5 nguyên tắc ban hành Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin 5 nội dung, nguyên tắc ban hành Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Trần Hiệp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Trần Hiệp.

Tại Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 – chiều 6/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin 5 nội dung và nguyên tắc ban hành Thông tư 29.

Thứ nhất, việc ban hành Thông tư 29 để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh;

Thứ hai xây dựng, phát triển khả năng, phương pháp tự học của học sinh; đồng thời xây dựng xã hội học tập suốt đời. Dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh. Vì thế, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành các quy định quản lý hoạt động này theo luật chuyên ngành cũng như phù hợp với các quy định khác. Bộ GD&ĐT không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm, mà cấm những hoạt động dạy thêm không đúng quy định.

Thứ ba, dạy thêm, học thêm không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường, tức là không cắt xén, không trùng lắp.

Thứ tư, dạy thêm, học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh. Tức là, không được có bất cứ hình thức ép buộc nào. Quy định về dạy thêm, học thêm để giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và của ngành Giáo dục.

Những thầy cô tâm huyết, đủ năng lực không bao giờ lại có những hành vi ép buộc đối với học sinh của mình để dạy học thu tiền. Cho nên quy định của Thông tư 29 là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy, cô giáo.

Thứ năm, là từng bước xây dựng và hình thành phương pháp tự học, thói quen tự học của học sinh.

Trong các trường công lập, giáo viên không dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, trong trường công lập có 3 đối tượng được bổ trợ kiến thức (không phải học thêm): phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn, bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh thi cuối cấp.

giaoducphothong.jpg
Giờ học khuyến khích học sinh sáng tạo. Ảnh minh họa.

Bộ GD&ĐT khuyến khích Sở GD&ĐT tham mưu cho tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia dạy bổ trợ kiến thức cho 3 đối tượng học sinh trong trường công lập. Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Văn phòng Thủ tướng có công điện gửi các tỉnh thực hiện vấn đề này, trong đó có nội dung UBND các tỉnh/thành phố bố trí kinh phí nâng cao chất lượng đào tạo.

Học sinh hình thành phẩm chất năng lực, đáp ứng chuẩn kiến thức, đạt chuẩn đầu ra là trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Chương trình nặng hay nhẹ chỉ là ý kiến của cá nhân.

Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ đã làm việc với các tổng chủ biên sách giáo khoa. Tới đây là chỉ là vi chỉnh, không phải điều chỉnh, thay đổi sách giáo khoa hay chương trình giáo dục.

Liên quan đến việc dạy thêm, học thêm, Thứ trưởng nhận thấy, thời gian qua giáo viên dạy tốt, tâm huyết cũng bị mang tiếng, tổn thương. Thông tư mới ban hành, lại xuất hiện hiện tượng có nơi buông lỏng.

Trách nhiệm của Sở GD&ĐT, nhà trường là đảm bảo tất cả học sinh thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT phải đạt chuẩn kiến thức. Học sinh nào chưa đạt phải được bổ trợ để đạt.

Thứ trưởng cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ như: đổi mới kiểm tra đánh giá, chấm dứt tình trạng hỏi xoáy, đáp xoay; bố trí chất lượng giáo viên đồng đều giữa các trường, không tập trung giáo viên tốt về trường điểm (sẽ chấm dứt được tình trạng đi học thêm để thi vào trường điểm); đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh; giải pháp thanh tra, kiểm tra.

Sau 12 năm Thông tư Thông tư số:17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 17) đã lạc hậu, lỗi thời; do đó, cần thay đổi. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29). Thông tư này có hiệu lực từ 14/2/2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