Tử vong khi sinh nở là biến cố không ai mong muốn nhưng tỷ lệ xảy ra lại không hề nhỏ. Theo số liệu được công bố trên Tạp chí y học The Lancet, tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ khi sinh con ở Mỹ là 26,4 trên 100.000 ca sinh, trong khi ở Việt Nam con số này là 15,6; ở Ả Rập Saudi là 15,7; ở Palestine là 16,2; ở Iran là 20,8 và tại Libya là 22,8.
Vậy những nguyên nhân nào có thể khiến sản phụ tử vong? Bà bầu và người nhà đặc biệt là người chồng cần nắm được kiến thức này để chăm sóc mẹ bầu và sản phụ được tốt nhất.
5 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ
1. Băng huyết (41%)
Băng huyết là nguyên nhân phổ biến nhất trong các ca tử vong sau sinh được ghi nhận. Đây là hiện tượng xuất huyết không ngừng sau khi sinh dẫn đến mất máu trầm trọng (từ 500ml trở lên trong vòng 24 giờ đầu sau sinh) và tử vong là điều khó tránh khỏi.
Nếu băng huyết xảy ra trong quá trình chuyển dạ còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng huyết tức thời là do tử cung giảm độ đàn hồi (tử cung bị đờ) hoặc do âm đạo, cổ tử cung bị rách trong quá trình sinh nở. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ băng huyết bao gồm: con lớn, đa sản, có can thiệp giục sinh…
Để giảm tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo thai phụ nên sinh thường vì nguy cơ băng huyết do giục sinh có thể tăng gấp 2,5 lần.
2. Sản giật, tiền sản giật (21,3%)
Ngay khi còn trong thai kỳ, sản giật đã là mối đe dọa đến tính mạng của mẹ và thai nhi với các dấu hiệu tăng huyết áp, tăng protein trong nước tiểu dẫn đến co giật hoặc hôn mê. Kèm theo đó là các cơn đau đầu dữ dội, giảm hoặc loạn thị lực.
Người mang thai lần đầu, song thai, thai phụ trên 35 tuổi, thai phụ tăng huyết áp trong thai kỳ, có đái tháo đường và mắc các bệnh lý về thận… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc tiền sản giật trong thai kỳ.
Ngoài ra, tiền sản giật còn dẫn đến các bất thường về nhau thai như kích thước bất thường, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo… Tiền sản giật cũng liên quan đến hiện tượng thai trứng.
3. Nhiễm khuẩn sau sinh (18,8%)
Trong sản khoa, đây là tai biến rất nguy hiểm và rất phổ biến. Hiện nay, nhờ điều kiện y tế được cải thiện đáng kể cộng thêm việc phân lập được vi khuẩn gây nhiễm trùng, tình trạng nhiễm khuẩn sau sinh ở bộ phận sinh dục đã giảm còn chỉ còn 0,3%.
Tùy vào loại vi khuẩn xâm nhập, thời điểm phát hiện bệnh, điều kiện chăm sóc và điều trị mà mức độ nguy hiểm của tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng của sản phụ sau sinh.
Ngoài việc vệ sinh kém ra, sức khỏe thai phụ kém, tình trạng nhiễm độc thai, thiếu máu, sót nhau, bế sản dịch… cũng là những nguy cơ đe dọa cần được theo dõi.
4. Tắc mạch ối
Tắc mạch ối là hội chứng nước ối tràn vào máu trong quá trình chuyển dạ, đe dọa đến tính mạng của thai phụ và thai nhi. Điều đáng nói, tắc mạch ối có thể gặp ở bất cứ thai phụ nào, sinh lần đầu hay đã sinh nhiều lần.
Nguy hiểm hơn, nó thường xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh mà không có bất kỳ chẩn đoán hay phương pháp dự phòng nào trước đó.
Khi rơi vào trường hợp này, thai phụ nhanh chóng bị tắc mạch máu não, tắc mạch phổi, mất khả năng tuần hoàn, suy hô hấp và tử vong ngay sau đó.
Nguyên nhân là khi tử cung co thắt mạnh, nước ối thấm, tràn vào khoang giữa tử cung và nhau – màng ối khiến các mạch máu trở thành ống hút nước ối vào mạch máu. Theo các cơn co thắt, nước ối sẽ tràn lên phổi và gây tắc mạch phổi.
Sản phụ trẻ tuổi teen, sức khỏe kém hay sản phụ trên 35 tuổi, người có bệnh lý về máu, nhau bất thường… là những đối tượng có nguy cơ tắc mạch ối cao hơn những đối tượng khác.
Tuy đây là trường hợp hiếm gặp nhưng lại có đến 90% nguy cơ tử vong vì một phần do tính chất nguy hiểm của biến chứng, một phần do các bác sĩ ít có kinh nghiệm xử lý.
5. Sót nhau thai
Trong khoảng 30 phút sau sinh, tử cung sẽ tiếp tục co thắt và đẩy hết nhau thai ra ngoài. Nếu không đẩy hết hoàn toàn (do bất thường nhau thai, hoặc sẹo, viêm nhiễm tử cung…), nhau sót lại sẽ gây nên tình trạng nguy hiểm cho sản phụ.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của việc sót nhau là máy chảy nhiều, đau từng cơn hoặc âm ỉ ở vùng bụng dưới. Sau khoảng 3-4 ngày, thai phụ sẽ bị nhiễm khuẩn.
Lưu ý để có ca sinh nở an toàn
1. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý
Khi có thai, người mẹ cần chú ý nhiều hơn đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Cố gắng ăn đa dạng các loại thực phẩm và dùng bữa đúng giờ. Ăn quá nhiều, tăng cân quá mức hay thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến suy thai đều là những nguy cơ làm xuất hiện các biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ và quá trình sinh nở.
2. Tuân thủ lịch khám thai định kỳ
Khám thai có thể giúp mẹ theo dõi chặt chẽ tình trạng phát triển của con theo các chỉ số về chiều dài, cân nặng, nhịp tim,… Nó sẽ đảm bảo cho bạn một thai kỳ thành công hoặc nếu có các bất thường, bạn vẫn có cơ hội để được can thiệp kịp thời.
3. Tham gia các lớp tiền sản
Quá trình sinh nở sẽ rất đau đớn và làm bạn kiệt sức nhưng với những kiến thức tiền sản hữu ích, bạn sẽ biết cách để làm giảm những cơn đau không cần thiết do thiếu hiểu biết.
Qua những lớp học này, bạn cũng sẽ biết cách để giữ sức khi sinh, nắm được những tình huống bạn sẽ phải trải qua… Điều quan trọng, mẹ sẽ tìm thấy ở đây những bài thực hành chân thực nhất.