đồ ngủ ngay cả khi không gian học tập là ở trong phòng", hai chuyên gia nhấn mạnh.

2. Sắp xếp thời gian học tập

Theo bà Brown và Scamporlino, người có kỹ năng quản lý thời gian tốt có xu hướng học tập hiệu quả hơn. Hiện tại, chưa có câu trả lời về việc liệu học sinh nên học bao lâu mỗi ngày khi ở nhà. Tuy nhiên, phụ huynh có thể lập kế hoạch và sắp xếp thời gian biểu, cho phép trẻ cân đối thời gian giữa việc học, ôn tập và nghỉ ngơi.

Theo các chuyên gia này, người học sẽ không tránh được mệt mỏi do não bộ có những cách khác nhau để xử lý thông tin trực tuyến. Do đó, trẻ được khuyến cáo nên học trực tuyến không quá 45 phút và dành 15 phút để nghỉ ngơi.

"Nên tránh để con học liên tục. Ngoài ra, trẻ cần rời khỏi màn hình máy tính sau một thời gian học để não bộ, cơ thể và mắt được nghỉ ngơi. Điều quan trọng là, cứ sau 30 phút học trực tuyến, trẻ nên đứng lên và đi lại xung quanh", hai chuyên gia nhấn mạnh.

3. Gạt bỏ phiền nhiễu

Do phải học tập tại một không gian hoàn toàn khác so với khi đến trường, trẻ có thể dễ dàng bị phân tâm bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là hành động của người thân trong gia đình. 

Bà Brown và Scamporlino cho rằng, các thành viên trong gia đình nên nắm rõ lịch học của trẻ. Nhờ đó, mọi người sẽ hạn chế gây xao nhãng và giúp con hoàn thành quá trình học trực tuyến.

"Trong quá trình học trực tuyến, hãy tắt các ứng dụng khác không liên quan. Các phụ huynh có thể sử dụng tiện ích mở rộng mang tên Stay Focusd, giúp chặn các tác nhân gây xao nhãng như thông báo từ một số ứng dụng", hai nhà giáo dục chia sẻ.

4. Ghi chép

Nhiều nghiên cứu cho thấy, con người sẽ quên ít nhất 40% thông tin mới trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi đọc hoặc nghe về điều gì đó. Vì vậy, yếu tố quan trọng để học trực tuyến trở nên hiệu quả chính là ghi chép.

Nhà giáo dục Brown và Scamporlino nhận định, phụ huynh cần giúp trẻ tuân theo quy trình ghi chép. Con cần viết lại chủ đề chính của bài học. Sau mỗi buổi, trẻ nên xem lại những gì mình đã ghi chép. Ngoài ra, bố mẹ có thể yêu cầu con viết tóm tắt các thông tin đã học và trả lời một số câu hỏi.

5. Hình thành tư duy cầu tiến

Vào những năm 1990, nhà tâm lý học người Mỹ Carol Dweck đã phát triển lý thuyết về tư duy cầu tiến. Lý thuyết này được phát triển từ các nghiên cứu, trong đó trẻ em tiểu học tham gia vào một nhiệm vụ và được khen ngợi về năng lực, trí thông minh, hoặc nỗ lực.

Kết quả là, những trẻ được khen ngợi vì nỗ lực là người có khả năng kiên trì trong việc tìm ra cách giải quyết trong nhiệm vụ. Các học sinh này cũng thường mong muốn nhận được đánh giá để cải thiện. Trong khi đó, trẻ được khen ngợi về trí thông minh sẽ ít có sự kiên trì với các nhiệm vụ khó cũng như mong chờ nhận xét từ người khác.

Tư duy cầu tiến giả định rằng, năng lực có thể được phát triển thông qua học tập và nỗ lực. Vì vậy, nếu không hiểu điều gì đó trong khi học, trẻ nên chia sẻ và tìm hiểu thêm để giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên khuyến khích con ngừng phàn nàn như: "Bài này quá khó!". Thay vào đó, trẻ cần nghĩ tới việc mình nên làm gì để vượt qua thách thức.

6. Đặt câu hỏi và hợp tác

Để việc học trực tuyến đạt hiệu quả cao, trẻ cần đặt câu hỏi cho giáo viên về bất cứ điều gì mình chưa rõ.

"Cung cấp cho giáo viên thông tin phản hồi thường xuyên. Giáo viên sẽ đánh giá cao những đề xuất giúp cải thiện việc học tập của trẻ", hai chuyên gia giáo dục nhận định.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể giúp con thành lập các nhóm học tập trực tuyến. Theo bà Brown và Scamporlino, học tập là một hoạt động xã hội. Vì vậy, trẻ sẽ học được nhiều nhất khi tham gia hoạt động này cùng những người khác. 

Học tập với bạn bè sẽ giúp trẻ hiểu rõ các khái niệm mới cũng như ngôn ngữ và duy trì kết nối giữa mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.