Trải qua chặng đường 55 xây dựng và phát triển, vượt qua vô vàn những khó khăn và thách thức, bằng tinh thần năng động, sáng tạo, bản lĩnh trước những biến chuyển của thời cuộc cùng sự tâm huyết và nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ, giáo viên và sinh viên, đến nay trường Đại học Mỏ - Địa chất đã trở thành một trường đại học chuyên ngành lớn đào tạo các ngành liên quan đến địa chất, đất đai và nhiều lĩnh vực khoa học quan trọng khác đáp ứng nhu cầu xã hội và phục vụ sự nghiệp phát triển mạnh mẽ của đất nước.
Sứ mệnh tiên phong và những mốc son tự hào
Ngày 8-8-1966, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 147/QĐ-CP thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở Khoa Mỏ - Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 15 tháng 11 năm 1966 Trường Đại học Mỏ - Địa chất chính thức khai giảng khóa học đầu tiên tại làng Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ - Thuận Thành - Hà Bắc (nay là Bắc Ninh). Năm đầu tiên thành lập, trường chỉ có 4 Khoa và 2 Ban đó là: Khoa Mỏ, Khoa Địa chất thăm dò, Khoa Địa chất Công trình, Khoa Trắc địa, Ban Khoa học cơ bản và Ban Tại chức. Kể từ ngày đó, trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn mang trong mình sứ mệnh tiên phong là đào tạo nên những thế hệ cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên phục vụ cho công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà.
Ra đời trong những năm tháng cực kỳ khó khăn, giai đoạn 1966-1967 khi nước nhà đang phải chịu cảnh chiến tranh chia cắt, Trường Đại học Mỏ - Địa chất khi ấy đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đào tạo, nghiên cứu khoa học và thực hiện hàng trăm hợp đồng phục vụ sản xuất và chiến đấu. Những công trình tiêu biểu như: tham gia công trình H8 (sân bay ngầm) cùng công binh Bộ Quốc phòng, thầy giáo và sinh viên Khoa Cơ - Điện tham gia nghiên cứu chế tạo thiết bị thông nòng pháo; thầy giáo và sinh viên Khoa Trắc địa thực hiện công trình đo vẽ bản đồ địa hình cho các tỉnh Hà Bắc, Bắc Thái, Lai Châu... phục vụ kịp thời cho sản xuất và chiến đấu.
Những thành tích ấy đã được Nhà nước và Chính phủ trao tặng: Huân chương Chiến công hạng Ba, được các địa phương đánh giá cao và tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Những năm chống Mỹ, đã có hàng ngàn thầy giáo và sinh viên của Nhà trường lên đường tham gia chiến đấu giải phóng Miền Nam. Trong số đó có nhiều đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, góp trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Sau khi đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, toàn bộ hoạt động của Nhà trường được chuyển về Hà Nội, tiếp đó được xây dựng và cải tạo nhiều lần và chính thức có cơ sở vĩnh cửu vào năm 1988. Cùng với thời kỳ đổi mới và hội nhập của đất nước, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cũng từng bước đổi mới, mở rộng quy mô và ngành nghề đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học…Dần dần trở thành một trường đại học uy tín, chất lượng top đầu Việt Nam.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo và thành công
Sau 55 xây dựng và phát triển, sự nỗ lực, sáng tạo, không ngừng đổi mới và cống hiến của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng rất nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba (1976), Huân chương Lao động hạng Nhì (1981), Huân chương Lao động hạng Nhất (1986), Huân chương Độc lập hạng Ba (1990), Huân chương Độc lập hạng Nhì (1996), Huân chương Độc lập hạng Nhất (2001), Danh hiệu Anh hùng Lao động (2004), Huân Chương Hồ Chí Minh (2006), Huân chương Độc lập hạng Ba (2016). Bên cạnh đó, liên tục nhiều năm Nhà trường được công nhận là “Tập thể Lao động Xuất sắc”. Năm 1998, 2011 được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; năm 2011, 2016 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2011, 2016.
Chất lượng đào tạo của trường Đại học Mỏ - Địa chất luôn được đánh giá cao với đầu ra là các kỹ sư, cán bộ, nhà khoa học… có trình độ chuyên môn cao, vững vàng. Minh chứng rõ nét cho sự bứt phá về chất lượng đào tạo của trường có thể kể đến một số kết quả nổi bật như: Từ năm 2016-2020, có 13 báo cáo khoa học của sinh viên đạt giải cấp Bộ; sinh viên nhà trường đạt giải A cuộc thi “Nước và Cuộc sống” do Tổng cục Môi trường tổ chức năm 2016; đạt giải Nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka” năm 2018, giải Khuyến khích năm 2019, 2020...và rất nhiều các giải thưởng lớn khác.
Không chỉ chú trọng đào tạo, Nhà trường còn rất quan tâm đến việc trang bị kỹ năng, hướng dẫn sinh viên sau để khi tốt nghiệp ra trường tìm kiếm việc làm thích hợp. Từ năm 2019, nhà trường đã thành lập Phòng Quan hệ công chúng và Doanh nghiệp nhằm giúp đỡ sinh viên định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn đang học và tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi ra trường. Từ năm 2014 đến nay, nhà trường đã tổ chức thành công các chương trình Ngày hội việc làm cho sinh viên, thu hút nhiều nhà tuyển dụng là các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong cả nước tham gia. Từ đó, cơ hội việc làm của sinh viên được mở rộng và thuận lợi hơn rất nhiều.
55 năm đã qua là một hành trình dài đầy tự hào của các thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Nói về định hướng phát triển của Trường Đại học Mỏ - Địa chất giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “phương hướng phát triển Trường Đại học Mỏ - Địa chất là trở thành cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn vào năm 2030; có bước đột phá về chất lượng, hiệu quả đào tạo và nghiên cứu khoa học; có lộ trình cụ thể và thực hiện những bước đi đầu tiên để phát triển Trường Đại học Mỏ - Địa chất thành ĐẠI HỌC ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU vào năm 2030 theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đạt trình độ ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, góp phần đưa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hội nhập quốc tế”.