Là mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh, Facebook đang gặp phải không ít rắc rối từ đối thủ cũng như những vấn đề liên quan tới việc cân bằng trải nghiệm người dùng với lợi nhuận. Kể từ khi ra mắt tới thời điểm hiện tại, không ít lời đồn đại đã được dành cho Facebook với những hoạt động của mạng xã hội này. Dưới đây là 5 tin đồn phổ biến nhất trong lịch sử Facebook .
1. Facebook sẽ thu phí sử dụng
Không ít lần, những tin đồn "giật gân" liên quan tới việc Facebook sẽ thu phí sử dụng xuất hiện tràn lan trên Internet . Mặc cho rất nhiều người dùng biết rằng đây chỉ là tin đồn thất thiệt, thế nhưng một bộ phận không nhỏ người dùng cả tin và đã chuẩn bị tinh thần... chuyển nhà khỏi Facebook.
Facebook sẽ miễn phí và mãi mãi miễn phí.
Thời gian trước đây, từng có tin đồn Facebook sẽ thu phí sử dụng 5 USD mỗi tháng với mỗi người dùng trong khi đó thời gian gần đây con số này giảm xuống chỉ còn 1 USD. Tất cả những tin đồn này đều không có căn cứ, chỉ với việc thu phí sử dụng, Facebook có thể mất lượng người dùng không nhỏ.
Thêm vào đó, miễn phí luôn là "kim chỉ Nam" của Facebook. Với doanh thu đạt được từ quảng cáo mỗi giờ, có lẽ Facebook không cần thu phí sử dụng người dùng. Trang chủ của Facebook vẫn luôn tồn tại dòng chữ "Miễn phí và sẽ luôn miễn phí", CEO cùng COO của Facebook cũng liên tục nhắc lại rằng Facebook sẽ không bao giờ thu phí người dùng. Thế nên nếu tin đồn này lại xuất hiện, bạn đã biết sự chân thực của chúng.
2. Facebook là sản phẩm "ăn cắp"
Trong quá trình thành lập Facebook, nhiều người cho rằng Mark Zuckerberg đã đánh cắp ý tưởng thành lập mạng xã hội này từ một nhóm sinh viên Harvard. Tin đồn này cho rằng trong quá trình học tập tại Harvard, Mark Zuckerberg được nhóm sinh viên "đại gia" thuê lập trình mạng xã hội mang tên Harvard Connection và anh đã đánh cắp thông tin về website này để từ đó thành lập Facebook.
Mark Zuckerberg có được thuê để phát triển Harvard Connection nhưng anh không lấy bất kì thông tin nào của website này.
Tất nhiên, một số tính năng kết nối trong Harvard Connection tương đồng với Facebook. Thế nhưng, nhìn vào tiền thân của Facebook là Facemash do chính Mark Zuckerberg sáng lập, có thể thấy sự tương đồng của hai sản phẩm này chứ không phải là Harvard Connection. Facemash ban đầu được Mark sáng lập để sinh viên tại Harvard có thể chia sẻ hình ảnh sau đó đánh giá hình ảnh của bạn bè.
Sau đó, một vụ kiện giữa nhóm sinh viên đứng sau Harvard Connection với Mark Zuckerberg đã diễn ra. Facebook khi đó đã có chỗ đứng, chấp nhận chi 61 triệu USD để làm êm vụ việc. Những người tham gia vào vụ việc này cho biết nhóm Harvard Connection không có đủ căn cứ để chống lại Facebook, việc Mark Zuckerberg chi tiền cho nhóm này cũng chỉ để mọi chuyện qua nhanh hơn. Tình tiết rắc rối này sau đó đã được đưa vào bộ phim nổi tiếng "The Social Network" có liên quan tới lịch sử cùng quá trình sáng lập nên Facebook.
3. Sẽ có công ty khác mua lại Facebook
Đây không phải là lần đầu tiên tin đồn này xuất hiện. Đúng là ở thời điểm Facebook mới xuất hiện, cả Yahoo! cùng Google đều có ý định mua lại Facebook. Mặc dù vậy trong buổi gặp mặt đại diện Yahoo!, Mark Zuckerberg đã đưa ra con số 1 tỷ USD cho Facebook. Lãnh đạo tại Yahoo! cho rằng đây là con số không tưởng khi mà mạng xã hội MySpace đình đám lúc đó với lượng người dùng hơn hẳn Facebook cũng chỉ được định giá 580 triệu USD.
