Trường xuyên biên giới
THINK Global School (TGS) là trường nội trú lưu động không có cơ sở chính thức, đóng chân tại một địa điểm, quốc gia cụ thể. Ngôi trường được thành lập bởi một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích xây dựng môi trường học hoàn toàn mới, ứng dụng kiến thức trên trường lớp vào giải quyết các vấn đề toàn cầu.
TGS cũng là ngôi trường THPT đầu tiên trên thế giới tiên phong hướng đến sự đa dạng văn hóa trong giáo dục nhằm xoá nhoà khoảng cách địa lý giữa học sinh.
Mỗi năm, nhà trường chỉ đào tạo khoảng 45 học sinh từ lớp 10 - 12, đến từ các quốc gia khác nhau. Chương trình học tại trường dựa theo chuẩn trung học phổ thông tại Mỹ và chuẩn bị cho các kỳ thi chuẩn hóa quốc tế như SAT I, SAT II, ACT…
Mỗi học kỳ, trường sẽ thay đổi địa điểm dừng chân. Do đó, suốt 3 năm trung học, học sinh sẽ được trải nghiệm cuộc sống tại 12 quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Costa Rica, Thuỵ Điển… Ở mỗi quốc gia, nhà trường sẽ nhấn mạnh vào trải nghiệm văn hóa, ẩm thực hay lối sống của người dân bản địa.
Đơn cử, khi dừng chân tại Ấn Độ, học sinh được nghiên cứu về tôn giáo đa dạng trên đất nước, phong cách nghệ thuật hay kiến trúc của đất nước này. Nhà trường tập trung vào khả năng thích ứng, tư duy phản biện cùng những giá trị mở giúp mỗi học sinh đều có thể trở thành công dân toàn cầu.
Khu vườn xanh
Green School (Trường học xanh) toạ lạc tại thành phố Bali, Indonesia tập trung vào tính bền vững thông qua học tập, trải nghiệm trong môi trường tự nhiên. Ngôi trường này được thành lập vào tháng 12/2008, nằm dọc theo con sông Ayung nổi tiếng tại Indonesia.
Không bó hẹp học sinh trong những bức tường lớn, trường được xây dựng hoàn toàn bằng các vật liệu tự nhiên như tre, cỏ với tường làm bằng bùn. Bàn ghế, bảng… cũng đều được làm từ tre. Lớp học có nhiều cửa sổ để đón ánh sáng, mở rộng không gian và giúp học sinh tận hưởng không khí trong lành và thiên nhiên bên ngoài.
Với 75 phòng học, Trường học xanh sử dụng hệ thống năng lượng Mặt trời và dầu diesel sinh học. Xung quanh khuôn viên trường có những khu vườn nhỏ do học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng chăm sóc theo mô hình canh tác công nghiệp sinh thái.
Tại Trường học xanh, học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 đều được học các môn phổ thông như Tiếng Anh, Toán… Nhưng các em sẽ học thêm các môn riêng biệt, thú vị như Phát triển toàn cầu, Quản lý môi trường, Khoa học thế kỷ 21 hay Kinh doanh. Các bài học đều nhằm nuôi dưỡng cho học sinh thái độ tôn trọng thế giới tự nhiên và nâng cao nhận thức về môi trường.
Ngôi trường nguy hiểm
Nằm ở thành phố San Francisco, Mỹ, Brightworks còn được biết đến là “trường học nguy hiểm” vì khuyến khích học sinh mạo hiểm, vượt ra khỏi vòng an toàn để tích luỹ những kiến thức mới mẻ và khám phá năng lực của bản thân.
Tại Brightworks, học sinh có thể thực hành những việc phụ huynh cho là nguy hiểm, thường cấm các con làm như khoan tường, kiểm tra mạch điện, nghịch lửa, sơn móng tay… Thậm chí, những học sinh nhỏ tuổi sẵn sàng mặc đồ bảo hộ, đeo kính khi sử dụng cưa điện để cắt gỗ.
Tuy nhiên, mục đích của cách thức giáo dục này là kích thích khả năng sáng tạo của học sinh, giúp các em hình thành kỹ năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề hay làm chủ bản thân trong những công việc thực tế. Học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 thường chia thành các “ban nhạc”, thay vì “lớp học”, với thầy cô được coi là “cộng tác viên”.
Giáo dục tại Brightwork đi theo mô hình vòng cung gồm ba giai đoạn: Khám phá, thể hiện và phô bày. Với diện tích rộng, Brightworks với đủ loại cơ sở vật chất như xưởng vẽ nghệ thuật, phòng thí nghiệm, phòng chế tạo hay máy cắt laser…
Trường học phi giới tính
Trường mẫu giáo Egalia, thành phố Stockholm, Thuỵ Điển, là ngôi trường phi giới tính, nơi bình đẳng giới hiện diện trong từng khía cạnh của giáo dục từ đồ chơi đến phương pháp giáo dục của giáo viên. Theo phương châm của nhà trường, bình đẳng giới tính cần được tôn trọng nên ở đây không có khái niệm đồng tính, dị tính hay chuyển giới.
Để hiện thực hóa điều này, mọi đồ chơi trong trường như búp bê, khủng long, đồ gỗ… không được phân loại mà được xếp cùng nhau. Trẻ em có thể lấy bất cứ đồ chơi nào chúng muốn. Những câu chuyện cổ tích về nàng công chúa và chàng hoàng tử được coi là không còn phù hợp nên được thay thế bằng những cuốn sách thiếu nhi hiện đại hơn.
Giáo viên nhà trường cũng rất chú ý đến lời nói, thái độ và hành động cư xử cùng trò. Đơn cử, họ không dùng đại từ “han” chỉ nam giới hay “hon” chỉ nữ giới mà dùng đại từ trung tính “hen”. Trường học hy vọng giúp trẻ nhận thức rằng giới tính không quyết định sở thích, tính cách hay năng lực của mỗi cá nhân.
Trường học “văn phòng”
Hệ thống Trường Carpe Dieam tại Mỹ được thiết kế với kiến trúc giống toà nhà văn phòng với những ngăn nhỏ, chia thành bàn học riêng cho từng học sinh. Mỗi em được trang bị một chiếc máy tính bàn để tự học. Hiện nay, nhà trường có khoảng 300 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12.
Nhà trường sẽ thiết kế chương trình học trực tuyến và học sinh sẽ tự theo dõi bài học của mình, tự tìm kiếm và trau dồi thêm những kiến thức mới. Khi cần hỗ trợ, học sinh có thể liên hệ với giáo viên qua Internet hoặc gặp trực tiếp.
Dù học tập độc lập, học sinh được khuyến khích giúp đỡ lẫn nhau và trao đổi tiến độ bài vở cùng “đồng nghiệp” ở những bàn bên cạnh. Phương thức này giúp học sinh nâng cao khả năng độc lập và có thể phát triển theo tiến độ riêng.