Nhóm 5 Trường ĐH Mở khu vực Đông Nam Á bao gồm: Trường ĐH Mở Malaysia; Trường ĐH Mở Sukhothai Thammathirat (Thái Lan); Trường ĐH Terbuka Indonesia, Trường ĐH Mở Philippine và Trường ĐH Mở Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Bí Thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội cho hay, thời gian qua, 5 trường trong nhóm OU5 đã có những nghiên cứu về thể chế, chính sách, về kinh tế xã hội, giáo dục mở ở các nước trong khối ASEAN.
Các nghiên cứu đã cung cấp cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn cho các vấn đề không chỉ tác động riêng tới mỗi trường đại học, mà còn tác động tới cơ chế, chính sách đối với ngành giáo dục cũng như đối với toàn xã hội; 5 nghiên cứu chung được thực hiện rất trách nhiệm và đã thu được những kết quả nhất định.
Đối với giáo dục Việt Nam, năm 2023 sẽ tổng kết 10 năm thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Trong đó, phát triển hệ thống giáo dục mở là vấn đề được Chính phủ, các cấp lãnh đạo quan tâm.
Cùng thời điểm này, Trường ĐH Mở Hà Nội đang tổ chức hội thảo quốc gia về giáo dục mở với sự tham gia của 200 đại biểu đến từ các đơn vị hợp tác, giảng viên và sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Bí Thư Đảng Ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. |
“Chúng ta tin tưởng, kết quả nghiên cứu của Trường ĐH Mở Hà Nội cùng nhóm OU5 và các nghiên cứu trong nước đã, đang và sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng hệ sinh thái giáo dục mở ở mỗi nước và các nước trong khu vực” - PGS.TS Nguyễn Mai Hương bày tỏ.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Mở Hà Nội mong muốn, nhóm 5 Trường ĐH mở của 5 nước không chỉ dừng lại ở các hoạt động học thuật, mà còn triển khai mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa ở các lĩnh vực hợp tác, liên kết đào tạo đại học; trao đổi giảng viên, sinh viên; xây dựng tài nguyên giáo dục mở; công tác đảm bảo chất lượng và thực hiện các hoạt động xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời trong khu vực.
Đại diện đến từ Trường ĐH Mở Malaysia, PGS.TS Thirumeni T Subramaniam trân trọng và ủng hộ mối quan hệ đặc biệt mà nhóm OU5 đang có. “Đã đến lúc chúng ta cùng nhau vạch ra tương lai” - PGS.TS Thirumeni T Subramaniam nói.
Dựa vào các báo cáo mà các nhóm nghiên cứu trình bày, PGS.TS Thirumeni T Subramaniam cho rằng, có thể mở rộng thành kế hoạch 5 năm cho mạng lưới của mình nhằm hiện thực hóa tầm nhìn, tiếp tục phát triển thành "trường đại học của tương lai".
PGS.TS Thirumeni T Subramaniam tham luận tại hội nghị. |
“Chúng ta hãy sát cánh cùng nhau để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn và phát triển nền giáo dục kỹ thuật số toàn diện, hiện đại trong khu vực ASEAN. Chúng ta cần sáng tạo trong việc mang lại trải nghiệm học tập hấp dẫn cho tất cả người học, kết hợp nghệ thuật và công nghệ để đạt được các mục tiêu giáo dục cùng các mục tiêu của mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta phát triển theo hướng thành lập cộng đồng đại học đổi mới” - PGS.TS Thirumeni T Subramaniam nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Dịp này, lễ ký kết bổ sung thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng học liệu ASEAN Study cũng được thực hiện.
Hội nghị là dịp để 5 trường tổng kết những việc đã làm được từ sau khi diễn ra cuộc họp gần nhất đến giờ; đồng thời thống nhất về phương hướng, kế hoạch chung của nhóm trong năm 2024.
Các đề tài khoa học đã và đang triển khai chung được các nhóm nghiên cứu báo cáo rõ ràng, cụ thể với một số nội dung trọng tâm như: Sáng tạo trong giảng dạy trong kỷ nguyên 4IR; Metaverse trong việc thúc đẩy thiết kế học tập hiệu quả cho các môn thực hành tại các trường Đại học Mở ở ASEAN; Người bản địa ở ASEAN; Quản lý giảm thiểu rủi ro do thiên tai trong khối ASEAN; Phát triển bền vững các trường đại học mở trong khối ASEAN. Các nhóm nghiên cứu mới cũng tiến hành gặp gỡ và họp về định hướng nghiên cứu “Trường đại học tương lai” trong thời gian sắp tới.