(GD&TĐ)- Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường mầm non. Theo đó, chất lượng giáo dục mầm non sẽ được đánh giá thông qua 5 tiêu chuẩn.
Có sự nhạy cảm, có khả năng quan sát, ghi nhớ, so sánh, phán đoán, phát hiện và giải quyết vấn đề phù hợp với lứa tuổi là 1 trong những chỉ số cho trẻ mầm non |
Với các tiêu chuẩn: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; kết quả chăm sóc, giáo dục trẻ, các trường mầm non phải đáp ứng được 35 tiêu chí cụ thể.
Đó là, nhà trường có cơ cấu tổ chức bộ máy theo quy định của Điều lệ trường mầm non; có số điểm trường, số lớp, số lượng trẻ trên nhóm, lớp theo quy định của Điều lệ; chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý giáo dục các cấp; thực hiện công tác quản lý chuyên môn theo quy định của Bộ GD&ĐT; thực hiện quản lý tài chính, tài sản theo các quy định của Nhà nước; thực hiện các phong trào thi đua theo hướng dẫn của ngành và quy định của Nhà nước; chú trọng công tác chăm sóc sức khoẻ cho trẻ và cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho trẻ và cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; tổ chức các hoạt động lễ hội, văn nghệ, vui chơi phù hợp với điều kiện địa phương; các tổ chuyên môn và tổ văn phòng của nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ trường mầm non.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đạt các yêu cầu theo quy định của Điều lệ trường mầm non và có đủ năng lực để triển khai các hoạt động giáo dục. Về giáo viên, cần đủ số lượng, đạt các yêu cầu về trình độ đào tạo theo quy định của Điều lệ trường mầm non; có hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ dân tộc phù hợp với địa bàn công tác; thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo quy định của Bộ GD&ĐT; thực hiện nghiêm túc việc tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ; biết sử dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn và trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhân viên của trường đạt các yêu cầu theo quy định của Điều lệ trường mầm non. Cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường được đánh giá xếp loại hằng năm. Cán bộ, giáo viên và nhân viên được đảm bảo các quyền lợi theo quy định của ngành và của pháp luật.
Nhà trường có diện tích, khuôn viên và các công trình đảm bảo yêu cầu về thiết kế theo quy định của Điều lệ trường mầm non; có sân, vườn và khu vực cho trẻ chơi, có khối phòng sinh hoạt chung, hiên chơi, phòng ngủ cho trẻ (có thể sử dụng phòng sinh hoạt chung), phòng vệ sinh, khu để xe cho giáo viên, có khối phòng phục vụ học tập, bếp ăn, có khối phòng hành chính quản trị đảm bảo yêu cầu. Nhà trường có các thiết bị, đồ dùng đồ chơi theo quy định về Tiêu chuẩn kỹ thuật Đồ dùng – Đồ chơi – Thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non của Bộ GD&ĐT.
Nhà trường chủ động phối hợp với cha mẹ trẻ để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cá nhân ở địa phương nhằm huy động các nguồn lực về tinh thần, vật chất để xây dựng trường và môi trường giáo dục.
Trẻ có sự phát triển về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục mầm non. Trẻ chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động văn nghệ, có khả năng cảm nhận vần điệu, nhịp điệu của bài thơ, ca dao, đồng dao, hát làn điệu dân ca; tự tin, biết bày tỏ cảm xúc và ý kiến cá nhân; đoàn kết với bạn bè; mạnh dạn trong giao tiếp, lễ phép với người lớn; có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường; giữ gìn vệ sinh cá nhân; quan tâm chăm sóc, bảo vệ cây xanh, vật nuôi; có ý thức chấp hành tốt những quy định về an toàn giao thông. Trẻ suy dinh dưỡng, béo phì và trẻ khuyết tật được chú trọng chăm sóc và có kết quả tiến bộ rõ rệt.
Lập Phương