Được Microsoft định giá tới 15 tỷ USD chính là đòn bẩy hiệu quả nhất cho sự phát triển của Facebook sau này.
Những lần sau đó, Mark Zuckerberg từ chối bán Facebook. Và đây có vẻ là bước đi đúng khi chỉ vài năm sau, Microsoft định giá Facebook với con số 15 tỷ USD. Năm 2009, con số chính xác mà người ta định giá về Facebook là 4 tỷ USD, kém xa dự đoán của Microsoft nhưng vẫn hơn rất nhiều so với những gì Mark Zuckerberg yêu cầu với Yahoo!.
Cho tới thời điểm hiện tại, bán công ty không bao giờ là điều Mark Zuckerberg mong muốn. Hướng đi duy nhất của Facebook ở thời điểm hiện tại chính là kết nối toàn cầu với mạng xã hội và kết nối nó một cách miễn phí.
4. Facebook sẽ phá hoại giao tiếp đời thực
Một số nghiên cứu cho thấy mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống thực. Kể từ khi Facebook xuất hiện, khái niệm "anh hùng bàn phím" cũng như "ngại giao tiếp thực" bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Những người dùng mạng xã hội có xu hướng cởi mở và thể hiện mình hơn khi trên Internet thế nhưng lại "im như thóc" khi ở ngoài đời thực.
Mặc dù Facebook đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình đó chính là kết nối, thế nhưng việc người dùng sử dụng Facebook "quá liều" dẫn tới tình trạng cô lập với thế giới xung quanh. Người dùng Facebook biết rất nhiều thứ từ trên trời dưới bể về người này, người kia thế nhưng những gì diễn ra xung quanh họ lại không được khai phá.
Facebook sẽ phá hoại giao tiếp đời thực nhưng nó chỉ đúng với những người dùng mạng xã hội này quá nhiều mà thôi.
Đối với giới trẻ, việc sử dụng Facebook quá nhiều dẫn tới định hướng tính cách lệch lạc. Thay vì được giáo dục bởi trường lớp hay gia đình, giới trẻ thời đại số nhận quá nhiều luồng thông tin trái chiều và cả những nội dung độc hại trên Facebook. Tất cả những yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển của giới trẻ.
Mặc dù vậy, không phải người dùng Facebook nào cũng gặp phải tình trạng trên. Những biến chứng nêu trên chỉ gặp phải ở những người sử dụng Facebook quá nhiều, "mê ảo hơn thật". Còn đối với những người dùng thông thường, Facebook mang lại sự kết nối không giới hạn với cả những người bạn đã lâu năm không gặp.
5. Facebook sẽ bán thông tin cùng hình ảnh của người dùng để thu lợi
Đây là một bí ẩn vẫn chưa rõ lời giải khi mà vụ việc của Edward Snoden làm cả thế giới xoay chuyển. Tất nhiên, Facebook hoàn toàn có thể bán thông tin cùng hình ảnh của người dùng khi mà mọi thông tin trên Facebook đều mở, nhóm kĩ sư Facebook có thể tùy biến dữ liệu người dùng kiếm lợi cho công ty. Việc đăng tải hình ảnh cùng các thông tin nhạy cảm lên Facebook không bao giờ là điều nên làm vì cho dù bạn có xóa tài khoản, dữ liệu vẫn sẽ nằm lại máy chủ Facebook cho tới lúc cần sử dụng.
Tin đồn Facebook bán thông tin người dùng hoàn toàn có cơ sở và người dùng nên tự biết cách bảo vệ thông tin của mình.
Mark Zuckerberg vẫn thường xuyên phát biểu sẽ bảo vệ thông tin người dùng, mặc dù vậy một số vụ kiện cùng những lần rò rỉ thông tin mới đây cho thấy rằng Facebook không phải là nơi an toàn để chia sẻ tất cả mọi chuyện.
Việc sử dụng thông tin người dùng để định hướng quảng cáo không phải là mới trên Facebook, thế nhưng cũng không có bất kì đảm bảo nào cho việc Facebook có bán thông tin của người dùng hay không.
Theo Kenh14