"Jack the Ripper" (tạm dịch: Jack - kẻ sát nhân đồ tể) là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất trong những kẻ sát nhân hàng loạt nổi tiếng nhất trong lịch sử.
Trong khoảng 3 năm từ năm 1888, hắn là nỗi khiếp đảm với người dân London và sự xấu hổ của cảnh sát nước Anh khi lần lượt 11 nạn nhân, trong đó đa phần là phụ nữ, bị sát hại một cách tàn bạo và bệnh hoạn.
Các cuộc tấn công được gán cho Jack the Ripper thường liên quan đến gái mại dâm sống và làm việc trong các khu ổ chuột của London.
Khu Whitechapel, một trong những địa bàn "hoạt động" của Jack the Ripper
Cơn ác mộng Jack the Ripper bắt đầu vào thứ Sáu, ngày 31/8/1888, khi cơ thể của một phụ nữ tên là Mary Ann Nichols, 42 tuổi, được tìm thấy ở phố Bucks Row (nay là phố Durwald).
Mặt mũi nạn nhân bầm tím và cổ họng bị cứa hai vết sâu, bụng của Nichols cũng có vết rạch lớn. Nichols sau đó đã được công nhận là nạn nhân đầu tiên của Jack the Ripper.
Ngày 8/9/1888, nạn nhân thứ hai đã được phát hiện. Đó là Annie Chapman, 47 tuổi, một phụ nữ sống bằng nghề “ăn sương” (ý chỉ gái mại dâm).
Thi thể của cô được tìm thấy trên một lối đi bộ phía sau phố Hanbury. Một số tài sản cá nhân vương vãi xung quanh. Cũng giống như Nichols, hầu như không còn phần nội tạng nào của Chapman còn nguyên vẹn.
Ngày 28/9, hãng Thông tấn Trung ương Anh nhận được một lá thư ký tên Jack the Ripper tự nhận là tác giả của hai vụ thảm sát nói trên và đe dọa sẽ còn nhiều nạn nhân nữa.
Bức thư viết bằng máu mà Jack the Ripper cả gan gửi đến cho báo chí đương thời
Cái tên “Jack đồ tể” nhanh chóng hằn sâu vào nỗi sợ hãi của người dân sau khi nó xuất hiện trên nhiều tờ báo cùng lúc.
Cả khu vực Whitechapel ở East End hoảng loạn. Một số kẻ quá khích thậm chí còn tấn công bất cứ ai mang theo túi màu đen sau khi có tin đồn lan truyền rằng Jack the Ripper luôn mang dao trong túi để sẵn sàng hành động.
Ngày 30/9/1888, tức chỉ hai ngày sau, đã cho thấy những lời đe dọa của Jack the Ripper không phải là nói suông, khi mà có tới hai nạn nhân nữa bị sát hại trong khoảng thời gian cách nhau không lâu.
Elizabeth Stride là một trong hai người phụ nữ không may mắn đó. Xác của cô gái điếm này được tìm thấy ở phố Berner vào lúc 1 giờ sáng. Hiện trường xung quanh cho thấy dường như đã có một cuộc vật lộn dữ dội giữa nạn nhân và thủ phạm.
Nạn nhân tiếp theo được phát hiện chỉ 45 phút sau đó, trên một con hẻm chỉ cách phố Berner vài phút đi bộ. Chứng kiến thi thể củaCatherine Eddowes, 43 tuổi, không ai có thể kìm nén được lòng thương cảm.
Ngày 9/11, “Kẻ sát nhân đồ tể” tái xuất giang hồ. Nạn nhân mới nhất tên là Mary Jeanette Kelly, một cô gái 25 tuổi xinh xắn.
Thi thể của cô được tìm thấy trong phòng trọ tại khu nhà Millers ở phố Dorset Street (ngày nay là phố Duval Street). Cảnh tượng trong phòng vô cùng kinh khủng. Người thu tiền nhà trọ phát hiện ra thi thể của Kelly, nói: "Tôi sẽ bị ám ảnh từ nay đến cuối đời".
Năm nạn nhân: Mary Ann Nichols, Annie Chapman, Elizabeth Stride, Catherine Eddowes và Mary Jane Kelly, tất cả đều bị giết từ 31 tháng Tám và 09 tháng 11 năm 1888, được biết đến như là "năm vụ án kinh hoàng của Jack đồ tể".
Thủ phạm là ai?
Việc loại bỏ các cơ quan nội tạng từ ít nhất ba trong số các nạn nhân dẫn đến đề xuất rằng kẻ giết người của họ sở hữu kiến thức giải phẫu hoặc phẫu thuật.
Vì sự tàn bạo, bệnh hoạn trong cách giết người của Jack mà câu chuyện về kẻ sát nhân điên cuồng này càng ngày càng lan rộng.
Hình minh họa
Một cuộc điều tra của cảnh sát về một loạt 11 vụ giết người tàn bạo tại Whitechapel cho đến năm 1891 đã không thể kết nối tất cả các vụ giết người một cách thuyết phục với các vụ giết người trước đó của năm 1888.
Theo phán đoán của cảnh sát, chỉ còn 4 nhân vật có tình nghi lớn nhất là Jack the Ripper, bao gồm:
Kosminski, một người Ba Lan gốc Do Thái sống trong khu ổ chuột của Whitechapel; Montague John Druitt, một luật sư kiêm giáo viên đã tự tử vào tháng 12/1888.
Michael Ostrog, một kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp và lừa gạt; và Francis J. Tumblety, 56 tuổi, một lang băm người Mỹ bị bắt vào tháng 11/1888 vì tội quấy rối tình dục và đã chuồn khỏi nước Anh sau khi được bảo lãnh tại ngoại.
Tuy nhiên, để khoanh vùng bốn nghi phạm này cảnh sát chỉ dựa trên phân tích và phán đoán chứ không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào. Vì vậy, kẻ “sát nhân đồ tể” chưa bao giờ bị mang ra xét xử.
Bế tắc trong việc tìm ra thủ phạm cộng với sự hoảng sợ và giận dữ của công chúng trước kẻ sát nhân bệnh hoạn đã buộc giám đốc cảnh sát London khi đó là Charles Warren phải từ chức.
Mặc dù hồ sơ vụ án đã được khép lại nhưng đề tài “Jack the Ripper” vẫn luôn nóng hổi trong các tác phẩm văn học, báo chí, điện ảnh và nhiều loại hình dịch vụ ăn theo ở nước Anh.
Sự bí hiểm của vụ sát nhân hàng loạt đã được đẩy lên tới mức toàn bộ sự thật đã được kịch tính hóa và nhào nặn để rồi trong đầu người dân ngày nay chỉ còn đọng lại các tình huống và hình ảnh hư cấu.