Ngày 5/12, UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thường trực HĐND TP về công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố.
Báo cáo này nêu 5 nguyên nhân cơ bản gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Nguyên nhân đầu tiên do số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh nhưng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải.
Nguyên nhân thứ hai là đầu tư thiếu đồng bộ, các tuyến đường vành đai chưa hoàn chỉnh, cầu qua sông Hồng còn thiếu... Hà Nội quy hoạch 7 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài 285km.
Tuy nhiên, Vành đai 5 chưa triển khai, Vành đai 4 đang triển khai và dự kiến hoàn thành năm 2027, Vành đai 3,5 đang triển khai nhưng chưa làm được toàn tuyến do khó khăn giải phóng mặt bằng.
Vành đai 3 còn phía Bắc chưa thông đường. Vành đai 2,5 cũng mới làm được một số đoạn. Vành đai 2 còn chưa triển khai đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy.
Vành đai 1 vẫn chưa giải phóng được mặt bằng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Các loại hình vận tải công cộng và hành khách đi xe buýt hiện chỉ đạt 19,5%. Thống kê của Sở GTVT, thành phố hiện có 132 tuyến xe buýt trợ giá.
Do 3 năm bị dịch Covid-19 nên sản lượng vận tải hành khách công cộng giảm, năm 2022 là 334 triệu lượt, năm 2023 dự kiến đạt 400 triệu lượt nhưng chưa đạt ngưỡng của năm 2019 là 410 triệu lượt.
Nhiều công trình thi công gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến ùn tắc giao thông. Các tuyến đường giao thông trục chính, cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông vượt thiết kế, chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm, tai nạn cũng dẫn đến ùn tắc giao thông.
Ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, không tuân thủ nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Theo thống kê, năm 2022, thành phố có 35 điểm ùn tắc và đã xử lý được 8 điểm nhưng phát sinh 10 điểm, tồn tại 37 điểm ùn tắc.
Năm 2023 xử lý được 11/37 điểm và phấn đấu xử lý thêm 1-2 điểm từ nay đến cuối năm, tuy nhiên có thể phát sinh thêm 8 điểm ùn tắc mới.